Mù Cang Chải (Yên Bái) là huyện vùng cao đặc biệt khó khăn, nơi đồng bào H’Mông chiếm hơn 91% số dân.
Ruộng bậc thang mùa lúa chín tại huyện Mù Cang Chải (Yên Bái).
Nhưng dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của cấp ủy các cấp, sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt của các ngành và sự đồng thuận của người dân trong việc thực hiện các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, Mù Cang Chải đang từng bước vươn lên, phấn đấu trở thành huyện du lịch và cơ bản không còn là huyện nghèo vào năm 2025.
Huyện Mù Cang Chải là nơi đi đầu của phong trào "Ngày cuối tuần cùng dân" ở tỉnh Yên Bái. Cứ vào ngày cuối tuần, cán bộ các cơ quan xuống bản tham gia cùng người dân lao động và làm công tác dân vận. Do có phân công, chỉ đạo chặt chẽ, kế hoạch cụ thể, thi đua giữa các khối, các xã và các bản với nhau đã tạo nên một phong trào lan tỏa rộng khắp. Chỉ một thời gian ngắn, hơn 7.250 lượt cán bộ và 20.734 lượt người dân tham gia những công việc thiết thực như: Tu sửa, làm mới 225 km đường giao thông nông thôn; khai hoang hơn 120 ha ruộng bậc thang; làm mới 1.590 nhà vệ sinh, 456 chuồng nuôi nhốt gia súc... Ðến hết tháng 9-2020, các cơ quan, đoàn thể của huyện đã tổ chức vận động, ủng hộ được 500 tấn xi-măng hỗ trợ các xã làm đường giao thông nông thôn. Qua đó, hoàn thành 90 km đường bê-tông giao thông nông thôn, xây dựng 26,3 km đường điện thắp sáng đường quê, trồng 20,5 km đường hoa tại các bản, tổ dân phố. Năm 2020, Mù Cang Chải làm được 26 nhà đại đoàn kết cho hộ gia đình có công với cách mạng và hộ đặc biệt khó khăn, đồng thời xóa 76 nhà dột nát. Ðời sống vật chất và tinh thần của đồng bào các dân tộc thiểu số nơi đây được cải thiện, xuất hiện nhiều tấm gương vươn lên làm kinh tế giỏi, góp phần chung vào công tác giảm nghèo bền vững của huyện.
Chúng tôi có dịp cùng đi với Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Khau Mang Giàng A Hờ về bản Háng Tráng Lừ, nơi có 137 hộ dân sinh sống. Con đường bê-tông rộng 2,5 m vừa hoàn thành uốn lượn qua các dốc cao, hai đường hoa ban nở trắng bên các thửa ruộng bậc thang lúa xuân cũng đang bén rễ lên xanh. Chỉ tay về phía xa, Chủ tịch A Hờ hồ hởi: Chỗ này là nương ngô của Giàng Bla Câu hiến hơn 200 m để mở đường đi qua. Còn kia là ruộng của nhà Mùa Bla Sơ và Mùa Chừ Cờ, hai hộ tự nguyện thôi không làm gần 200 m ruộng nữa để nhường đất làm đường đi qua. Nhờ có sự đồng lòng của người dân trong bản, bốn ki-lô-mét đường mới hoàn thành giúp người dân đi lại được thuận tiện. Ðến thăm lớp mầm non của bản, hai cô giáo Vàng Thị Dê và Phạm Thị Thùy đang chăm sóc cho hơn 30 cháu. Lớp học là hai gian nhà cấp bốn kiên cố, được xây dựng sạch đẹp. Các cháu được học tiếng Việt và ăn bữa trưa do cô giáo đảm nhiệm. Cô Dê phấn khởi cho chúng tôi biết: Trước đây đường đất khó đi lắm. Nhờ sự vận động tài trợ, đến nay con đường rộng 1 m, dài hơn 1 km đã được bê-tông hóa, giúp cho bố mẹ các cháu buổi sớm đưa trẻ đến lớp được thuận lợi.
Gặp Chính trị viên Huyện đội, Thượng tá Ðỗ Hồng Thành vừa đi thực hiện công tác dân vận ở xã về đơn vị, anh cho biết: Ngoài việc huấn luyện sẵn sàng chiến đấu, Huyện đội làm tốt công tác huấn luyện dân quân tự vệ gắn với dân vận đã thực hiện gần 1.200 ngày công, mở mới ruộng bậc thang, làm đường giao thông, làm nhà cho các hộ gia đình đặc biệt khó khăn, gồm: Vàng Thị Vang ở xã Khau Mang; Hờ Xúa Thái, Giàng Già Thanh ở xã Chế Cu Nha. Từ sự đóng góp của cán bộ, chiến sĩ đơn vị đã làm nhà mới cho cụ Giàng A Vàng, 85 tuổi, là hộ đơn thân không có người nuôi dưỡng ở bản Mả Pán, xã Khau Mang, trị giá hơn 30 triệu đồng. Ngay như ở xã Nậm Khắt, cán bộ đơn vị đã trực tiếp "ba cùng" với dân, trực tiếp xây dựng cổng chào vào bản Páo Khắt trị giá bảy triệu đồng, từ nguồn kinh phí của đơn vị.
