Các xã vùng B Huyện Đại Lộc, Tỉnh Quảng Nam vốn nhiều tiềm năng về du lịch nông nghiệp và có truyền thống văn hóa lịch sử giàu có chưa được khai thác. Tôi mạo muội phác thảo một tour du lịch ngắn, như một gợi ý để các nhà kinh doanh lữ hành tham khảo.
Hồ Khe Tân.
Năm 2020, kỷ niệm 40 năm ngày Quốc tế Du lịch 27.9. Kể từ năm 1970 đến nay, khi điều lệ của Tổ chức Du lịch Thế giới được công nhận và từ năm 1980, xác lập ngày 27.9 làm ngày Du lịch toàn cầu, mỗi năm Liên hiệp quốc đều chọn một chủ đề tương thích cho năm du lịch. Năm nay chủ đề được chọn là “Du lịch và Phát triển nông thôn”. Do đại dịch Covid-19 lan tràn khắp thế giới, các biện pháp giãn cách xã hội được áp dụng, thì du lịch về nông thôn lại càng có ý nghĩa…
Nông nghiệp và chợ quê
Tour khởi hành từ Đà Nẵng hoặc Hội An từ 7 giờ sáng bằng ô tô. Dừng chân ở chợ quê Quảng Huế để ăn sáng bằng mỳ Quảng cá tràu và các loại bánh trái đặc sản trong vùng như bánh rò, bánh tráng, bánh ít, xôi đường, xem cảnh mua bán ở các hàng trái cây, các hàng đậu mè sản xuất từ vùng đất phù sa Bàu Tròn, Đại Minh giữa hai dòng sông Vu Gia và Thu Bồn nổi tiếng xứ Quảng.
Cách chợ Quảng Huế không xa là thôn nông nghiệp Bàu Tròn bên cầu Quảng Huế. Đây là vùng thâm canh các loại hoa màu nổi tiếng mà mỗi hecta có thể đem về cho người nông dân hàng trăm triệu mỗi năm. Nông dân Bàu Tròn có kỹ thuật luân canh các loại hoa màu như đu đủ, khổ qua, bắp nếp, đậu mè, rau xanh theo mùa vụ. Người nông dân làm giống sẵn ở vườn nhà, chờ vừa khỏi các cơn lụt trong tháng 10 âm lịch hàng năm là đưa cây giống xuống ruộng, do vậy đến Tết âm lịch đã có sản phẩm cung cấp cho bạn hàng đến từ các thị trường Đà Nẵng, Hội An.
Ven đường, có sản các quầy hàng của nông dân bày bán sản phẩm theo từng mùa vụ. Như trong các tháng 6, 7, 8, 9 hàng năm thì có bắp nếp tươi, các loại bí, mướp, đu đủ, đậu mè khá phong phú. Nếu tổ chức cho du khách tham gia các công đoạn làm đất, hái quả, làm cỏ… trong vài giờ, trước khi tiếp tục hành trình như ở làng rau Trà Quế thì rất lý thú.
Buổi ăn trưa tổ chức tại nhà hàng trên bờ hồ Khe Tân rợp mát. Sau đó là chuyến dã ngoại thăm làng chè An Bằng bên kia hồ, thuộc xã Đại Thạnh. Làng chè có từ đầu thế kỷ 20 với giống chè xanh nổi tiếng thơm ngon, vàng óng. Ngon đến nổi vào năm 1930, người Pháp đã đến đầu tư một nhà máy chế biến để xuất đi cả Đông Dương và về mẫu quốc. Các vườn chè cũ nay vẫn còn trong khu rừng nguyên sinh An Bằng và hàng chục vườn chè gia đình nổi tiếng ở đây. Du khách có thể đến thăm cơ sở ươm giống chè, xưởng chế biến chè gói của Hợp tác xã Đại Thạnh Phát, tham gia vào các công đoạn trồng trọt, sản xuất chè để hiểu thêm về một nghề, một sản phẩm đặc thù của vùng đồi núi xứ Quảng…
Văn hóa và lịch sử
