Đồng Tháp: Tiếp tục tạo dựng hình ảnh địa phương gắn với phát triển du lịch

Cập nhật:16/06/2021 16:59:10
Sáng 15/6, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch Đồng Tháp tổ chức Hội thảo lấy ý kiến các ngành và chuyên gia góp ý dự thảo Kết luận của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khoá XI tiếp tục thực hiện Đề án Tạo dựng hình ảnh địa phương gắn với Phát triển du lịch Đồng Tháp giai đoạn 2021 - 2025.
 
Đại biểu góp ý cho dự thảo Kết luận
 
Dự thảo Kết luận nêu rõ, sau gần 05 năm nỗ lực thực hiện, việc tạo dựng hình ảnh địa phương đã đạt được những kết quả rất quan trọng, vị thế của tỉnh được khẳng định trong khu vực và cả nước. Hình ảnh tỉnh Đồng Tháp được cải thiện đáng kể, từ chỗ ít người biết đến nay đã định vị rõ nét.
 
Cùng với tạo dựng hình ảnh địa phương, du lịch của tỉnh cũng phát triển vượt bậc. Từ chỗ gần như chưa có gì, đến nay đã khẳng định vị trí trên bản đồ du lịch khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, xếp thứ nhất Cụm phía Đông và thứ 3 toàn vùng về số lượng khách. Thương hiệu du lịch “Đồng Tháp thuần khiết như hồn sen” được khẳng định.
 
Tuy nhiên, nhìn trên tổng thể, kết quả đạt được trong tạo dựng hình ảnh địa phương và phát triển du lịch mới chỉ là bước đầu, còn thấp so với tiềm năng của tỉnh và nhiệm vụ trong tình hình mới.
 
Dự thảo Kết luận cũng đề ra mục tiêu về tạo dựng hình ảnh địa phương tập trung 06 trụ cột cốt lõi. Về phát triển du lịch, tỉnh tập trung phấn đấu đến 2025 thu hút 5,2 triệu lượt khách, trong đó 126.000 khách quốc tế; doanh thu đạt 1.700 tỷ đồng; tạo việc làm cho 15.000 lao động.
 
Đóng góp cho dự thảo Kết luận, nhiều ý kiến thống nhất với đánh giá, nhận thức đúng thực trạng và đề ra giải pháp trong thời gian tới của đơn vị soạn thảo; đồng thời cũng lưu ý, bên cạnh làm rõ từng nhiệm vụ cần có sự gắn kết chặt chẽ giữa việc nâng cao hình ảnh địa phương gắn với phát triển du lịch.
 
Đáng chú ý trong các giải pháp phát triển du lịch, tỉnh cần tiếp tục quan tâm đến du lịch nông nghiệp; gắn kết chặt chẽ, hài hoà giữa phát triển du lịch và phát triển thương mại dịch vụ, trong đó hỗ trợ doanh nghiệp tạo ra sản phẩm chất lượng hướng tới “Made in Dong Thap”, phát triển loại hình mới - kinh tế đêm; đẩy mạnh phát triển du lịch thông minh, số hoá dữ liệu du lịch, truyền thông tương tác v.v..
 
Ngoài ra, với góc nhìn từ mở rộng không gian, nhiều ý kiến đề nghị cần khai thác thế mạnh sông Mekong để phát triển du lịch đường thủy; phát triển sản phẩm mới như: du lịch về làng, du lịch MICE  (du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo, sự kiện, triển lãm), du lịch chính quyền (trụ sở Uỷ ban nhân dân mở cửa đón khách tham quan) v.v..
 
Văn Khương
Nguồn: Cổng thông tin điện tử Đồng Tháp