(TITC) - Với sự xuất hiện dịch Covid-19 trở lại trong cộng đồng, ngành du lịch Việt Nam vừa bước đầu hồi phục lại tiếp tục phải đối mặt với thách thức mới dự báo còn khó khăn hơn. Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Tổng cục Du lịch đang quyết liệt chỉ đạo thực hiện mục tiêu kép, ưu tiên bảo đảm an toàn và quyền lợi cho du khách.
Du khách tại sân bay Đà Nẵng (Ảnh: Internet)
Bảo đảm an toàn và quyền lợi cho du khách là ưu tiên hàng đầu
Ngày 25/7/2020, Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 chính thức công bố ca bệnh số 416 nhiễm Covid-19. Đây là ca nhiễm trong cộng đồng đầu tiên sau 99 ngày kể từ 16/4/2020. Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo thực hiện giãn cách xã hội trên toàn thành phố Đà Nẵng từ ngày 28/7/2020. Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện mục tiêu kép vừa phòng chống dịch, vừa phát triển kinh tế - xã hội.
Theo thông tin ban đầu từ các công ty lữ hành, hiện không có khách đăng ký tour mới, 100% khách hủy tour đi các điểm có dịch, 30-40% khách hủy đến những điểm không có dịch và xu hướng này có thể tiếp tục tăng trong thời gian tới.
Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh cho biết, trước diễn biến mới bùng phát dịch Covid-19 trở lại ở một số địa phương, Tổng cục Du lịch thường xuyên trao đổi với Sở Du lịch Đà Nẵng để kịp thời nắm bắt tình hình, chỉ đạo xử lý những tình huống du khách hoãn, chuyển đổi tour, di chuyển khách ra khỏi địa bàn Đà Nẵng; đồng thời chỉ đạo các sở quản lý du lịch tăng cường công tác phòng chống dịch, theo dõi sát hoạt động của các cơ sở dịch vụ, các nhà hàng ăn uống, cơ sở lưu trú, địa điểm vui chơi trên địa bàn.
“Tổng cục Du lịch đang nắm bắt thông tin từ các địa phương xảy ra dịch để kịp thời có chỉ đạo hướng dẫn ngành du lịch địa phương đảm bảo quyền lợi cho khách du lịch. Hiện nay chúng tôi cần có thời gian, trao đổi kỹ với các bên liên quan trong đề xuất giải pháp phù hợp trong thời gian tới”, Tổng cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh cho biết.
Trong thời điểm này, Tổng cục Du lịch đang tăng cường theo dõi, bám sát tình hình để tham mưu và triển khai những giải pháp ứng phó kịp thời trong ngành theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ VHTTDL, Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19.
Về định hướng hoạt động của ngành du lịch trong thời gian tới, Tổng cục trưởng khẳng định, tinh thần chung là ưu tiên đảm bảo an toàn cho khách du lịch, thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Tùy vào tình hình dịch bệnh, theo từng giai đoạn sẽ có kế hoạch cụ thể nhằm phục hồi thị trường du lịch.
Bên cạnh đó, ngành du lịch cũng đang chủ động chuẩn bị tất cả các kịch bản, phương án phục hồi hoạt động du lịch ngay khi điều kiện cho phép. Dự báo mức độ cạnh tranh thu hút khách sau dịch giữa các điểm đến sẽ rất quyết liệt, do vậy du lịch Việt Nam cần chủ động lên kế hoạch, tận dụng tốt lợi thế điểm đến an toàn, thành công trong khống chế dịch để thu hút khách. Sự quyết liệt trong phòng chống dịch và chủ động chuẩn bị sẵn sàng các phương án phục hồi sẽ là nền tảng thực hiện mục tiêu kép theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Thành công trong phòng chống dịch và phục hồi du lịch được đánh giá cao
Từ đầu tháng 5/2020 khi Việt Nam đã cơ bản kiểm soát tốt dịch, Chính phủ cho phép nối lại hoạt động du lịch nội địa. Bộ VHTTDL đã phát động chương trình Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam.
Chương trình nhận được sự ủng hộ, hưởng ứng rất tích cực của các địa phương, doanh nghiệp và người dân. Tổng cục Du lịch đã đồng hành cùng các địa phương, doanh nghiệp phát động hàng loạt chương trình kích cầu du lịch nội địa. Hoạt động vận chuyển hàng không nội địa không chỉ phục hồi mà còn mở rộng thêm các tuyến bay để đáp ứng nhu cầu của nhân dân trong nước. Lượng khách du lịch tại các điểm đến đông trở lại, một số điểm quá tải, cho thấy nhu cầu rất lớn của người dân. Lượng khách nội địa trong tháng 6/2020 đạt 7 triệu lượt, tăng 2,3 lần so với tháng 5/2020. Các doanh nghiệp du lịch dù chưa có lãi nhưng đã có thể duy trì trở lại một lượng lao động nhất định, giúp họ có lại việc làm và thu nhập.
Nỗ lực phục hồi hoạt động du lịch nội địa trong thời gian qua của ngành Du lịch là một điểm sáng trong nền kinh tế, được cộng đồng ở trong nước và báo chí quốc tế đánh giá cao. Trang tin tức du lịch Skift của Mỹ trong bài viết ra ngày 12/5/2020 nhận định ngành du lịch Việt Nam đã vực dậy mạnh mẽ sau dịch, vượt qua cả Singapore, Thái Lan, Malaysia, Indonesia và Philippines. Còn hãng tin Bloomberg trong bài viết ra ngày 7/6/2020 cho rằng sự phục hồi du lịch bằng thị trường nội địa ở Việt Nam có thể là mô hình tham khảo cho các quốc gia khác trên thế giới.
Một bài báo ra ngày 26/6/2020 trên Reuters cũng cho biết Việt Nam và New Zealand là hai quốc gia kiểm soát tốt Covid-19 nhưng Việt Nam đã làm tốt hơn hẳn New Zealand trong chiến dịch phục hồi du lịch dựa vào thị trường trong nước.
Với sự chỉ đạo quyết liệt, kịp thời của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cùng sự nỗ lực của các cấp, ngành, sự đồng lòng, nhất trí của toàn xã hội, cũng như kinh nghiệm chống dịch ở giai đoạn trước, tin tưởng rằng Việt Nam sẽ tiếp tục khống chế dịch thành công, làm cơ sở vững chắc để thúc đẩy phục hồi hoạt động du lịch, góp phần vào sự phục hồi chung của nền kinh tế.
Theo ước tính của Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO), lượng khách quốc tế trên toàn cầu năm 2020 có thể giảm 60-80% so với năm 2019, thiệt hại 910 tỷ đến 1,2 nghìn USD, mất đi 100 - 120 triệu việc làm trực tiếp trong ngành du lịch. Tuy nhiên UNWTO cũng dự báo châu Á và Thái Bình Dương là khu vực có triển vọng hồi phục sớm nhất.
Đối với Việt Nam, ước tính chỉ trong 3 tháng từ tháng 2 đến tháng 4/2020, ngành du lịch thiệt hại khoảng 6-7 tỷ USD. Biết rằng du lịch được coi là một ngành kinh tế quan trọng của đất nước, năm 2019 giá trị đóng góp trực tiếp của du lịch vào GDP là 9,2%, chưa kể tác động gián tiếp và lan tỏa. Sự đóng băng và đổ vỡ của chuỗi giá trị du lịch sẽ tác động không chỉ trong ngành du lịch mà còn tới cả những ngành, lĩnh vực liên quan khác như thương mại, dịch vụ, nông nghiệp, vận tải...