Khơi dậy tiềm năng du lịch ở Văn Lâm, Hưng Yên

Cập nhật:24/06/2021 15:22:08
Văn Lâm là một vùng đất có bề dày về truyền thống lịch sử văn hóa, văn hiến từ lâu đời. Trên địa bàn huyện còn lưu giữ nhiều di tích lịch sử, văn hóa có giá trị độc đáo; nhiều làng nghề truyền thống mang nét đặc trưng.
 
Di tích Quốc gia đặc biệt chùa Thái Lạc
 
Về với Văn Lâm, du khách không thể không ghé thăm di tích làng Nôm, ngôi làng mang nhiều nét đặc trưng của làng cổ Bắc Bộ. Ở nơi đây, còn lưu giữ được cổng cổ, cây cầu ngang xây gạch cổ kính, nhiều nhà thờ họ và nhà ở của dân... Tất cả hòa quyện làm nên bức tranh làng quê yên bình, thân thuộc, an nhiên giữa biết bao nhộn nhịp của đời thường. Bước qua cổng làng Nôm cổ kính, du khách cùng về lễ Thánh cầu an tại không gian linh thiêng của ngôi đình rêu phong cổ kính - đình Tam Giang, thờ thánh Tam Giang - một vị tướng tài ba dưới thời Hai Bà Trưng với 18 đạo sắc phong qua các triều đại của đất nước. Đặc biệt, làng còn lưu giữ và phát huy được giá trị văn hóa của lễ hội làng Nôm được tổ chức thường niên vào ngày 11 tháng Giêng với phần lễ trang nghiêm, phần hội rộn ràng với nhiều trò chơi dân gian truyền thống. Hòa mình cùng không gian tĩnh lặng, trang nghiêm là ngôi chùa Nôm cổ kính với nhiều giá trị đặc sắc. Chùa là một trong rất ít ngôi chùa cổ Việt hiện còn lưu giữ được 128 pho tượng đất với nhiều hình dáng, kích cỡ và các nét biểu cảm khác nhau. Hơn nữa, làng Nôm còn giữ được khu chợ Nôm là một trong ít các chợ cổ của đồng bằng Bắc Bộ còn duy trì họp chợ phiên.
 
Đến với Văn Lâm, du khách không thể không về lễ phật cầu an và tìm hiểu nghệ thuật điêu khắc trên gỗ tinh xảo của các bậc tiền nhân thời Trần tại chùa Thái Lạc tọa lạc trên xã Lạc Hồng, đã được xếp hạng di tích Quốc gia đặc biệt vào ngày 24/12/2018 tại Quyết định số 1820/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Chùa được xây dựng từ thời nhà Trần, với kiến trúc “nội công ngoại quốc”, hiện còn lưu giữ được nhiều bức chạm gỗ với nhiều đề tài khác nhau, khắc họa đời sống tinh thần của nhân dân dưới triều Trần rất phong phú, sung túc.
 
Rời chùa Thái Lạc, mời du khách ghé thăm ngôi chùa Hương Lãng cổ kính, thiêng liêng được xây dựng từ thế kỷ XI. Nơi lưu giữ được nhiều hiện vật thời Lý rất đặc sắc và độc đáo, đặc biệt là Tượng sư tử đá và hệ thống thành bậc đá.
 
Không chỉ được hoàn mình vào khung cảnh làng quê Việt cổ với những giá trị tiêu biểu của các di tích lịch sử, về Văn Lâm, du khách còn được hòa mình vào không gian làng nghề, đóng vai là những người đi trồng cây thuốc, hái hoa cúc, phơi hoa, làm dược liệu... ở làng nghề dược liệu Nghĩa Trai (xã Tân Quang). Đóng vai là thợ đúc đồng, nặn khuôn mẫu, vẽ hoa văn… ở làng nghề đúc đồng Lộng Thượng (Đại Đồng). Đóng vai là người thợ nấu rượu, làm men, ủ men rượu, đóng vỏ loa thùng… ở xã Lạc Đạo.
 
