Theo nhận định của các chuyên gia, du lịch chỉ có thể phục hồi sau khi dịch bệnh Covid-19 trên thế giới được kiểm soát và các hoạt động giao thương kinh tế thế giới trở lại bình thường. Vì vậy, ngành Du lịch đã và đang chuẩn bị các giải pháp xúc tiến, quảng bá du lịch, sẵn sàng thu hút và đón khách quốc tế ngay khi điều kiện cho phép.
Ngành Du lịch đã và đang chuẩn bị các giải pháp xúc tiến, quảng bá, sẵn sàng đón khách quốc tế. Ảnh minh họa: Internet
Vừa phòng, chống dịch, vừa thúc đẩy hoạt động kinh doanh
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Ngô Hoài Chung cho biết, dịch Covid-19 tái bùng phát tại Đà Nẵng và một số địa phương vào đúng mùa cao điểm đã tác động nghiêm trọng đến sự phục hồi của ngành Du lịch. Các doanh nghiệp du lịch chưa kịp hồi phục sau 3 tháng đóng băng lại lâm vào tình cảnh khó khăn chồng chất.
Đến hết tháng 8/2020, tỷ lệ hủy phòng của các khách sạn vào khoảng 98 - 100% ở hầu hết các địa phương. Trong đó, Hà Nội hủy 32.000 tour, TP Hồ Chí Minh hủy 35.000 tour. Đối với các trung tâm du lịch nghỉ dưỡng có công suất cao như: Đà Lạt (Lâm Đồng), Sầm Sơn (Thanh Hóa), Sa Pa (Lào Cai), Hạ Long (Quảng Ninh), Phú Quốc (Kiên Giang), Ninh Bình... tỷ lệ khách du lịch hủy phòng đã đặt hơn 80% và dự kiến sẽ tiếp tục tăng.
Bên cạnh một số khách đồng ý hoãn, điều chỉnh thời gian đi du lịch, nhiều khách hàng khi hủy tour yêu cầu hoàn lại tiền 100%. Việc hoàn trả kinh phí cho khách đặt trước là rất khó khăn do kinh phí này cũng đã được doanh nghiệp lữ hành đặt vé máy bay, khách sạn, dịch vụ tại điểm đến. Trong những ngày qua, nhiều doanh nghiệp cho biết họ chỉ đang tập trung tối đa để xử lý những yêu cầu về hủy, hoãn tour của khách.
Đứng trước tình hình đó, ngành Du lịch đã và đang nỗ lực vừa phòng, chống dịch an toàn, vừa thúc đẩy hoạt động kinh doanh, không để đứt gãy các hoạt động kinh tế do dịch bệnh theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công văn số 272/TB-VPCP ngày 3/8/2020.
Các doanh nghiệp và đơn vị cung cấp dịch vụ (hàng không, nhà hàng, khách sạn…) đã và đang tích cực phối hợp, chia sẻ khó khăn. Triển khai nhiều phương thức truyền thông để khách hàng thông cảm, thấu hiểu khó khăn với các doanh nghiệp bằng cách hoãn hoặc bảo lưu các gói du lịch, hoặc chuyển đổi thành hình thức voucher để sử dụng dịch vụ tại các điểm đến an toàn khi hết dịch. Các doanh nghiệp có tiềm lực thì tạo điều kiện hoàn tiền cho các doanh nghiệp khó khăn hơn trong chuỗi cung cấp dịch vụ.
Doanh nghiệp vận tải du lịch (ô tô) gần như đóng cửa vì không có khách. Doanh nghiệp lữ hành thì đến 95% dừng hoạt động, trong đó 10% xin thu hồi giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành, chấm dứt hoạt động.
Các doanh nghiệp lưu trú, khách sạn, resort tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh chỉ đạt 10%. Các tỉnh, thành là vùng có dịch như: Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi gần như không có khách, trừ một số khách là chuyên gia và khách cách ly. Các tỉnh là trung tâm du lịch nghỉ dưỡng như: Khánh Hòa, Kiên Giang, Bình Định, Quảng Ninh... công suất buồng phòng chỉ đạt 3 - 5%. Các địa phương còn lại công suất đạt 10 - 20%. Nhìn chung, cơ sở lưu trú hoạt động cầm chừng, công suất thấp, nhân viên nghỉ việc, một số ít nhân viên đi làm bảo trì trang thiết bị.
