Hà Quảng là huyện nằm ở phía Tây Bắc của tỉnh Cao Bằng, có nhiều di tích lịch sử cách mạng như: Khu di tích Quốc gia đặc biệt Pác Bó, Khu di tích lịch sử Kim Ðồng, điểm di tích Hang Phia Nọi, di tích Lũng Loỏng...
Những năm gần đây, bên cạnh việc phát huy truyền thống cách mạng, địa phương còn chú trọng, nâng cao ý thức bảo vệ, phát huy các giá trị di tích lịch sử, văn hóa truyền thống dân tộc trong cộng đồng. Tham gia những chuyến du lịch về nguồn nơi đây, du khách có thể cảm nhận được tình đoàn kết, vẻ đẹp nồng hậu của người dân miền non nước hữu tình.
Hàng nghìn du khách tham dự Lễ hội về nguồn Pác Bó lần thứ nhất năm 2019. Ảnh: Quốc Đạt
Miền đá nở hoa…
Huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng có tổng diện tích đất tự nhiên hơn 45.000 ha, với hai phần ba diện tích là núi đá, địa hình bị chia cắt thành hai tiểu vùng: vùng thấp và vùng cao. Dân số toàn huyện có hơn 34.000 người, gồm năm dân tộc anh em: Kinh, Tày, Nùng, Mông, Dao cùng sinh sống. Mỗi dân tộc mang nét đặc trưng văn hóa riêng cho nên ở Hà Quảng vẫn còn lưu giữ, khôi phục được các trò chơi dân gian như: tung còn, kéo co, đẩy gậy..., các làn điệu dân ca như: hát Then, Tài Sli, Nàng ới, Dá Hai, Hà Lều... đậm đà bản sắc. Hằng năm, địa phương tổ chức nhiều hội thi, hội diễn văn nghệ quần chúng, tăng cường công tác tuyên truyền, đưa thông tin văn hóa về cơ sở, tạo điều kiện cho các nghệ nhân, diễn viên quần chúng có sân chơi, phục vụ công chúng và lan tỏa đam mê dành cho văn hóa truyền thống dân tộc trong thế hệ trẻ. Năm 2015, nghệ nhân đàn tính Hoàng Bích Thu (xóm Ðôn Chương, thị trấn Xuân Hòa) được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể. Việc phong tặng danh hiệu nghệ nhân vừa tôn vinh, khẳng định bản sắc văn hóa truyền thống, vừa trở thành nguồn động lực khích lệ những người trẻ tìm hiểu, học đàn Tính, hát Then. Tính tới thời điểm hiện tại, toàn huyện có hơn 10 lễ hội truyền thống, tiêu biểu như: Hội thi chọi bò xuân, Lễ hội mồng chín tháng Giêng xã Sóc Hà... Năm 2019, huyện Hà Quảng phối hợp tổ chức thành công hai lễ hội mới: Lễ hội về nguồn Pác Bó, Ngày hội văn hóa dân tộc H’Mông theo đúng phong tục tập quán, gắn với giáo dục truyền thống yêu nước, hướng về cội nguồn, thu hút đông đảo du khách.
Chia sẻ về giải pháp bảo tồn bản sắc văn hóa và phát huy tiềm năng phát triển du lịch, Bí thư Huyện ủy Hà Quảng, Nguyễn Lâm Thị Tú Anh cho biết, huyện Hà Quảng đã quy hoạch các vùng, điểm du lịch gắn với xây dựng nông thôn mới. Trong đó, lợi thế Khu di tích Quốc gia đặc biệt Pác Bó, địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống cách mạng, và các điểm đến hấp dẫn trong Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng, điểm du lịch sinh thái Bãi Tình, thác Nặm Ngùa… là những điểm nhấn quan trọng. Theo đó, trọng điểm sẽ tập trung đầu tư, tôn tạo các khu, điểm du lịch, bảo vệ môi trường sinh thái, bảo tồn, giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, cộng với truyền thống thân thiện, mến khách của người dân tạo ra ấn tượng khó quên của du khách khi đến với Hà Quảng. Ngoài ra, để du lịch từng bước phát triển bền vững, nâng cao thu nhập của người dân thì kế hoạch cụ thể khâu thương mại, dịch vụ cũng được quan tâm sâu sát hơn. Tại Khu di tích Quốc gia đặc biệt Pác Bó, chúng tôi gặp vợ chồng anh Nông Thanh Bằng (xóm Pác Bó, xã Trường Hà) bán hàng trong khu di tích. Anh Bằng chia sẻ, năm nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, lượng khách tham quan không đông, song, đây cũng là thời điểm lý tưởng để những người dân tập trung chăm sóc cảnh quan, sắp xếp gian hàng và mở mang, tiếp thu kỹ năng, kinh nghiệm để du lịch về nguồn tăng sức hấp dẫn từ chính người dân địa phương. Trong khi trò chuyện, anh cởi mở dẫn khách tham quan dòng suối, xa xa là cánh đồng lúa đang trĩu bông báo hiệu một vụ mùa bội thu, no ấm.