Trên đường từ cầu Quảng Huế đến hồ Khe Tân, trước khi đến làng chè An Bằng, du khách có thể dừng lại đi thăm các khu địa đạo Phú An - Phú Xuân ở Đại Chánh, Văn miếu Gia Cốc và làng trống Lâm Yên ở Đại Minh cũng rất lý thú. Từ địa đạo dài 3km nối giữa hai làng, là căn cứ chỉ đạo của Mặt trận Quảng Đà thời chiến tranh, ở đây vẫn còn các công cụ chiến đấu, hình ảnh hoạt động của các nhà cách mạng Hồ Nghinh, Phạm Đức Nam. Du khách sẽ gặp một vài nhân chứng sống từng phục vụ tiếp tế cho các hội nghị bí mật và theo các bậc thang xuống địa đạo, tìm hiểu hệ thống thông hơi và chụp ảnh lưu niệm…
Trước đó, tại điểm dừng Văn miếu Gia Cốc, du khách sẽ biết chính nơi đây các nhà chí sĩ Phan Châu Trinh, Mai Dị, Phan Khôi đã khởi xướng phong trào cúp tóc (thế phát) của phong trào Duy Tân hồi 1906 - 1908. Còn tại làng trống Lâm Yên sẽ được thăm các nghệ nhân làm trống nổi tiếng cùng với câu chuyện về các gánh hát Bàu Toa, về quê hương của các nghệ sĩ tuồng Trần Văn Lai, Phó Phẩm, Ngô Thị Liễu từ trước năm 1945… Nếu là một tour hai ngày một đêm, thì tối ở lại bên hồ Khe Tân sẽ là cơ hội lý thú. Ngồi trên thuyền, nếu có đêm trăng thì tuyệt vời, cuộc biểu diễn hò khoan nổi tiếng của Đại Lộc sẽ được tổ chức trên các thuyền. Từ hò khoan, sẽ có thêm hò giã gạo, hò đạp xe nước, hò xe lúa, hò kéo gỗ hoặc có thể là vài trích đoạn hát bội tiêu biểu, vốn là thế mạnh của văn học dân gian vùng này…
Điểm nhấn thể thao dưới nước
Hiện nay, đơn vị kinh doanh ăn uống ở Khe Tân còn hoạt động khá cầm chừng, có khoảng 4 - 5 chiếc thuyền máy đậu ở bến sẵn sàng đưa khách ra các đảo và suối khe phía tây của hồ. Một nhà tổ chức tour có kinh nghiệm có thể sắp xếp những chuyến đi thăm hồ, ta không thể đi hết hơn 800ha mặt nước, khó có thể đi hết các suối Róc Rách, suối Dụ, núi Bàn Cờ hay các đảo hòn Cò, Én, Cóc, Sấu, Sư Tử, Nón, Ôm… nhưng có thể dừng lại ở vài điểm tượng trưng. Được biết trong lòng hồ Khe Tân hiện nay cũng có vài hồ nuôi các lồng bè. Đây cũng là cơ sở để liên kết phát triển loại hình câu cá thể thao khi du lịch trên mặt nước. Ngoài ra, có thể tổ chức thêm những cuộc đua ghe loại nhỏ 4 - 6 người, đua thúng chai vòng quanh các đảo để thu hút giới trẻ.
Một cựu tổng giám đốc doanh nghiệp là bạn tôi từng làm việc ở Hà Nội nhiều năm, khi đi cùng tôi đến đây, đã cho rằng có thể đầu tư thêm tại đây một số xe pedan lội nước hoặc xe đạp nước thể thao cho du khách có sở thích loại hình thể thao này, vì vốn đầu tư không cao, ai cũng có thể sử dụng dễ dàng… Đồng thời cần đa dạng các dịch vụ thể thao dưới nước ở hồ Khe Tân để thu hút du khách, chứ không chỉ là ăn uống xong thì về, vì như vậy, tài nguyên du lịch hồ Khe Tân sẽ rất lãng phí.
Về lâu dài, khi dịch Covid-19 được kiểm soát, các đường bay quốc tế được nối lại, tôi nghĩ nếu quảng bá và tổ chức tốt, đây cũng là một tuyến du lịch sinh thái hấp dẫn. Lúc đó, đầu tư các hướng dẫn viên rành ngoại ngữ, tổ chức homestay quanh hồ Khe Tân hoặc khu vực nông nghiệp như An Bằng, Bàu Tròn và các tuyến xe bus chuyên dùng đến các xã vùng B… cũng là các gợi ý cần quan tâm.
Trương Điện Thắng