Hà Giang: Nhiều giải pháp phát triển du lịch gắn bảo tồn văn hóa dân tộc ở Mèo Vạc

Cập nhật:31/07/2021 22:16:44
Xác định, phát triển du lịch (DL) gắn với bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc góp phần tạo động lực cho kinh tế- xã hội phát triển nhanh và bền vững, đẩy mạnh tốc độ chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân.
Vì vậy, thời gian qua, huyện Mèo Vạc (Hà Giang) huy động sự vào cuộc của các cấp ủy, chính quyền, phát huy mạnh mẽ vai trò động lực của doanh nghiệp và cộng đồng dân cư nhằm khai thác hiệu quả các tiềm năng thế mạnh của địa phương về cảnh quan thiên nhiên, bản sắc văn hóa các dân tộc, giá trị Công viên Địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn, góp phần đưa DL trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. 
 
 
Lễ hội Bàn Vương tại Ngày hội văn hóa dân tộc Dao huyện Mèo Vạc năm 2019.
 
Nhiệm kỳ 2020 - 2025, huyện Mèo Vạc ban hành các nghị quyết, đề án, đồ án quy hoạch về phát triển DL gắn với bảo tồn, phát huy bản sắc dân tộc; nâng cấp hạ tầng; mở rộng các cơ sở lưu trú, nhà hàng, quán ăn. Đầu tư xây dựng và đưa vào khai thác các điểm DL mới, như: DL lòng hồ Thủy điện Nho Quế 1, đường đi bộ lên vách đá thần Mã Pì Lèng, Làng văn hóa DL cộng đồng dân tộc Mông thôn Pả Vi Hạ, xã Pả Vi. Bên cạnh đó, huyện sưu tầm, bảo tồn các giá trị văn hóa dân tộc; giữ gìn kiến trúc nhà ở truyền thống tại các làng văn hóa DL cộng đồng; đẩy mạnh tuyên truyền giáo dục nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo vệ và phát huy giá trị Công viên Địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn; xây dựng các sản phẩm OCOP; duy trì các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao dân gian truyền thống… Đến hết năm 2020, toàn huyện có 118/199 thôn bản, tổ dân phố có nhà văn hóa kiêm trụ sở thôn. Tỷ lệ gia đình văn hóa đạt trên 64%; tỷ lệ thôn, tổ khu phố văn hóa đạt gần 63%; có 96 cơ sở lưu trú phục vụ DL; 53 nhà hàng, quán ăn nhỏ; 21 quán cà phê, karaoke; 4 hợp tác xã tiểu thủ công nghiệp bày bán các sản phẩm địa phương. Làng Văn hóa du lịch công đồng dân tộc Mông thôn Pả Vi Hạ, xã Pả Vi được công nhận điểm du lịch cấp tỉnh. Do đó DL của huyện ngày càng phát triển cả về quy mô và chất lượng, số lượng khách DL đến với huyện tăng 17%/năm, trong đó khách quốc tế chiếm khoảng 10%, thời gian lưu trú của khách ngày càng dài hơn. Ngân sách thu từ các hoạt động DL, dịch vụ tăng bình quân hàng năm đạt trên 48%.
 
Đồng chí Vương Ngọc Hà, Bí thư Huyện ủy Mèo Vạc, cho biết: Với mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 huyện Mèo Vạc trở thành Trung tâm DL vùng của tỉnh; du khách đến với huyện đạt 1 triệu lượt người; doanh thu từ dịch vụ DL đạt trên 700 tỷ đồng; 100% đơn vị trường học duy trì tốt đưa kỹ năng sống gắn với văn hóa truyền thống các dân tộc địa phương vào giảng dạy trong trường học… huyện Mèo Vạc tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp đối với phát triển DL gắn với bảo tồn văn hóa. Tập trung quy hoạch, linh hoạt huy động các nguồn vốn, nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng DL. Thường xuyên bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ hướng dẫn viên DL những kiến thức cơ bản về lịch sử văn hóa, các di tích, danh lam thắng cảnh và các địa danh DL của huyện, các kỹ năng thuyết trình, chăm sóc khách hàng nhằm nâng cao chất lượng phục vụ du khách.
 
Tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng các làng văn hóa DL cộng đồng; nâng cao chất lượng các sản phẩm OCOP; đầu tư xây dựng sản phẩm DL, thể thao mạo hiểm. Mở rộng các hoạt động trải nghiệm bản địa tại các khu DL; tăng cường quảng bá tuyên truyền các sản phẩm DL trên các phương tiện truyền thông. Tuyên truyền cho nhân dân trên địa bàn huyện các kỹ năng, kiến thức về DL để hiểu được tiềm năng, thế mạnh về DL của địa phương, từ đó ứng xử văn minh, lịch sự, thân thiện trong lòng du khách. Vận động nhân dân tích cực tham gia hưởng ứng giữ gìn, bảo tồn kiến trúc nhà ở truyền thống của dân tộc mình. Khôi phục và bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống đã bị mai một…
 
Bài, ảnh: Hoàng Tuyến
Nguồn: Báo Hà Giang