Để xây dựng thương hiệu du lịch biển đảo bền vững, tỉnh Quảng Nam đang nỗ lực triển khai đồng bộ các giải pháp, trong đó, tập trung giải quyết ô nhiễm môi trường biển.
Nhận diện những thách thức
Quảng Nam là một trong các địa phương của Việt Nam có lợi thế lớn về tài nguyên, tiềm năng phát triển cả không gian du lịch vùng ven biển, bãi biển, không gian trên - dưới đáy biển và trên các đảo. Tuy vậy, trong tình hình biến đổi khí hậu ngày càng khắc nghiệt, đặc biệt là việc xâm thực bãi biển, khiến cho nhiều bờ biển đang có nguy cơ bị “xóa sổ”. Ngoài ra, áp lực về sức chứa, vệ sinh môi trường biển, bảo vệ cảnh quan thiên nhiên, bảo tồn đa dạng sinh học biển đảo... chưa được đầu tư đồng bộ, đã đặt ra cho ngành du lịch mũi nhọn của Quảng Nam nhiều thách thức.
Nhiều năm nay, tỉnh đã đã chi hàng trăm tỷ đồng để thực hiện các dự án kè chống sạt lở bãi biển Cửa Đại (Hội An) - bờ biển từng lọt top danh sách những bãi biển đẹp nhất châu Á do Chuyên trang du lịch nổi tiếng TripAdvisor công bố vào năm 2015. Tuy vậy, những giải pháp của các dự án này chỉ giúp giảm thiểu một phần, chứ không ngăn chặn được tình trạng sạt lở mỗi ngày một nghiêm trọng. Hiện tại, tổng chiều dài bờ biển bị sạt lở là 8 km, trầm trọng nhất là 2 năm 2018, 2019 với chiều dài hơn 3 km. Từ một bãi biển đẹp, thu hút hàng trăm nghìn lượt khách du lịch mỗi năm, Cửa Đại nay trở nên đìu hiu ai cũng không khỏi xót xa.
Được ví là “hòn ngọc thô” bởi vẻ đẹp hoang sơ, bình yên, đảo ngọc Tam Hải, huyện Núi Thành từng là điểm đến lý tưởng của nhiều du khách, thế nhưng những năm gần đây, rác thải ngập ngụa ở bãi biển này khiến nhiều người không khỏi xót xa, tiếc nuối. “Xã đảo nằm cuối con sông Trường Giang đổ ra biển nên trở thành nơi hứng rác của đất liền. Bao nhiêu rác ở các xã ven biển của TP. Tam Kỳ và huyện Núi Thành theo dòng nước trôi về, tấp vào ven bờ sông Trường Giang. Người dân ở đây sống nhờ đánh bắt gần bờ nhưng nay ô nhiễm cá tôm chết hết. Không những thế, đây là danh thắng Bàn Than - Hòn Mang - Hòn Dứa có rất nhiều du khách đến tham quan nhưng thấy cảnh rác thải đầy biển ai nấy cũng lắc đầu ngao ngán"- ông Nguyễn Văn Chi, người dân xã đảo Tam Hải, huyện Núi Thành cho biết.
Bảo tồn các hệ sinh thái biển và môi trường biển những ưu tiên hàng đầu được địa phương đặc biệt quan tâm
Nỗ lực bảo vệ môi trường biển
Ông Nguyễn Tấn Hùng - Phó Chủ tịch UBND xã Tam Hải cho biết, trong chiến lược phát triển du lịch, xã đảo Tam Hải được định hướng trở thành hòn đảo du lịch với kết cấu hạ tầng đồng bộ để vừa khai thác có hiệu quả tiềm năng du lịch biển đảo vừa bảo tồn được hệ sinh thái biển, bảo tồn các địa tầng văn hóa vật thể và phi vật thể gắn liền với cư dân miền biển. Để làm được điều này, từ tháng 7/2020, UBND xã Tam Hải đã bắt đầu hợp đồng với Công ty CP Môi trường đô thị Quảng Nam để thu gom rác thải trên toàn địa bàn đưa qua sông Trường Giang rồi tiếp tục mang đến các khu xử lý rác thải. Nên việc xử lý rác thải trên xã đảo đã cơ bản cải thiện hơn rất nhiều so với trước đây.
