Cao Bằng: Phja Oắc vời vợi mây trời

Cập nhật:25/02/2021 15:37:01
Cũng như bao người khác, không hiểu vì sao miền rừng Phja Oắc - Phja Đén đối với tôi lại có sức hấp dẫn lạ kỳ đến thế! Những ngày này, khi cả nước hân hoan bước qua năm 2020 - một năm gồng mình vượt qua đại dịch Covid-19 và lập nên những kỳ tích sáng ngời về cả kinh tế, chính trị, ngoại giao... làm nức lòng bạn bè năm châu bốn biển để tưng bừng bước vào năm 2021, trong tôi lòng lại giục lòng ngược Quốc lộ 34 về với Phja Oắc - Phja Đén, một miền rừng hoang sơ, kỳ vĩ, vời vợi mây trời.
 
Mây giăng đỉnh Phja Oắc.
 
Sau hơn 40 phút quanh co, trập trùng, chiếc xe ô tô băng đèo đưa chúng tôi vượt Ký Cảnh, rồi đỉnh đèo Phja Oắc ẩn hiện ra trong sương mù, mây gió bồng bềnh. Núi núi, mây mây lớp lớp nối vào nhau đam mê quấn quyện như cái tình duyên muôn thuở của đất trời.
 
Càng lên cao, núi non càng vời vợi, mây càng ảo huyền, ta như chơi vơi vào vùng tiên cảnh! Vì đã nhiều năm hòa vào tình đất, tình người Phja Đén, thở cùng hơi thở của đại ngàn Phja Oắc với ước mơ biến vùng đất giàu tiềm năng này trở thành một vùng trù phú với cây chè Ô long là chủ đạo, để từ đó phát triển thành khu du lịch sinh thái, hấp dẫn khách muôn phương nên Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty TNHH Kolia Hoàng Mạnh Ngọc thông thuộc từng cánh rừng, khe suối nơi đây.
 
Đến một ngã ba nhỏ, có khúc ngoặt bên tay phải, anh cho biết là từ đây cứ quanh co chừng 5 km nữa là tới đỉnh Phja Oắc. Còn ngọn núi cao chóp nhọn phía trước mặt chúng ta chính là núi Đèn mà ta vẫn quen gọi là Phja Đén. Cứ theo chân núi này mà đi là vào Bản Chang, Bản Đổng, xã Thành Công. Rẽ phải xuống rừng thông là đến ngôi miếu cổ "Vọng tiên cung", rồi từ đó xuyên sang Bình Đường, Tài Soỏng, rồi lại ra Cao Lù, Tĩnh Túc... đang miên man với những tên núi, tên làng theo lời giới thiệu của giám đốc Ngọc thì hai nhà báo trẻ ngồi bên bỗng reo lên:
 
- Ôi, rừng thông mới đẹp làm sao chú ơi!
 
Quả là mê hồn, khi ba mặt, bốn bề là cả một rừng thông cổ thụ ngót nghét 100 ha, cây nào cây nấy thẳng đều tăm tắp. Thả bộ trên thảm lá êm dày, sạch sẽ đến tinh tươm, lòng ta bỗng lâng lâng, thư thái như quên đi mọi nỗi lo toan thường nhật. Khi ngước nhìn lên mới ngây ngất làm sao, dưới vòm lá thông xanh rì, miên man ấy là chi chít hoa vàng, cứ ngỡ là những vì sao trong dải ngân hà vào những đêm mùa hạ đẹp trời.
 
Và còn tuyệt vời hơn, khi trèo lên một mỏm đồi cao đưa mắt về một lòng thung xa xa, từng mảng, từng mảng sương phơn phớt hồng cứ cuộn lên, cuộn lên rồi lan tỏa trên thảm lá xanh mênh mông, sau đó từ từ bay lên tận đỉnh Phja Oắc mù sương cứ như là những tà áo tiên đang vờn bay theo mây, theo gió lên tận trời xanh vậy! Hỏi ra mới biết rằng đấy là phấn của hoa thông, khi gặp nắng lên, gió về là nó cứ bung biêng vậy đấy! Lần đầu tiên trong đời được nhìn thấy một "đám mây thông" thần diệu như thế, tôi thật sự bị hút hồn vào miền rừng hoang sơ, kỳ vĩ này.
 
