Thanh Hóa: Độc đáo ngôi chùa ven bờ thương cảng

Cập nhật:22/12/2020 14:38:37
Có tuổi đời hàng trăm năm, chùa Cam Lộ, xã Hòa Lộc (Hậu Lộc) nằm trong không gian vùng biển xứ Thanh mang đậm dấu ấn văn hóa lịch sử giá trị. Ngôi chùa không chỉ là điểm tâm linh để người dân đến chiêm bái mà còn thu hút nhiều du khách đến tham quan nhờ lối kiến trúc cổ xưa độc đáo.
 
Sự bề thế, cổ kính ở tam quan chùa Cam Lộ.
 
Nằm giữa vùng ngư dân đông đúc, nhà nhà san sát nhau, các hoạt động giao thương buôn bán trên bến dưới thuyền diễn ra sôi nổi, nhộn nhịp, nhưng chùa Cam Lộ lại nép mình lặng lẽ. Bên trong chiếc cổng rêu phong cổ kính, một cảm giác thanh tịnh và bình yên, lòng người trở nên thư thái, nhẹ nhàng trước cảnh trí thoáng đãng, đẹp mắt của khuôn viên ngôi chùa.
 
Theo sử sách ghi lại, chùa Cam Lộ lúc đầu có tên là Thần Nông tự nhưng sau đó được người dân địa phương đổi tên thành Cam Lộ nhờ hiện tượng trời sa nước ngọt xuống phía Đông chùa vào tháng 7-1748. Từ những năm đầu Công nguyên, chùa Cam Lộ đã nằm gọn trong vùng đất sôi động, gần cửa biển Lạch Trường, có đường giao thông thủy bộ thuận tiện, con người tụ tập về đây đông đúc và sinh sống chủ yếu bằng nghề đánh cá. Nơi đây đã từng là một thương cảng nhộn nhịp trong nhiều thế kỷ, là con đường hàng hải từ Việt Nam đi Trung Quốc đến các nước Đông Nam Á và Ấn Độ để buôn bán. Chùa trở thành điểm tâm linh thu hút đông đảo người dân địa phương và ngư dân khắp nơi đến chiêm bái cầu an.
 
Chùa được xây dựng từ thời Lý, song kiến trúc hiện nay mang đậm dấu ấn thời Trần. Tại đây vẫn còn lưu giữ được nhiều di sản văn hóa có giá trị như bia ký, chuông đồng, khánh đá... Đặc biệt, nổi bật nhất là cổng tam quan bề thế gồm 4 tầng còn nguyên vẹn đã mang lại nhiều ngạc nhiên và ngưỡng mộ cho du khách và các nhà nghiên cứu.
 
Cổng tam quan được xây theo lối cửa vòm cuốn truyền thống với chiều dài 5,8m, rộng 3,5m tạo thành một khối đồ sộ. Cửa lớn chính giữa gồm 4 tầng 8 mái, hai cửa nhỏ hai bên có 3 tầng được ngăn cách nhau thành 3 gian độc lập tạo nên sự vững chãi, bề thế trong kiến trúc nhưng cũng rất thông thoáng, tiện dụng về đường đi lối lại. Toàn bộ cổng tam quan được xây kiên cố bằng gạch nung có chiều dày khoảng 50 cm, phía trên là những từng lớp mái ngói cong vút mềm mại và đẹp mắt. Nhờ vậy, dù trải qua nhiều thế kỷ với sự biến động của thời gian và lịch sử nhưng cổng tam quan vẫn giữ được sự nguyên vẹn, thể hiện được đầy đủ những giá trị văn hóa, lịch sử của di tích.
 
Qua cổng tam quan là bức bình phong được tạo hình theo hình cuốn thư và tấm khánh đá nổi bật nhờ những họa tiết cầu kỳ, sắc nét. Khu vực chùa chính là một ngôi nhà 3 gian 2 chái có cấu trúc gần vuông với hệ thống cột kèo vững chắc. Trên các vì kèo, những mảng chạm khắc hình hoa văn, linh vật... được các nghệ nhân dân gian sắp xếp hài hòa làm tăng thêm vẻ mềm mại cho các hạng mục. Và điều đặc biệt, các tượng Phật ở đây không phải dạng điêu khắc tượng tròn như hầu hết tượng tại các ngôi chùa khác mà được vẽ trên gỗ bán bóng.
 
Toàn bộ chùa Cam Lộ là một tổng thể kiến trúc hài hòa vừa thể hiện được sự linh thiêng, cổ kính nhưng đồng thời cũng toát lên sự thoáng đãng, mát mẻ khiến du khách đến đây không chỉ được đáp ứng nhu cầu tâm linh mà còn được hòa mình với thiên nhiên, cây cỏ, tìm được những khoảnh khắc thanh tịnh để chiêm nghiệm và khám phá những nét đẹp của di tích.
 
Sư Thích Đàm Lam, trụ trì chùa Cam Lộ cho biết: “Có tuổi đời hàng trăm năm nên trước đây chùa đã bị xuống cấp nghiêm trọng, nhưng những năm gần đây do được chính quyền các cấp và người dân địa phương quan tâm đầu tư tôn tạo nên hiện nay chùa đã rất khang trang, vững chãi. Chúng tôi và những tăng ni phật tử địa phương sẽ cùng nhau gìn giữ tất cả những gì thuộc về di tích để nơi đây mãi là điểm dừng chân ý nghĩa giúp mọi người vừa được thỏa nguyện cầu an vừa để tìm về những giá trị quý báu mà lịch sử để lại”.
 
Bài và ảnh: Thu Hà
Nguồn: Báo Thanh Hóa