Số lượng di tích lịch sử văn hóa phong phú cùng với nhiều làng nghề truyền thống chính là nguồn tài nguyên tạo nên tiềm năng du lịch của huyện. Để phát huy tiềm năng du lịch, hàng năm, UBND huyện đều ban hành văn bản yêu cầu lãnh đạo địa phương, Ban Quản lý di tích lịch sử tại các di tích, hiệp hội làng nghề tại các làng nghề truyền thống tăng cường các biện pháp bảo vệ các di tích lịch sử, bảo vệ hiện vật, cổ vật và bảo vệ môi trường du lịch, tạo nên những sản phẩm du lịch đặc trưng, mang yếu tố thân thiện với môi trường. Cùng với đó, huyện đã bám sát các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của cấp trên tuyên truyền, chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương tập trung nguồn nhân lực để xây dựng một số sản phẩm du lịch của Văn Lâm, dần xây dựng và hoàn thiện các tuyến du lịch. Hiện, Văn Lâm đã xây dựng được tuyến du lịch tâm linh, du lịch sinh thái, làng nghề truyền thống, kết nối các di tích lịch sử trong và ngoài huyện. Đó là tuyến du lịch tâm linh đền Ghênh - chùa Nôm - làng Nôm - làng nghề đúc đồng Lộng Thượng; tuyến chùa Nôm - chùa Thái Lạc - làng hoa Ngọc Quỳnh; tuyến nhà thờ Trạng Nguyên Dương Phúc Tư - làng làm giò chả Lạc Đạo - làng Nôm; Tuyến chùa Nôm - làng đúc đồng Lộng thượng - khu đô thị Ecopark; kết nối tuyến chùa Nôm - làng Nôm - đền thờ kinh Dương Dương (Thuận Thành, Bắc Ninh); tuyến chùa Nôm - chùa Chuông (thành phố Hưng Yên). Huyện cũng đã, đang xây dựng được một số sản phẩm du lịch, dần phục vụ nhu cầu của đông đảo du khách, đó là sản phẩm đỉnh đồng (Lộng Thượng, Đại Đồng); Hoa (Ngọc Quỳnh, Như Quỳnh); Dược liệu (nghĩa Trai, Tân Quang); rượu (Lạc Đạo)... Nhiều du khách khi đến với Văn Lâm đã trực tiếp đến các làng nghề tham quan, tìm hiểu và mua sản phẩm du lịch. Qua thực tế đánh giá, chỉ số hài lòng của du khách khi tham quan du lịch và sử dụng sản phẩm du lịch của Văn Lâm, có tới trên 80% du khách đánh giá cao về sản phẩm du lịch của Văn Lâm, vì tính truyền thống, tính văn hóa, độc đáo và độ tinh xảo của các hoa văn trên sản phẩm.
 
Thời gian tới, với mong muốn du lịch sẽ trở thành một trong những ngành kinh tế mũi nhọn, góp phần vào thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, huyện tiếp tục ưu tiên xây dựng quy hoạch tổng thể phát triển du lịch theo từng giai đoạn và thúc đẩy xây dựng, phát triển cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất và các dịch vụ du lịch; tăng cường công tác tuyên truyền quảng bá, xúc tiến du lịch; đầu tư liên kết và kết nối hình thành các điểm, các tour du lịch nội huyện, nội tỉnh và vươn xa hơn tới các tỉnh bạn, nhằm ngày càng thu hút đông đảo du khách trong nước và nước ngoài đến trải nghiệm du lịch nông thôn Văn Lâm; chú trọng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho các hoạt động du lịch nông thôn gắn với đào tạo nghề cho lao động nông thôn thông qua việc tăng cường tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng về chuyên môn nghiệp vụ, về ngoại ngữ, kỹ năng, kiến thức, thái độ phục vụ du khách theo hướng chuyên nghiệp, lành nghề, thân thiện, tạo một môi trường du lịch thân thiện... 
 
Thu Yến
Nguồn: Báo Hưng Yên