Khi những "đám mây thông" ấy bung biêng lên trời cũng là lúc chúng tôi lên xe ngược lên đỉnh Phja Oắc. Vì đã mấy tuần nay, trời lúc nào cũng âm u, tê tái, nhiều đêm tuyết phủ trắng cành, trắng lá miền rừng này, nên khi nắng ấm bừng lên là cảm giác cây cối và lòng người hòa quyện vào nhau thắm thiết ùa về và bỗng thấy chiếc xe như bon nhanh hơn, vào cua mềm mại hơn, vì thế chả mấy chốc chúng tôi đã đứng dưới chân tháp truyền hình trên đỉnh Phja Oắc cao gần 2.000 m so với mực nước biển.
 
Từ đây thả mắt xuống cánh đồng Pác Măn rập rờn sóng mía; cánh đồng Bản Chang, Bản Đổng vàng rực rơm rạ sau vụ thu hoạch và ngắm dòng sông Quang Thành uốn khúc như dang tay ôm lấy đất trời mà tận hưởng một vùng quê đa màu, đa sắc. Thấp thoáng trong sương là những chòm xóm của người Dao, người Nùng, người Tày nằm cheo leo bên sườn núi, đưa lại cảm giác như đang đi vào một vùng mênh mông, thăm thẳm nghĩa tình miền sơn cước.
 
Theo truyền thuyết "Báo Luông Slao Cải" thì thuở đất trời còn gần nhau, con người sống hòa mình với thiên nhiên  nhưng rồi trận đại hồng thủy bất ngờ xảy ra, cả con người, muông thú và cây cối đều bị vùi sâu dưới bảy tầng đất, chỉ còn một loài cây màu vàng sống được. Nhưng về sau giống cây này cũng chết lụi dần, rồi bị đất đá vùi sâu từ đời này qua đời khác. Một hôm ông "khổng lồ" vào rừng thấy một thân cây lạ chồi lên từ một hố sâu hun hút, phát ra một mùi thơm đặc biệt.
 
Thấy lạ, ông "khổng lồ" đào lấy một khúc về đun nước tắm, tự nhiên thấy người khoan khoái, khỏe mạnh lạ thường. Và từ khi vứt khúc gỗ đó vào góc nhà thì tự nhiên ruồi, muỗi khác biến đi đâu hết. Đó chính là một loại gỗ Ngọc Am quý hiếm được xếp vào sách Đỏ thế giới mà đồng bào nơi đây vẫn quen gọi là "mạy wác". Vì giống cây đặc biệt này chỉ có ở vùng núi này nên ngọn núi được mang tên Phja Wác từ đó. Rồi ngày này qua tháng khác, đời này qua đời khác, nhất là từ khi thực dân Pháp đến đây khai mỏ đào quặng thiếc, cu li ở vùng xuôi lên phát âm chữ Wác thành chữ Oắc, rồi lâu ngày tên núi Phja Oắc cứ thế đi vào sử sách là vậy.
 
Không biết là do số phận đẩy đưa hay là duyên kỳ ngộ, cách đây gần 40 năm, theo lời mời của một người vừa lạ vừa quen, tôi vô tình đến làng Tổng Slinh của người Nùng ở xã Phan Thanh. Tại đây tôi được "dế Khoày" (bác Khoày) khoe về sự phong phú, đa dạng của nguồn tài nguyên vùng Phja Oắc. “Dế” bảo:
 
- Cháu không biết chứ! Phja Oắc là một kho báu của Nguyên Bình đấy. Từ ngàn đời nay rồi, tháng Ba ngày tám mùa giáp hạt bà con người Dao, người Nùng, người Tày của các xóm, bản ở các xã: Quang Thành, Thành Công, Hưng Đạo, Phan Thanh khi bồ thóc, dậu ngô gần cạn là nhà nào nhà nấy mài con dao thật sắc, cái thuổng thật nhọn để lên rừng hái măng, đào củ mài, kiếm thêm nấm hương, mộc nhĩ, lá dong, dây song, dây mây đem bán. Có người còn bẫy được chim trĩ, gà rừng...
 
Vì đây là khu rừng già, nhiều chỗ chưa có bước chân người đặt tới nên chim muông, thú rừng lúc bấy giờ còn nhiều lắm. Nhiều người còn gặp cả hổ, gấu, lợn lòi... Nhưng từ khi cuộc chiến tranh biên giới tháng 2/1979 nổ ra, súng đạn nổ rối loạn cả một vùng biên ải, làm thưa vắng dần các loại chim đẹp, thú quý. Rồi bao nhiêu khe suối, dòng sông cũng đều phát nguồn từ quả núi Phja Oắc, mà tiêu biểu nhất là sông Nguyên Bình, sông Quang Thành, đời nối đời tải nước về dòng sông Hiến, sông Bằng.
 
