Đại dịch COVID-19 đã có tác động tiêu cực đến nhiều lĩnh vực kinh tế - xã hội, nhất là du lịch, lượng khách và doanh thu du lịch 4 tháng đầu năm 2020 của cả nước nói chung và các tỉnh, thành phố nói riêng bị sụt giảm nghiêm trọng, nhiều doanh nghiệp lữ hành, khách sạn, nhà hàng phải ngừng hoạt động. Đến nay, tình hình dịch bệnh đã cơ bản được khống chế thành công tại Việt Nam, nhiều hoạt động kinh tế, văn hóa, xã hội đã trở lại bình thường, du lịch cũng đã bắt đầu có dấu hiệu hồi sinh.
Du khách trải nghiệm chèo thuyền Kayak tại Khu du lịch sinh thái Tràng An.
Ngành Du lịch xác định du lịch nội địa đang là điểm tựa trong chiến dịch phục hồi sau đại dịch COVID-19. Các địa phương, hãng hàng không, doanh nghiệp… đã vào cuộc tích cực, trong đó đã thành lập nhiều "liên minh" kích cầu, các chương trình khuyến mại hấp dẫn và nhiều sản phẩm du lịch độc đáo.
Hầu hết các địa phương có khu, điểm du lịch đều tổ chức kích cầu, mở rộng giao lưu, liên kết vùng, miền dần đưa hoạt động của ngành du lịch trở lại bình thường. Anh Hoàng Bình Minh, Chi hội trưởng Chi hội Lữ hành (Hiệp hội Du lịch Ninh Bình) chia sẻ: Trước mắt, các đơn vị làm du lịch trên địa bàn tỉnh nhanh chóng giải tỏa tâm lý lo ngại về dịch bệnh.
Tiếp đến là tổ chức những cuộc họp bàn - bắt tay, liên minh kích cầu du lịch nội địa với nhiều hình thức khuyến mại và giảm giá dịch vụ trước mắt và theo lộ trình. Các hãng lữ hành là những sứ giả đi đầu nhằm khởi động, vận hành hoạt động "kích cầu" nội địa.
Tuy nhiên hoạt động du lịch vận hành thế nào cần có sự vào cuộc của nhiều cấp, ngành, địa phương, như cần có chính sách hỗ trợ miễn, giảm phí, lệ phí tham quan tại các di tích, điểm tham quan, bảo tàng, điểm du lịch do địa phương quản lý, góp phần giảm giá thành, tăng tính hấp dẫn các gói kích cầu du lịch.
Hơn nửa tháng qua, hưởng ứng chương trình "Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam", ngành Du lịch Ninh Bình tích cực tham gia các chương trình liên kết, hợp tác kích cầu thúc đẩy tăng trưởng du lịch nội địa phục hồi sau dịch COVID -19. Cụ thể, ngày 27/5, Ban Chấp hành Hiệp hội Du lịch Ninh Bình và một số doanh nghiệp du lịch trong tỉnh đã dự khai trương đường bay nội địa Thanh Hóa - Buôn Mê Thuột của Vietnam Airline - mở ra những thuận lợi mới để du khách được tham quan miền đất đậm đà bản sắc văn hóa của các dân tộc Tây Nguyên.
Tiếp đến, ngày 31/5, Đoàn đại biểu của Du lịch Ninh Bình do đồng chí Giám đốc Sở Du lịch tham dự Hội thảo khoa học bàn giải pháp thúc đẩy du lịch nội địa và phục hồi du lịch quốc tế sau dịch COVID-19 tại tỉnh Nghệ An. Hội thảo khẳng định, nhu cầu và mức chi tiêu của khách du lịch có nhiều thay đổi sau thời gian dài thực hiện giãn cách xã hội, lượng khách du lịch vẫn còn ở mức thấp so với thời điểm trước khi bùng phát dịch bệnh, chủ yếu là khách trong vùng và thời gian lưu trú ngắn.
Trước thực tế đó, giải pháp được ưu tiên hàng đầu là các địa phương cần hợp tác chặt chẽ để cùng xây dựng, triển khai các gói kích cầu du lịch hấp dẫn, đầu tư phát triển những sản phẩm mới tiềm năng, có sức hấp dẫn, tạo điểm nhấn cho du lịch vùng, miền.
Với mong muốn tìm kiếm, xây dựng, kết nối, hợp tác phát triển các sản phẩm mới dành cho du khách, ngày 5/6, tại tỉnh Hà Tĩnh, Hiệp hội Du lịch Ninh Bình đã tham dự hội nghị liên kết kích cầu du lịch nội địa các tỉnh phía Bắc, đồng thời ký kết văn bản ghi nhớ hợp tác phát triển du lịch năm 2020 giữa các đơn vị, địa phương.