Kích cầu du lịch nội địa giai đoạn 2 phù hợp với diễn biến mới của dịch
Không chỉ đối mặt với những thiệt hại nặng nề về kinh tế, các doanh nghiệp còn đối mặt với việc giữ nguồn nhân lực chất lượng cao. Khi bị mất việc làm, nhiều lao động chất lượng cao của ngành Du lịch đã đi sang ngành khác. Trong tương lai, dịch bệnh qua đi, rất có thể doanh nghiệp ngành Du lịch sẽ đối mặt với khủng hoảng nguồn nhân lực. Chúng tác động trực tiếp không chỉ tới khả năng quay lại thị trường mà còn ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ cũng như tốc độ hồi phục của điểm đến.
Nhiều doanh nghiệp đang tìm cách xoay sở, thay đổi mô hình hoạt động, sản phẩm, cách thức... để “sống chung” với dịch.
Các doanh nghiệp xác định, giải pháp tối ưu vẫn là vừa duy trì hoạt động để có doanh thu, vừa có các biện pháp kiểm soát để đảm bảo an toàn cho du khách. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp bắt buộc phải cắt giảm nhân sự hoặc cho nghỉ việc không lương chờ du lịch hồi phục.
Ông Chung cũng cho biết, Tổng cục Du lịch đã khẩn trương triển khai nhiều các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp du lịch bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Đến nay, đã có một số chính sách cụ thể hỗ trợ cho doanh nghiệp. Trong đó, có các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực dịch vụ, du lịch như: Giảm 50% phí thẩm định giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế; giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa; phí thẩm định cấp thẻ hướng dẫn viên du lịch; giảm 50% giá cất cánh, hạ cánh tàu bay và giá dịch vụ điều hành bay đi, bay đến; giảm tiền thuê đất….
Tổng cục Du lịch đã tổ chức Hội nghị trực tuyến với các địa phương và doanh nghiệp nhằm tập trung bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp du lịch. Ngay sau thời điểm diễn ra hội nghị, các doanh nghiệp lữ hành, cơ sở lưu trú và hãng hàng không đã áp dụng triệt để các giải pháp nhằm phục hồi hoạt động du lịch trong nước.
Đồng thời, chung tay giải quyết các khó khăn, vướng mắc đối với việc hoãn, hủy tour du lịch với những biện pháp phù hợp như: Chuyển đổi các chương trình du khách đã đặt sang coupon; các tour linh hoạt để khách có điều kiện chuyển đổi chương trình và thời gian phù hợp.
Đồng thời, kiến nghị Chính phủ tiếp tục có chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp du lịch chính sách về thuế, phí, vốn, hỗ trợ người lao động…
"Bên cạnh việc tham mưu Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, ngành Du lịch đang phối hợp với các hãng hàng không, doanh nghiệp du lịch nghiên cứu và hoàn thiện Chương trình Kích cầu du lịch nội địa giai đoạn 2 phù hợp với bối cảnh, diễn biến mới của dịch bệnh Covid-19. Ngành Du lịch đã và đang chuẩn bị các giải pháp xúc tiến, quảng bá du lịch, sẵn sàng thu hút và đón khách quốc tế ngay khi điều kiện cho phép" - ông Chung cho biết thêm.
Về phương hướng trong thời gian tới, ngành Du lịch tiếp tục bám sát các văn bản chỉ đạo của Ban Bí thư, Chính phủ về công tác phòng chống dịch bệnh để tham mưu lãnh đạo Bộ, Chính phủ kịp thời xử lý tình hình phát sinh của dịch bệnh. Đồng thời, tăng cường công tác phối hợp, tuyên truyền việc phòng, chống dịch Covid-19 trong hoạt động du lịch.
Bên cạnh đó, ngành Du lịch tăng cường tổ chức các hội nghị trực tuyến với các địa phương để nắm bắt tình hình. Đồng thời, triển khai ứng dụng công nghệ thông tin, phát triển nền tảng công nghệ số, công nghệ thực tế ảo, tăng cường tổ chức các hội nghị trực tuyến (webinar) đối với các thị trường du lịch trọng điểm; định hướng cơ cấu lại thị trường và hỗ trợ xây dựng các sản phẩm du lịch mới.
Thái Hải