Đắc Lắc phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn

Cập nhật:15/03/2021 15:25:27
Khai thác tiềm năng, lợi thế, kết hợp chính sách thu hút đầu tư phù hợp, thời gian qua, tỉnh Đắc Lắc đã và đang thúc đẩy phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, góp phần đánh thức tiềm năng du lịch vùng Tây Nguyên.
Tiềm năng và lợi thế
 
Ở vị trí trung tâm vùng Tây Nguyên, Đắc Lắc dễ dàng kết nối với các tỉnh Tây Nguyên, Nam Trung Bộ, Nam Bộ trong phát triển du lịch. Ngoài hệ thống đường bộ, sân bay Buôn Ma Thuột đã được nâng cấp, trở thành cảng hàng không hiện đại, được xác định là đầu mối giao thông quan trọng-cửa ngõ hàng không nối Tây Nguyên với các trung tâm kinh tế, du lịch lớn của cả nước, như: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hải Phòng... và trong tương lai kết nối với các thị trường quốc tế.
 
 
Thác Drai Dlông (huyện Cư M'gar) trở thành điểm du lịch hấp dẫn. Ảnh: Nguyễn Hùng
 
Thế mạnh của Đắc Lắc trong phát triển du lịch là có sự đa dạng, phong phú về phong tục tập quán. Các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh có kho tàng sử thi Tây Nguyên đồ sộ, độc đáo và đậm chất văn hóa. Đặc biệt, không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại; trở thành tài nguyên du lịch nhân văn. Đắc Lắc còn là vùng đất của những lễ hội khá đặc trưng, như: Hội voi, Lễ hội văn hóa cồng chiêng, Lễ cúng bến nước, Lễ bỏ mả..., nhất là Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột đã được Chính phủ công nhận là lễ hội cấp quốc gia, được tổ chức hai năm một lần vào tháng 3, thực sự có sức hấp dẫn du khách trong và ngoài nước.
 
Theo ông Nguyễn Sơn Hưng, Trưởng phòng Quản lý du lịch, Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch tỉnh Đắc Lắc: Ngoài những tiềm năng, thế mạnh về giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc nói trên, Đắc Lắc còn có nguồn tài nguyên thiên nhiên hấp dẫn, như: Thác Dray Nur, Dray Sáp Thượng, Thủy Tiên, Bìm Bịp, Dray K’nao...; hệ thống những hồ chứa nước, sông, suối, khu bảo tồn thiên nhiên tạo nên cảnh đẹp nổi tiếng, thu hút du khách. Trên địa bàn tỉnh còn có 36 di tích được xếp hạng (di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh), trong đó có 2 di tích quốc gia đặc biệt, 17 di tích quốc gia và 17 di tích cấp tỉnh. Đắc Lắc còn là vùng đất có những sản vật có giá trị cao về kinh tế và văn hóa gắn với phát triển du lịch, như: Du lịch voi; du lịch cà phê; du lịch văn hóa cộng đồng, ẩm thực Tây Nguyên, làm cơ sở để phát triển chuỗi sản phẩm du lịch đặc thù, nâng cao vị thế và năng lực cạnh tranh để phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn.
 
Để du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn
 
Thực hiện Chương trình số 15-Ctr/TU của Tỉnh ủy Đắc Lắc về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, từ năm 2016 đến nay, Đắc Lắc huy động 10 dự án đầu tư phát triển du lịch bằng nguồn vốn xã hội hóa với tổng kinh phí 3.650 tỷ đồng. Giai đoạn 2016-2020, hoạt động du lịch thu hút 4,22 triệu lượt khách, trong đó có 389.000 lượt khách quốc tế, tốc độ tăng trưởng 15,05%/năm; doanh thu 4.232 tỷ đồng, tăng trưởng 25,93%/năm; toàn ngành tạo việc làm cho gần 3.000 lao động. Tính đến tháng 3-2021, toàn tỉnh Đắc Lắc có 212 cơ sở lưu trú du lịch (gồm 82 khách sạn,130 nhà khách, nhà nghỉ) với hơn 4.550 buồng, có thể phục vụ hơn 9.000 lượt khách lưu trú cùng thời điểm; 21 đơn vị kinh doanh lữ hành du lịch, trong đó 14 đơn vị kinh doanh lữ hành quốc tế; 27 khu, điểm tham quan du lịch; 10 cơ sở dịch vụ đạt chuẩn...
 
Tìm hiểu thực tế tại huyện Lắc, nơi có nhiều danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử và văn hóa nổi tiếng, đồng chí Võ Ngọc Tuyên, Bí thư Huyện ủy vui mừng khi nói về những con số thể hiện sự phát triển nhanh của du lịch: “Với những lợi thế như có hồ Lắc-hồ tự nhiên lớn thứ hai cả nước (sau hồ Ba Bể), biệt điện Bảo Đại, đàn voi nhà 15 con... tạo ra cơ hội rất quan trọng để địa phương đưa ngành du lịch của huyện phát triển nhanh và vững chắc. Theo đó, giai đoạn 2015-2020, huyện đã đón 102.000 lượt khách, trong đó có 48.000 lượt khách quốc tế; tổng doanh thu đạt gần 27 tỷ đồng, tăng 4,1% so với giai đoạn 2011-2015. Tới đây, để du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, huyện đang lập kế hoạch, xây dựng nghị quyết, tổ chức hội nghị mời gọi, xúc tiến đầu tư phát triển hạ tầng phục vụ du lịch, nhất là khu vực xung quanh hồ Lắc; xây dựng các siêu thị, trung tâm thương mại, khu liên hợp thể thao; đẩy mạnh sản xuất, tạo nhiều đặc sản của nghề nông, làng nghề truyền thống, như: Gạo, trứng vịt, chả cá thác lác, cá bống, rượu cần... và sản phẩm gốm sứ, tạo sức lôi cuốn đối với du khách. Trước mắt, huyện Lắc đang phát động du khách và toàn dân trồng hoa, trồng cây xanh ở thị trấn Liên Sơn, để 5 năm sau, thị trấn này trở thành một công viên nghìn hoa, tạo thêm sức hút và điểm nhấn trong phát triển du lịch”.
 
Theo đồng chí H’Yim Kdoh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đắc Lắc: Tỉnh đã xây dựng đề án phát triển du lịch với mục tiêu "Giai đoạn 2021-2025, đón 7.479.000 lượt khách (trong đó có 680.000 lượt khách quốc tế), doanh thu đạt 9.805 tỷ đồng. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII xác định: Giai đoạn 2021-2025, đưa du lịch thành một trong 3 trụ cột của nền kinh tế với các định hướng: Chú trọng du lịch gắn với nông nghiệp; tập trung du lịch chất lượng cao, du lịch sinh thái nghỉ dưỡng, du lịch văn hóa, du lịch mạo hiểm; đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến du lịch gắn với hợp tác xây dựng các tuyến du lịch kết nối với Hà Nội, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh, Nha Trang, Phú Quốc, các tỉnh Tây Nguyên, Nam Lào và các tỉnh miền Đông Campuchia; thực hiện hiệu quả Chương trình hợp tác du lịch giữa Đắc Lắc với Jeollabuk (Hàn Quốc) và giữa Buôn Ma Thuột với Goulburn (Australia).
 
Bình Định
Nguồn: Báo Quân đội nhân dân