Xung quanh hồ Bản Chang là những cánh rừng thông vươn mình thẳng tắp, xanh vút tầm mắt, nơi bản làng của các dân tộc Tày, Nùng sinh sống tạo nên bức tranh thủy mặc sống động. Đây là địa điểm lý tưởng để du khách tránh ngày hè oi bức, không khí trong lành, tìm cảm giác bình yên, tìm hiểu về bản sắc văn hóa dân tộc.
Hồ Bản Chang có diện tích khoảng 40ha
Hồ Bản Chang, xã Đức Vân (huyện Ngân Sơn, Bắc Kạn) là hồ nhân tạo có diện tích mặt nước khoảng 40ha, cung cấp nước tưới tiêu cho hơn 100ha diện tích đất nông nghiệp của các xã Đức Vân, Bằng Vân. Từ trung tâm huyện Ngân Sơn đi về hướng Cao Bằng khoảng 6km, nhìn sang bên tay trái sẽ thấy hồ Bản Chang như một "cỗ máy" màu xanh điều hòa khí hậu nơi đây. Giữa lòng hồ, dễ dàng nhận thấy các đảo đất nhỏ vẫn giữ được nét đẹp hoang sơ, cây cối mọc xanh tốt. Để đi lại dễ dàng xung quanh hồ, địa phương đã đầu tư đường bê tông kiên cố, cầu phao nhỏ nối hai bờ hồ, thuận lợi cho du khách chụp ảnh, tham quan trên mặt hồ.
Khai thác lợi thế hồ Bản Chang, nhiều hộ dân vùng lân cận không chỉ đánh bắt tôm, cá mà còn xây dựng các điểm ăn uống, dịch vụ phục vụ du khách đến trải nghiệm tại đây. Anh Hoàng Văn Đường, một hộ dân đang xây dựng dịch vụ du lịch tại hồ Bản Chang cho biết: “Gia đình tôi sở hữu và thuê diện tích đất xung quanh hồ khoảng 20ha để xây dựng các điểm tham quan. Ven hồ, tôi trồng hoa tường vi, hoa giấy, hoa hồng; dưới những rừng thông đặt các tượng, khung hình, chòi lá cọ, xích đu, bàn ghế bằng gỗ, mây… để khách nghỉ ngơi, chụp ảnh, ngắm cảnh. Dù chưa hoàn thiện nhưng hiện đã thu hút nhiều người đến tham quan, nhất là dịp cuối tuần”.
Để khai thác hiệu quả du lịch hồ Bản Chang, anh Đường đã thành lập Hợp tác xã Tiến Thịnh (HTX), hiện đang xin cấp phép để khai thác du lịch trên mặt hồ, các đảo nhỏ và hang, thác nước xung quanh. Ngoài ra, HTX còn nuôi cá lồng ngay tại hồ phục vụ nhu cầu ăn uống, trải nghiệm của du khách; chuẩn bị trồng hoa hai bên đường từ Quốc lộ 3 rẽ vào hồ vừa đẹp mắt, vừa tạo cho du khách cảm giác vui vẻ ngay khi dừng chân.
Lần đầu đến du lịch hồ Bản Chang cùng gia đình, chị Ninh Thị Thùy Dương (TP. Bắc Kạn) không giấu được cảm xúc hứng khởi: “Tôi đã được nghe và xem ảnh trên các trang thông tin đại chúng, facebook thấy hồ Bản Chang rất đẹp nên tranh thủ cuối tuần cả nhà cùng lên đây nướng gà, chụp ảnh. Không khí nơi đây trong lành, mát mẻ, thật sự phù hợp để nghỉ ngơi, thư giãn sau những ngày làm việc mệt mỏi. Chuyến đi này gia đình tôi lưu giữ được rất nhiều ảnh đẹp. Tôi sẽ giới thiệu cho nhiều bạn bè, đồng nghiệp đến trải nghiệm tại hồ Bản Chang”.
Nhằm khai thác tiềm năng du lịch hồ Bản Chang, huyện Ngân Sơn đã xây dựng Đề án “Bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc gắn với phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh huyện Ngân Sơn giai đoạn 2021 – 2025”, trong đó nhấn mạnh khai thác hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh của vùng hồ Bản Chang gắn với phát huy, bảo tồn các giá trị hiện có; gắn phát triển kinh tế với phát triển văn hóa, xã hội, giảm nghèo bền vững, tạo việc làm, nâng cao thu nhập và đời sống Nhân dân vùng hồ.
Cùng với đó, huyện đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến và liên kết du lịch; huy động các nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch, tập trung đào tạo kỹ năng nghề và thực hành thực tiễn; hỗ trợ xây dựng 01 điểm du lịch cộng đồng gồm các hoạt động tham quan, nghỉ ngơi, chụp ảnh, gian hàng OCOP, các sản phẩm, món ăn đặc trưng của địa phương gắn với việc quảng bá hình ảnh bằng các nét văn hóa, văn nghệ đặc sắc truyền thống tại hồ Bản Chang. Xây dựng vùng trọng điểm trồng các loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao như cây hồi, cây dẻ, đào… tại các vùng lân cận để du khách có thể trải nghiệm du lịch nông nghiệp.
Với định hướng phát triển một cách bài bản, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm để khai thác tốt tiềm năng, lợi thế, tin rằng trong tương lai không xa, hồ Bản Chang sẽ là điểm đến hấp dẫn của du khách trong và ngoài nước khi đến với Bắc Kạn./.
Hà Nhung