Với địa hình các-xtơ và núi đá vôi, thiên nhiên ban tặng huyện Tủa Chùa hệ thống hang động kỳ vĩ, vẻ đẹp hoang sơ. Tủa Chùa là huyện có vùng ngập nước lòng hồ Thủy điện Sơn La và nằm trong vùng liên kết phát triển du lịch Tây Bắc nên rất thuận lợi cho các công ty lữ hành đầu tư phát triển các tour du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng, văn hóa.
Không gian văn hóa chợ phiên vùng cao huyện Tủa Chùa là nơi lưu giữ những nét văn hóa độc đáo. Trong ảnh: Người dân tham quan, mua sắm tại chợ phiên Xá Nhè, xã Xá Nhè (huyện Tủa Chùa).
Ðến nay, huyện Tủa Chùa có 4 hang động được công nhận danh lam thắng cảnh cấp quốc gia gồm: Hang Xá Nhè, hang Khó Chua La (xã Xá Nhè), hang Pê - Răng - Ky (xã Huổi Só), hang Thẳm Khến (xã Mường Ðun). Ngoài ra có hang Hấu Chua (xã Sín Chải) được công nhận danh lam thắng cảnh cấp tỉnh và nhiều hang động đang tiếp tục được khảo sát. Bên cạnh đó, hệ thống ruộng bậc thang tại cánh đồng Chiếu Tính (xã Tả Phìn), ruộng bậc thang Ðề Dê Hu (xã Sính Phình) và cánh đồng mâm nổi tiếng tại Háng Khúa (xã Sín Chải) là một trong những hệ thống ruộng bậc thang đa dạng, độc đáo của vùng Tây Bắc. Cùng với đó là hệ sinh thái phong phú, tiêu biểu là hệ sinh thái lòng hồ Thủy điện Sơn La với 50km đường thủy nội địa sông Ðà thuận lợi để phát triển nuôi thủy sản; du lịch sinh thái, trải nghiệm, đặc biệt là liên kết phát triển tuyến du lịch đường sông với TX. Mường Lay, huyện Sìn Hồ (Lai Châu), huyện Quỳnh Nhai (Sơn La). Tủa Chùa còn là nơi lưu giữ những nét văn hóa độc đáo với không gian văn hóa chợ phiên, chợ gia súc... Những giá trị văn hóa đặc sắc nêu trên là lợi thế để hình thành và phát triển các sản phẩm du lịch trải nghiệm cộng đồng; đầu tư xây dựng homestay, các điểm dừng chân, vận tải du lịch đường thủy nội địa, dịch vụ lưu trú, ăn uống để du khách khám phá, trải nghiệm.
Ông Nguyễn Xuân Bắc, Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Tủa Chùa cho biết: Ðể khai thác tiềm năng du lịch và xây dựng du lịch dần trở thành ngành kinh tế chủ lực, thời gian qua huyện chú trọng đầu tư hệ thống cơ sở hạ tầng nói chung và hạ tầng phục vụ hoạt động du lịch như: Mở mới, nâng cấp một số tuyến đường xã; mở mới một số tuyến vận tải hành khách từ huyện đến các tỉnh miền xuôi; đầu tư xây dựng một số khách sạn, nhà nghỉ... bước đầu đáp ứng nhu cầu của du khách. Hệ thống nhà hàng, quán ăn được đầu tư; một số điểm vui chơi, vườn hoa được người dân xây dựng. Nếu như năm 2015 có trên 3.000 lượt khách đến Tủa Chùa thì năm 2019 huyện đón hơn 13.000 lượt du khách đến tham quan và trải nghiệm; năm 2020 do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19 nên chỉ có 6.000 lượt du khách đến địa bàn.
Thời gian tới, để phát triển du lịch, huyện Tủa Chùa tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về phát triển du lịch và thu hút đầu tư; lồng ghép các nguồn vốn, huy động tối đa các nguồn lực để xây dựng kết cấu hạ tầng. Khuyến khích cộng đồng tham gia bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa; bảo tồn, gìn giữ bản sắc văn hóa bản địa, duy trì các hoạt động biểu diễn nghệ thuật dân tộc, nghi lễ truyền thống, phong tục tập quán tốt đẹp. Ðồng thời đẩy mạnh việc xúc tiến, liên kết phát triển du lịch, trong đó tăng cường liên kết với TX. Mường Lay, TP. Ðiện Biên Phủ để hình thành các tuyến du lịch nội tỉnh; từng bước mở rộng ra ngoài tỉnh qua việc tăng cường hợp tác với các huyện: Quỳnh Nhai, Mộc Châu (Sơn La); Sìn Hồ (Lai Châu).
Bài, ảnh: Lan Phương