“Trong định hướng lâu dài, để khai thác bền vững tài nguyên biển đảo, xã đã phối hợp các ngành chức năng hoàn chỉnh hồ sơ đề nghị cấp có thẩm quyền xếp hạng di tích - danh thắng quốc gia đối với cụm danh thắng Bàn Than - Hòn Mang - Hòn Dứa. Bên cạnh đó, Tam Hải còn nằm trong phạm vi được nghiên cứu lập hồ sơ công nhận di sản địa chất quốc gia, hướng đến trở thành công viên địa chất toàn cầu tại huyện Núi Thành. Đây được kỳ vọng là những điểm du lịch có sức hút lớn đối với du khách trong những năm tới. Khi người dân được hưởng lợi từ hoạt động du lịch, chắc chắn ý thức bảo vệ môi trường sẽ được nâng cao lên rất nhiều”- ông Nguyễn Tấn Hùng cho biết.
UBND tỉnh Quảng Nam đã phê duyệt Kế hoạch hành động về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030 nhằm bảo vệ môi trường biển theo hướng bền vững. Theo Kế hoạch, đến năm 2025 phấn đấu giảm thiểu 50% rác thải nhựa trên biển và đại dương; 50% ngư cụ khai thác thủy sản bị vứt bỏ được thu gom; 90% các khu, điểm du lịch, cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch và dịch vụ du lịch khác ven biển không sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần và túi ni lông khó phân hủy; bảo đảm tối thiểu một năm hai lần phát động tổ chức chiến dịch thu gom, làm sạch các bãi tắm biển trên toàn tỉnh.
Riêng Khu bảo biển Cù Lao Chàm không còn rác thải nhựa; thực hiện việc quan trắc hằng năm và định kỳ 5 năm một lần đánh giá hiện trạng rác thải nhựa tại khu vực lưu vực cửa sông Vu Gia - Thu Bồn và 2 xã đảo Tân Hiệp, Tam Hải.
Đến năm 2030, địa phương phấn đấu giảm thiểu 75% rác thải nhựa trên biển và đại dương; 100% ngư cụ khai thác thủy sản bị mất hoặc bị vứt bỏ được thu gom; 100% các khu, điểm du lịch, cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch và dịch vụ du lịch khác ven biển không sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần và túi ni lông khó phân hủy.
Trước thực trạng sạt lở nghiêm trọng tại biển Cửa Đại, cuối tháng 9/2020, UBND tỉnh Quảng Nam cũng đã ban hành quyết định phân bổ vốn đầu tư nguồn ngân sách Trung ương năm 2020 cho Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh số tiền 200 tỷ đồng để triển khai thực hiện Dự án Chống xói lở khẩn cấp bờ biển Cửa Đại (TP. Hội An).
Biển đảo và hạ tầng du lịch Quảng Nam đã và đang được đầu tư xây dựng để du lịch biển đảo trở thành chuỗi sản phẩm có thương hiệu mạnh. Trong đó, công tác bảo tồn các hệ sinh thái biển và môi trường biển những ưu tiên hàng đầu được địa phương đặc biệt quan tâm.
Với đường bờ biển dài gần 125 km, chủ yếu là các bãi cát trắng, phẳng, mịn, ít bị ô nhiễm như Hà My (Điện Bàn), An Bàng (Hội An), Bình Minh (Thăng Bình), Tam Thanh (Tam Kỳ), Bãi Rạng (Núi Thành). Ngoài ra, ghềnh đá Bàn Than, Tam Hải (Núi Thành), Cù Lao Chàm - Khu dự trữ sinh quyển thế giới. Tất cả tạo nên thế mạnh trong chiến lược phát triển du lịch của tỉnh Quảng Nam.
Võ Hà