Điện Biên: Phát triển du lịch lịch sử với “luồng gió mới”

Cập nhật:28/04/2021 16:50:26
Một trong những mục tiêu được Nghị quyết Ðại hội Ðại biểu Ðảng bộ tỉnh lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đề ra là bảo tồn, phát huy giá trị Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Chiến trường Ðiện Biên Phủ để phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Và đặt ra chỉ tiêu đến 2025 đón khoảng 1,3 triệu lượt khách du lịch, trong đó 300 ngàn lượt khách quốc tế. Với chủ trương đó, ngay từ đầu nhiệm kỳ, các hoạt động liên quan đến du lịch lịch sử đang có những thay đổi, “luồng gió mới”, vừa thúc đẩy ngành du lịch hồi phục sau dịch bệnh, vừa góp phần hiện thực hóa nghị quyết.
 
Cựu chiến binh là chiến sĩ Ðiện Biên tham quan bức tranh panorama Ðiện Biên Phủ.
 
Bức tranh toàn cảnh (panorama) về Chiến dịch Ðiện Biên Phủ trong Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Ðiện Biên Phủ là một trong những sản phẩm du lịch được mong chờ nhất trong năm của du khách khi đến với Ðiện Biên. Bức tranh quy mô, tầm cỡ quốc tế này tái hiện các thời khắc lịch sử cùng cuộc sống, chiến đấu anh dũng, gian khó của quân đội ta trong cả quá trình làm nên chiến thắng “lừng lẫy năm châu”. Cụ Nguyễn Hồng Trâm, chiến sĩ Ðiện Biên Phủ (Liên đội Khinh pháo, Trung đoàn 88, Sư đoàn 308) từ Hải Phòng lên thăm lại chiến trường xưa, được ưu tiên vào thăm bức panorama khi các họa sĩ đang hoàn thành những nét bút cuối cùng. Cụ Trâm chia sẻ: “Bước vào gian phòng là tôi thấy như một bầu trời kí ức về Chiến dịch Ðiện Biên Phủ bao quanh mình. Tôi thấy hai bên ta và địch, thấy Bác Hồ, thấy Ðại tướng Võ Nguyên Giáp, Tham mưu trưởng Hoàng Văn Thái và các tướng giặc. Tôi thấy đồng đội của mình, anh em dân quân, hậu cần cùng các lực lượng. Hình ảnh chân thực, cầu kỳ từng chi tiết xuyên suốt của chiến dịch làm tôi cảm nhận như đang kề vai sát cánh đánh trận trong bom rơi lửa đạn với đồng đội” của 67 năm trước.
 
Bức tranh tuy chưa chính thức mở cửa đón khách nhưng đã được nhắc đến nhiều trên các trang mạng xã hội và thông tấn báo chí. Ðược biết, bức tranh đã hoàn thiện gần 100%, chỉ còn trải thảm nền và các bước “trau chuốt” cuối cùng. Ngày 7/5 tới, nhân kỷ niệm 67 năm Chiến thắng Ðiện Biên Phủ, Ðiện Biên dự kiến khánh thành bức panorama. Ông Phạm Việt Dũng, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết: “Nhà thầu và đơn vị thi công đang khẩn trương hoàn thiện bức tranh để đón khách vào tham quan đúng dịp 7/5. Chúng tôi cũng xây dựng kế hoạch, báo cáo tỉnh triển khai một số hoạt động văn hóa, du lịch tại Bảo tàng, khu vực bức tranh để quảng bá. Qua quá trình theo dõi trên các trang mạng xã hội, chúng tôi nhận thấy người dân, du khách trong và ngoài nước quan tâm rất lớn đến bức panorama Ðiện Biên Phủ. Có thế nói đây là một điểm nhấn quan trọng, tiếng vang lớn cho du lịch Ðiện Biên, tạo lực hút du khách trong và ngoài nước. Ngoài hạng mục trên, để phát huy giá trị di tích, phát triển du lịch lịch sử, Ðiện Biên cũng đang đẩy mạnh, tiếp tục triển khai thực hiện giai đoạn 2 của Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Ðiện Biên Phủ, giai đoạn 2 Trung tâm Văn hóa cựu chiến binh trên di tích Ðồi E2, xây dựng Ðền thờ Liệt sĩ Chiến trường Ðiện Biên Phủ. Và quy hoạch, bảo tồn, tôn tạo, đo đạc quy chủ liên quan đến các di tích lịch sử kịp thời phục vụ du khách”.
 
Mới đây, Ban Quản lý di tích (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cũng đã phối hợp triển khai tổ chức triển lãm, thuyết minh về Chiến dịch Ðiện Biên Phủ tại các trường học trên địa bàn tỉnh. Qua đó vừa nâng cao hiểu biết về lịch sử cho học sinh vừa tuyên truyền, giới thiệu đến các nhà trường hoạt động trải nghiệm “Chúng em là chiến sĩ Ðiện Biên” tại các di tích. Du lịch lịch sử bằng hình thức trải nghiệm, hóa thân thành người lính năm xưa cho các đoàn khách đang là định hướng mà ngành Du lịch tỉnh nhà hướng tới.
 
Mới đây, Tỉnh ủy đang xây dựng dự thảo Nghị quyết về phát triển du lịch tỉnh Ðiện Biên đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 với quan điểm phát triển du lịch bền vững có trọng tâm, trọng điểm trên cơ sở phát huy tiềm năng, lợi thế, bảo tồn, phát huy các giá trị lịch sử, văn hóa các dân tộc… Sau khi Nghị quyết được hoàn thiện, ban hành, hi vọng sẽ có thêm nhiều “luồng gió mới” đưa du lịch tỉnh nhà nói chung, du lịch lịch sử nói riêng phát triển hơn nữa.
 
Bài, ảnh: Nguyễn Hiền
Nguồn: Báo Điện Biên