Theo Bí thư Chi bộ bản Cáng Dông, xã Nậm Khắt Giàng A Tùng, cán bộ huyện và xã thường xuyên xuống cùng với người dân trong bản làm đường, trồng hoa; tham gia họp bản nắm bắt tình hình và tuyên truyền chủ trương, đường lối của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; kịp thời tháo gỡ những vấn đề còn mắc trong quá trình xây dựng nông thôn mới, cho nên bà con rất phấn khởi và làm theo. Với mô hình "đảng viên phụ trách hộ gia đình" ở xã Nậm Khắt, chi bộ phân công mỗi đảng viên được giao phụ trách hộ gia đình, tuyên truyền kịp thời đến người dân các chủ trương, chính sách của tỉnh và địa phương, nhất là trong phát triển kinh tế, xây dựng đời sống văn hóa ở bản… Từ đó, người dân hiểu và tích cực tham gia đóng góp xây dựng xã Nậm Khắt đạt chuẩn nông thôn mới.
Bên cạnh đó, Mù Cang Chải là huyện vùng cao sở hữu tiềm năng lớn để phát triển du lịch với nhiều cảnh quan đẹp cùng với đó là những nét văn hóa riêng, đậm bản sắc văn hóa dân tộc. Du lịch huyện Mù Cang Chải đã và đang từng bước đầu tư, hình thành các sản phẩm du lịch độc đáo, nổi bật và thu hút khách du lịch, nhất là các sản phẩm du lịch khai thác cảnh quan ruộng bậc thang. Danh thắng ruộng bậc thang Mù Cang Chải được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt vào năm 2019 là cơ sở tiền đề quan trọng để người dân xã La Pán Tẩn thay đổi cách nghĩ, cách làm kinh tế, khai thác những tiềm năng, lợi thế về thiên nhiên, bản sắc văn hóa dân tộc để tạo ra các dịch vụ phát triển du lịch, trong đó có loại hình du lịch cộng đồng (homestay). Ðiển hình cho phong trào khởi nghiệp từ làm du lịch là chàng thanh niên dân tộc H’Mông Giàng A Dê, sinh năm 1989.
Sau khi tốt nghiệp Trường đại học Kinh tế Thái Nguyên, anh Giàng A Dê đã mạnh dạn từ bỏ công việc ở chi nhánh Viettel Mù Cang Chải, về thành lập Công ty du lịch Helo Mù Cang Chải. Nằm trên độ cao hơn 1.000 m, chung quanh trồng đào rừng, tam giác mạch, các ngôi nhà gỗ thông kiểu truyền thống của đồng bào vùng cao luôn ấn tượng với khách. Giàng A Dê đã liên kết với 14 hộ dân H’Mông trong bản La Pán Tẩn tạo chuỗi du lịch khép kín. Du khách được trải nghiệm đánh bắt cá suối, thực hành các bước trồng lúa trên ruộng bậc thang như cày bừa làm đất, cấy lúa, gặt lúa và thưởng thức các món ăn dân tộc. Ðến nay, huyện có hơn 90 cơ sở lưu trú, trong đó có 26 nhà nghỉ, 65 homestay.
BÍ thư Huyện ủy Mù Cang Chải Nông Việt Yên chia sẻ: "Chúng tôi chọn ruộng bậc thang làm sản phẩm du lịch, coi trọng đầu tư cho giáo dục và phát triển kết cấu hạ tầng giao thông là đi trước một bước. Ngoài ra, Huyện ủy còn coi trọng việc đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực, tiếp tục luân chuyển cán bộ trẻ, cán bộ người dân tộc thiểu số, cán bộ có năng lực về xã, nhằm tạo đội ngũ cán bộ kế cận một cách bài bản, vững chắc.
Qua kiểm tra, đôn đốc, nắm chắc tình hình ở cơ sở để có chủ trương chỉ đạo, giải quyết kịp thời những vấn đề nảy sinh trong đời sống của người dân. Từ việc gần dân, sát dân, lắng nghe dân và hướng dẫn người dân phát triển kinh tế, xây dựng đời sống mới đã góp phần quan trọng trong thực hiện mục tiêu đưa Mù Cang Chải trở thành huyện du lịch và cơ bản không còn là huyện nghèo vào năm 2025.
Thanh Sơn