Đi liền đó bồi lắng phù sa cho các cánh đồng: Pác Măn, Lũng Mười, Nà Mạ, Bản Um... ngày càng phì nhiêu, màu mỡ, nhà nhà ấm no. Còn sườn phía Tây là dòng sông Năng chảy về hướng Pác Nặm rồi đổ vào hồ Ba Bể. Ở đâu có dòng sông, ngọn suối đi qua là ở đó thiên nhiên ban tặng cho con người những đặc ân, đó là cánh đồng bằng phẳng cho những mùa vàng bội thu. Đi liền đó là nguồn tôm, cá, ốc, ếch làm cho cuộc sống thêm thắm tươi, đủ đầy.
 
Đáng kể nhất là nguồn thủy năng dồi dào, chả thế mà từ lâu đã có Nhà máy thủy điện Tà Sa, Nhà máy thủy điện Tài Hồ Sìn, thủy điện Sông Hiến đang được thi công sẽ tăng thêm nguồn điện năng cho tỉnh nhà. Rồi quặng thiếc, von fram, titan, vàng cũng từ lòng núi Phja Oắc dồn về các dòng sông, dòng suối để những năm 90 của thế kỷ trước nhiều người đổi đời từ đào đãi vàng. Tất cả đó chẳng phải là đặc ân của vùng núi Phja Oắc ban tặng cho con người đó sao!
 
Thấy rõ tiềm năng to lớn của miền rừng Phja Oắc, tháng 10/2016, Phân viện Điều tra quy hoạch rừng vùng Đông Bắc đã tiến hành khảo sát, điều tra để giữ gìn, bảo vệ khu bảo tồn thiên nhiên Phja Oắc - Phja Đén một cách tốt nhất. Kết quả điều tra cho thấy tổng diện tích rừng của Vườn quốc gia Phja Oắc - Phja Đén là 10.593,5 ha, trong đó 768,3 ha rừng trồng thông là chủ yếu.
 
Có thể nói miền rừng Phja Oắc - Phja Đén là "lá phổi xanh" của Cao Bằng, điều hòa khí hậu, hấp thụ các bon và điều tiết nguồn nước, mát mẻ về mùa hè, dễ chịu về mùa đông. Họa hoằn lắm những năm trời rét cực độ thì đỉnh Phja Oắc được bao phủ một lớp tuyết, tăng thêm sức hấp dẫn cho những du khách ưa mạo hiểm, thích khám phá.
 
Chả thế mà từ những năm cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, các chủ mỏ người Pháp đã tạo dựng tại đây nhiều khu nghỉ dưỡng mà tiêu biểu nhất là khu nhà Ký Cảnh và khu nhà Đỏ. Hai khu nhà này cùng một số cơ sở khác hiện vẫn còn dấu tích của những bức tường, những nền gạch rêu phong, gợi nhớ gợi thương về một miền đất cổ hoang sơ mà kỳ vĩ rất đáng được bảo tồn và phát huy để trong một tương lai không xa, nơi này trở thành khu du lịch sinh thái.
 
Cũng theo số liệu của đoàn điều tra, hiện nay cả vùng có tới 58 loài động vật quý hiếm, 302 loài chim, 1.287 loài thực vật, trở thành những báu vật của quốc gia cần được ưu tiên bảo vệ. Từ tỉnh lộ 121 ngược lên tháp truyền hình khoảng 2 km bắt gặp một khu rừng bạt ngàn chỉ một loại cây cao độ 3 - 4 m ken dày trên những mỏm đá, vách đá, cả thân, cả cành được bao bọc bởi một lớp rêu xanh, sần sùi, tăng thêm nét hoang dại, hấp dẫn của khu rừng mà người dân nơi đây vẫn quen gọi là rừng lùn hay là rừng rêu.
 
Là người cất tiếng khóc chào đời ở cửa rừng, lớn lên cùng cây rừng, đá núi, đến khi theo đoàn quân "xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước", tôi cũng gắn bó với những cánh rừng Trường Sơn, với đại ngàn Tây Nguyên nhưng chưa gặp một khu rừng nào lạ kỳ, đặc hữu như khu rừng rêu này. Có phải vì bốn mùa sương giăng, gió hú nên thân cây mới gồ ghề, lá vừa dày lại vừa nhỏ như vậy.
 