Tại hội nghị này, các đơn vị lữ hành, doanh nghiệp du lịch các tỉnh, thành phố phía Bắc đã nhận định, từ sau dịch COVID-19, ngành Du lịch mở ra những xu hướng mới cần doanh nghiệp chuyển động để thích ứng hơn nữa. An toàn du lịch trở thành mối quan tâm hàng đầu của du khách cùng với xu hướng lựa chọn các điểm đến gần, du lịch ngắn ngày theo các nhóm nhỏ và du lịch cá nhân.
Đây là điểm mấu chốt để đưa ra các phương án kích cầu du lịch, như: Quảng bá các điểm đến trên phương tiện truyền thông; giảm giá vé tham quan để thu hút khách trở lại sau dịch COVID-19, tập trung các điểm đến hấp dẫn... Xúc tiến quảng bá, trao đổi thông tin giữa các doanh nghiệp, hội viên trong hiệp hội với các công ty lữ hành và hiệp hội du lịch các tỉnh phía Bắc.
Cũng trong dịp này, Hiệp hội Du lịch Ninh Bình đã tổ chức đoàn famtrip nhằm khảo sát, tìm hiểu cơ hội mở rộng hợp tác, phát triển du lịch tại 2 tỉnh Hà Tĩnh và Quảng Bình. Ngành du lịch các tỉnh Hà Tĩnh và Quảng Bình đã giới thiệu cơ chế, chính sách vừa áp dụng, giới thiệu những gói sản phẩm, dịch vụ mới với nhiều ưu đãi đặc biệt nhằm phát huy tiềm năng, thế mạnh của tỉnh.
Đối với Hà Tĩnh, nhiều doanh nghiệp lữ hành, đơn vị quản lý, khai thác sản phẩm du lịch trên địa bàn tỉnh đã đưa ra các ưu đãi để kích cầu du lịch như: Giảm giá từ 10 - 30% các chương trình du lịch trọn gói; áp dụng mức giá ưu đãi lớn đối với đơn vị, đại lý có số lượng khách lớn...
Còn đối với tỉnh Quảng Bình được xem là "Vương quốc hang động" của Việt Nam thì triển khai giảm 50% phí tham quan một loạt các hang động nổi tiếng, đồng thời phí vận chuyển, lưu trú, dịch vụ ăn uống của các nhà hàng cũng giảm đáng kể. Và mới đây (từ ngày 18-19/6), tại tỉnh Lạng Sơn, có gần 50 doanh nghiệp, đơn vị lữ hành, điểm đến du lịch tiêu biểu của các tỉnh, thành phố phía Bắc: Lạng Sơn, Cao Bằng, Quảng Ninh, Hà Nội và Ninh Bình đã ký kết hợp tác, xây dựng các tour, tuyến liên kết và một số sản phẩm du lịch trải nghiệm mới mang đặc trưng vùng, miền. Đồng thời, tạo thành chuỗi sản phẩm hấp dẫn, kích cầu, thu hút khách nội địa, hưởng ứng chương trình "Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam", nhằm phục hồi nhanh và bền vững ngành Du lịch trong thời gian tới.
Các điểm đến, cơ sở lưu trú ở Ninh Bình đã và đang triển khai hàng loạt các sản phẩm mới kích cầu du lịch trong nước, như: Nhiều homestay giảm giá phòng, miễn phí tiền thuê xe đạp, giảm giá thuê xe máy; nhiều khách sạn, như Hoàng Sơn Peace Hotel giảm 50% giá phòng từ 15/5 đến 30/9/2020; trải nghiệm chèo thuyền Kayak tham quan di sản Tràng An, triển khai chương trình Heli Tour (bay 10 phút) ngắm toàn cảnh di sản Tràng An…
Chương trình "Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam" đang phát huy kết quả tích cực. Để đạt hiệu quả cao, ngành Du lịch Ninh Bình tiếp tục vận động các doanh nghiệp trên địa bàn tham gia các hoạt động "kích cầu nội địa", đồng thời hướng dẫn, theo dõi, đôn đốc các đơn vị nghiêm túc thực hiện các cam kết khuyến mại. Đặc biệt, các khu, điểm du lịch phải đảm bảo các quy định, điều kiện về an toàn phòng, chống dịch cho khách du lịch, người lao động và cộng đồng, hướng đến môi trường du lịch an toàn, thân thiện và chất lượng.
Bài, ảnh: Minh Đường