Sau thành công của lần tổ chức đầu tiên vào năm 2019, Lễ hội văn hóa dân gian trong đời sống đương đại tiếp tục trở lại vào trung tuần tháng 12-2020, nhằm tôn vinh, quảng bá văn hóa dân gian của Hà Nội tới công chúng Thủ đô và du khách khắp mọi miền đất nước.
Sự kiện cũng góp phần bảo vệ và phát huy hơn nữa các giá trị văn hóa truyền thống trong đời sống đương đại thông qua các thiết kế sáng tạo, thúc đẩy phát triển thương hiệu “Thành phố sáng tạo” cho Thủ đô Hà Nội.
Ca trù là một trong những loại hình di sản văn hóa phi vật thể sẽ được giới thiệu tại Lễ hội văn hóa dân gian trong đời sống đương đại.
Bức tranh di sản đa sắc màu
Tự hào là nơi đầu tiên trên cả nước khai thác thành công tơ sen làm lụa, nghệ nhân Phan Thị Thuận, thôn Hạ, xã Phùng Xá (huyện Mỹ Đức) phấn khởi và hồi hộp trước cơ hội giới thiệu "đứa con" tinh thần trong Lễ hội văn hóa dân gian trong đời sống đương đại, được tổ chức từ ngày 11-12 đến 13-12 tới, tại không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận. Bà Phan Thị Thuận cho biết, gia đình bà đã 3 đời theo nghề ươm tơ, dệt lụa. Bản thân bà cũng dành cả đời với nghề này, để rồi cơ duyên đưa bà đến với ý tưởng lấy tơ sen làm lụa, tương tự như cách bắt con tằm nhả tơ, kết kén...
“Đến với lễ hội, tôi muốn giới thiệu với mọi người những giá trị tinh túy nhất của nghề dệt, cách người thợ nghề khai thác những giá trị đó để cho ra những sản phẩm sáng tạo trong đời sống đương đại, như một cách tôn vinh văn hóa truyền thống”, bà Phan Thị Thuận chia sẻ.
Đến với Lễ hội văn hóa dân gian trong đời sống đương đại còn có các nghệ nhân nặn tò he làng Xuân La, xã Phượng Dực (huyện Phú Xuyên). Đây cũng là làng nghề độc nhất vô nhị ở Việt Nam, nơi nặn tò he không chỉ là một nghề mưu sinh đơn thuần, mà còn là nét đẹp văn hóa dân gian được truyền từ đời này sang đời khác. Nghệ nhân nặn tò he Đặng Văn Khương khẳng định, sẽ đem đến lễ hội những sắc màu rực rỡ nhất của tò he, sản phẩm đại diện cho sự khéo léo, sức sáng tạo và nỗ lực giữ nghề của biết bao thế hệ người làng Xuân La.
Không chỉ có nghề làm lụa và nặn tò he, trên địa bàn thành phố còn có hàng trăm làng nghề khác nhau và hàng nghìn di sản văn hóa phi vật thể, tạo thành bức tranh di sản đa sắc màu. Bằng tình yêu và trách nhiệm, các thế hệ người Hà Nội đã và đang nỗ lực gìn giữ, trao truyền, góp phần mang đến sức sống bền bỉ, mãnh liệt cho di sản.
Lễ hội văn hóa dân gian trong đời sống đương đại là một trong những sự kiện được UBND thành phố Hà Nội tổ chức thường niên, nhằm hiện thực hóa mục tiêu trên. Đây cũng là dịp để những người yêu Thủ đô thưởng thức, trải nghiệm những giá trị di sản văn hóa là đại diện tiêu biểu nhất cho sức sống của di sản trên đất Thăng Long - Hà Nội.
Thúc đẩy thương hiệu “Thành phố sáng tạo”
Phó Trưởng phòng Quản lý di sản (Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội) Bùi Thị Hương Thủy cho biết, Lễ hội văn hóa dân gian trong đời sống đương đại năm 2020 sẽ giới thiệu không gian làng nghề thủ công truyền thống tiêu biểu, những sản phẩm ứng dụng sáng tạo, đáp ứng yêu cầu của đời sống đương đại, như: Đúc đồng Ngũ Xã (quận Ba Đình); đậu bạc Định Công (quận Hoàng Mai); nón lá Vĩnh Thịnh (huyện Thanh Trì); áo dài Trạch Xá (huyện Ứng Hòa)...
Không những vậy, tại lễ hội năm nay còn có không gian mỹ thuật dân gian, giới thiệu các loại hình văn hóa giàu giá trị cùng những nỗ lực trong việc bảo tồn, phục hồi và phát huy di sản ở mỗi địa phương, đó là tranh dân gian Hàng Trống; tranh ghép lụa, tranh ghép gốm, tranh thêu... của các làng nghề truyền thống Thủ đô. Đặc biệt, toàn bộ không gian được thiết kế sáng tạo, giúp du khách trải nghiệm và thực hành cùng các nghệ nhân dân gian.
“Lễ hội cũng không thể thiếu không gian tôn vinh nghệ thuật trình diễn dân gian, như: Ca trù, hát dô, hát chèo tàu, trống quân, múa cồng chiêng, múa rối... Những di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu, thể hiện tài hoa, tình cảm, tâm hồn của con người đất kinh kỳ, đã và đang được gìn giữ, phát huy hiệu quả”, bà Bùi Thị Hương Thủy thông tin thêm.
Từng tham dự Lễ hội văn hóa dân gian trong đời sống đương đại năm 2019, ông Nguyễn Anh Quân, phường Mỹ Đình 1 (quận Nam Từ Liêm) cho biết, ông rất mong chờ sự kiện diễn ra để có thể tiếp tục trải nghiệm, tìm hiểu những giá trị văn hóa dân gian quý báu của Thủ đô Hà Nội, qua đó thêm tự hào, trân trọng và thấy có trách nhiệm hơn trong việc chung sức gìn giữ những di sản đó.
Liên quan đến sự kiện này, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Tô Văn Động khẳng định, Lễ hội văn hóa dân gian trong đời sống đương đại là dịp tôn vinh, quảng bá những giá trị lịch sử, văn hóa sâu sắc, phong phú của vùng địa linh nhân kiệt Thăng Long - Hà Nội. Ngành Văn hóa Thủ đô kỳ vọng, từ những sự kiện ý nghĩa như thế này, người dân sẽ tiếp tục phát huy vai trò, trách nhiệm trong bảo tồn và phát huy giá trị di sản, thúc đẩy sức sáng tạo trên nền tảng tri thức dân gian, chung tay củng cố, phát triển thương hiệu “Thành phố sáng tạo” của Thủ đô Hà Nội.
Nguyễn Thanh