Mỗi chuyến du lịch về nguồn Pác Bó, du khách vừa có cơ hội tiếp thu giá trị văn hóa, lịch sử vừa được trải nghiệm nhiều nét tinh hoa trong đời sống lao động, sinh hoạt của người dân miền non nước hữu tình. Chẳng hạn, ẩm thực Cao Bằng hiện hữu qua miền đất Hà Quảng ở những món ăn truyền thống như: khẩu sli, lạc đỏ, ngô nếp nương, đỗ tương, thịt lợn đen, thịt lợn hương… và từng điệu hát ngẫu hứng xen vào những cuộc trò chuyện. Toàn huyện có tới 102 đội văn nghệ xóm và du khách lưu trú ở đâu đều có cơ hội thưởng thức các làn điệu dân ca truyền thống và giao lưu văn nghệ theo nét độc đáo riêng có của từng dân tộc. Nhiều làng nghề truyền thống của huyện Hà Quảng đang hoạt động sản xuất ổn định, hiệu quả. Trong số đó phải kể đến những điển hình như: làng Dệt thổ cẩm Luống Nọi, làng khẩu sli Nà Giàng, làng làm hương Nà Mạ, làng giấy dó Nà Kéo... có thể phát triển du lịch trải nghiệm làng nghề, xuất khẩu sản phẩm, giúp người dân có nguồn thu nhập ổn định, tinh thần phấn khởi, hăng say lao động. Nắm bắt tiềm năng này, huyện Hà Quảng đang tập trung xúc tiến, triển khai xây dựng hai khu homestay, phát triển du lịch cộng đồng tại hai xóm Nà Mạ và Nà Kéo của xã Trường Hà.
Giải pháp phát triển bền vững
Bên cạnh những thành quả đạt được trong việc gìn giữ, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc và phát triển du lịch, trên địa bàn huyện Hà Quảng vẫn còn tồn tại những khó khăn. Trình độ dân trí không đồng đều, một số phong tục, tập quán lạc hậu còn tồn tại gây ảnh hưởng đến quá trình gìn giữ, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa. Dấu ấn phát triển của khoa học - công nghệ qua độ phủ sóng rộng khắp của các phương tiện nghe, nhìn hiện đại với những mặt tiêu cực cũng tác động tới nhận thức của một bộ phận quần chúng nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ. Vấn đề quy hoạch phát triển du lịch, còn gặp một số vướng mắc như khâu tổ chức thực hiện chưa đồng bộ, tiến độ còn chậm, đánh giá tiềm năng chính xác, khâu kết nối các khu, điểm du lịch còn lỏng lẻo…
Trao đổi về những vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND huyện Hà Quảng, Nguyễn Thị Phương cho rằng, những nguyên nhân cơ bản dẫn tới khó khăn của địa phương là còn thiếu nguồn kinh phí để đầu tư đồng bộ, chưa có cơ chế, chính sách cụ thể nhằm thu hút nguồn lực và nguồn nhân lực trên địa bàn còn hạn chế, nhất là nhân lực có trình độ về chuyên môn du lịch. Có thể nhận thấy một góc độ nhỏ của khó khăn này qua tìm hiểu các làng nghề truyền thống tại đây. Ðặc thù là huyện vùng cao, vùng sâu, đời sống nhân dân chủ yếu là sản xuất nông nghiệp, các làng nghề truyền thống về cơ bản vẫn là chế biến sản phẩm nông nghiệp, một số mặt hàng có thương hiệu nhưng chỉ phân bổ hàng hóa nhỏ lẻ, chưa được phát triển rộng trên thị trường. Ðể phát huy tính đồng bộ, địa phương cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá hình ảnh về tiềm năng du lịch; trùng tu, tôn tạo các khu di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh; xây dựng các thiết chế văn hóa; các cơ sở hạ tầng, dịch vụ nhằm đáp ứng nhu cầu đối với khách tham quan, du lịch đến địa phương. Bên cạnh đó, cần chú trọng thực hiện các chính sách ưu đãi, kêu gọi các nhà đầu tư trong và ngoài nước trên các lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội; phối hợp chặt chẽ với các đơn vị quản lý. Ðặc biệt, địa phương cần chú trọng gắn kết, phát huy vai trò của người dân trong quá trình tham gia phát triển du lịch, để họ được hưởng lợi từ du lịch.
Về huyện Hà Quảng, đi vào từng thôn, bản, nghe những người già kể chuyện, nhìn vào ánh mắt trẻ thơ trong trẻo ánh lên niềm tin và sự hiếu khách… du khách phương xa luôn cảm nhận được bề dày, chiều sâu văn hóa, lịch sử đang được truyền lửa qua nhiều thế hệ. Việc giữ gìn và phát huy các giá trị truyền thống cùng với tiếp nhận các giá trị, tinh hoa văn hóa nhân loại sẽ góp phần tạo nên nền tảng phát triển bền vững của huyện Hà Quảng nói riêng và tỉnh Cao Bằng nói chung.
Mai Lữ, Minh Tuấn