Cách trung tâm TP Đà Lạt khoảng 20km về phía tây nam, thác Voi nằm giữa lòng thị trấn Nam Ban, huyện Lâm Hà, là thắng cảnh không thể bỏ qua đối với du khách khi đến Lâm Đồng.
Thác nằm trên dòng suối Cam Ly, rộng khoảng 30m, chiều cao 40m, xung quanh được bao bọc bởi những cây cổ thụ tỏa bóng xum xuê xuống dòng nước quanh năm tung bọt trắng xóa, âm thanh ầm ào tựa tiếng gầm của bầy thú lớn.
Hùng vĩ thác Voi.
Truyền thuyết của người Cơ Ho kể rằng, thuở xa xưa, có một nàng sơn nữ xinh đẹp, con của một vị tù trưởng trên núi Langbiang. Người yêu của nàng cũng là con trai của một vị tù trưởng trong vùng. Chàng được rất nhiều người yêu mến, quý trọng không chỉ bởi vóc dáng vạm vỡ, khuôn mặt khôi ngô mà còn vì sự dũng cảm ít ai sánh bằng. Họ đã trao lời hẹn ước nên duyên chồng vợ song chàng trai phải lên đường giết giặc và rồi nhiều mùa trăng trôi qua chẳng quay về. Cô gái đau khổ tìm tới địa điểm trước kia họ từng trao lời thề hẹn cất tiếng khóc nỉ non. Tiếng khóc của nàng khiến muôn loài muông thú trong rừng xúc động kéo tới. Lũ voi phủ phục dưới chân nàng, lũ chim ngẩn ngơ ngừng hót trên cây, đàn cá ngừng bơi dưới suối. Có loài chim B’ling rủ nhau bay đi thật xa để dò la tin tức rồi về báo cho nàng biết là chàng trai đã hy sinh ngoài chiến trường. Nghe tin dữ, nàng sơn nữ đau khổ gục ngã và không bao giờ gượng dậy được nữa. Đàn voi phủ phục nghe nàng khóc cũng hóa đá lặng câm. Bỗng có tiếng nổ lớn, trời đất rung chuyển, ngọn núi gãy đôi và một dòng nước xiết đột ngột tuôn chảy, tung bọt trắng xóa. Người Cơ Ho đặt tên cho thác là Liêng Rơwoa, nghĩa là thác của những con voi hóa đá bởi tình yêu nồng nàn, son sắt. Ngày nay, tới thăm thác Voi, du khách thấy dưới chân thác vô số tảng đá lớn nhỏ có hình thù tựa những chú voi đang quỳ dưới màn nước trắng xóa. Giữa những tảng đá lớn là một hang động có chiều sâu gần 50m, được gọi là hang Dơi, từng là nơi ẩn náu của các chiến sĩ cách mạng hoạt động trên cao nguyên Langbiang trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ.
Trước năm 1975, thác Voi nằm giữa khu rừng nguyên sinh rộng lớn và để đến được danh thắng này, khách phải đi xuyên qua cung đường rừng rất khó khăn. Tuy nhiên, sau ngày miền Nam giải phóng, thác Voi nằm giữa khu kinh tế mới của người dân Thủ đô Hà Nội và nay trở thành thị trấn Nam Ban nhộn nhịp, sầm uất. Đến với thác Voi, du khách không chỉ gặp khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ mà còn có dịp đắm mình vào một “Hà Nội thu nhỏ”, nơi mà những tên phố, tên làng như: Thăng Long, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm, Mê Linh, Đông Anh, Thanh Trì... cùng với giọng nói, nếp sống, ký ức của người Tràng An thanh lịch, hào hoa vẫn được gìn giữ vẹn nguyên như gói trọn, chuyên chở cả Hà Nội ngàn năm yêu dấu trên vùng đất Nam Tây Nguyên.
Nhằm thỏa mãn nhu cầu tâm linh của người dân Thủ đô trên vùng đất mới, năm 1993, chùa Linh Ẩn, công trình tôn giáo quy mô lớn được xây dựng trên một triền đồi đối diện với thác Voi. Ngôi chùa có diện tích rộng 4ha, trong đó, tòa chánh điện bề thế nhất rộng hơn 1.400m2, lợp ngói đỏ. Phía trước điện là khoảng sân lớn, hai bên bậc cấp dẫn lên chánh điện là hai con rồng tinh xảo đắp bằng xi măng, mỗi con dài 20m. Năm 2017, chùa phát nguyện xây dựng đại tượng đức Bồ Tát Quan Thế Âm lộ thiên. Năm 2020, công trình chính thức hoàn thành với chiều cao 71m, là bức tượng Bồ Tát cao nhất, lớn nhất Việt Nam. Thác Voi, chùa Linh Tự và không gian đậm chất Hà Nội trên cao nguyên đất đỏ bazan hợp thành quần thể danh thắng-văn hóa đặc sắc, giúp hành trình khám phá của du khách trở nên trọn vẹn, khó quên.
Bài và ảnh: Vũ Đình Đông