Khi lên tới tháp truyền hình, được mấy công nhân trẻ trực phát sóng cho biết thêm là ở đây có những chiều sương dày đến độ nước và trời như nhập làm một, nếu không nghe tiếng gọi của người thân thì ta cứ ngỡ mình trôi lạc trong mây. Thi thoảng một cơn gió nhẹ vờn về, sương chiều lảng bảng trên đỉnh núi như chiếc khăn choàng hờ trên bờ vai người thiếu nữ đẹp của núi rừng. Chính những khoảnh khắc phong tình ấy đã xóa đi cái hoang lạnh, trống vắng nơi đây và cứ ngỡ đời mình vẫn thăng hoa, lãng mạn cùng cây rừng, đá núi mà trụ vững nơi đỉnh trời này để sóng phát thanh, truyền hình đến với từng con đường, ngõ xóm.
 
Có phải chính cái vời vợi mây trời cùng với sự ưu ái của thiên nhiên ban tặng cho khí hậu, thổ nhưỡng tuyệt vời miền sơn cước này đã hớp hồn giám đốc Hoàng Mạnh Ngọc, lại được sự hỗ trợ, giúp đỡ về kỹ thuật của kỹ sư Hoàng Thái nên anh quyết định đưa cây chè vào trồng đại trà ở vùng Phja Đén. Sau gần 10 năm bền bỉ vừa vận động vừa hỗ trợ về giống, vốn và hướng dẫn bà con quanh vùng kỹ thuật trồng, chăm sóc chè, nay diện tích chè của công ty đã lên đến gần 50 ha.
 
Do được trồng trên độ cao 1.500 mét nên búp chè vừa bắt mắt, vừa cho vị thơm ngon đặc biệt, được khách hàng trong tỉnh cũng như nhiều tỉnh bạn cho là thơm, đượm hơn hẳn chè nhiều nơi khác, rồi mang đi chào hàng trên thị trường thì được bạn hàng Đài Loan đặc biệt ưng ý và tỏ rõ quyết tâm sẽ hỗ trợ thêm về kỹ thuật trồng, chăm sóc, chế biến và lo bao tiêu toàn bộ sản phẩm với giá cao gấp nhiều lần giá thị trường trong nước.
 
Đi liền với đó, một nhà máy chế biến chè với dây chuyền tiên tiến của nền công nghệ chè Đài Loan từ khi đưa vào vận hành thì trang trại chè của Hoàng Mạnh Ngọc trở thành một điểm sáng về sản xuất, chế biến chè ở Cao Bằng và cả vùng Đông Bắc, tạo bước ngoặt lớn về chuyển dịch cơ cấu cây trồng cho huyện Nguyên Bình. Cũng nhờ đó mà số hộ giàu ở vùng Phja Đén ngày một tăng lên, bộ mặt nông thôn mới của Nguyên Bình ngày càng khởi sắc.
 
Cùng với việc phát triển trang trại chè Phja Đén, những năm vừa qua do động lòng trắc ẩn trước sự hoang phế của ngôi miếu cổ "Vọng tiên cung" thờ nữ thần có nhiều công lao chăm sóc, chở che đồng bào trong vùng từ thuở xa xưa, giám đốc Ngọc đã xin phép các cơ quan có thẩm quyền tôn tạo lại ngôi đền. Nhờ thế mà gần chục năm nay cứ đến ngày mùng một và ngày rằm hằng tháng là du khách gần xa đến đây thắp hương, dâng hoa để tạ ơn nữ thần, thực sự mở ra một trang mới về du lịch tâm linh.
 
Cũng nhờ đó mà ngày chợ phiên Phja Đén thêm nhộn nhịp những dòng người rực rỡ váy áo đủ sắc màu cứ trôi đi trong sương, trong nắng, tưởng như tất cả tinh hoa của núi rừng đều đổ về đây để mua bán, để tâm tình trao duyên và đến khi chợ tan mọi người lại nhịp bước ra về theo điệu khèn Mông dìu dặt cùng câu hát Páo Dung trầm bổng và điệu đàn tính thiết tha.
 
Tất cả những điều đó làm cho Phja Oắc - Phja Đén vời vợi mây trời, vời vợi con tim, để cho ai dù một lần đến đây cũng xôn xao nỗi nhớ!
 
Chu Sĩ Liên
Nguồn: Báo Cao Bằng