Nghề dệt thổ cẩm truyền thống của đồng bào dân tộc Thái huyện Mai Châu (tỉnh Hòa Bình) đã có từ lâu đời, trở thành nét đẹp văn hóa truyền thống không thể thiếu trong đời sống. Kế thừa và phát huy những tinh túy của nghề, kết hợp với sự sáng tạo, tinh tế, những phụ nữ Thái ở xã Chiềng Châu đã tạo ra những sản phẩm mới đặc trưng, vừa mang nét văn hóa truyền thống vừa mang tính hiện đại. Cũng vì vậy, thổ cẩm Chiềng Châu trở thành mặt hàng được ưa chuộng, thị trường tiêu thụ mở rộng tới nhiều đối tượng khách hàng ở các tỉnh và cả những khách hàng ở nước ngoài.
Du khách tham quan, mua sắm tại gian hàng dân tộc ở bản Lác, xã Chiềng Châu (Mai Châu)
Thành lập năm 2013, ban đầu, HTX dệt thổ cẩm và dịch vụ Chiềng Châu, xã Chiềng Châu sản xuất các mặt hàng như khăn, vải, trang phục truyền thống, chủ yếu phục vụ nhu cầu của cộng đồng người Thái trong huyện. Du lịch trên địa bàn huyện ngày càng phát triển, nhu cầu tiêu dùng mặt hàng này của khách du lịch tăng lên tạo đòn bẩy để đồng bào dân tộc Thái nơi đây đẩy mạnh sản xuất. Sau gần 7 năm thành lập, HTX hiện có 21 hộ thành viên và khoảng 30 lao động nhận sản phẩm về làm tại nhà. Quy mô sản xuất của HTX được mở rộng với 50 khung dệt truyền thống và 10 máy khâu.
Trước kia, thổ cẩm chỉ bó gọn trong các sản phẩm may mặc như chăn, màn, khăn, gối, quần áo... thì giờ đây, đáp ứng nhu cầu khách hàng, HTX đã có thêm những sản phẩm như túi xách, giày, dép, thú nhồi bông và những vật lưu niệm nhỏ. Trong sáng tạo sản phẩm, HTX kế thừa, phát huy những tinh hoa trong hoa văn thổ cẩm truyền thống. Điểm nổi bật là thổ cẩm của HTX vẫn được làm từ chất liệu vải sợi bông tự nhiên, tuân thủ phương pháp sản xuất bằng tay từ kéo sợi, nhuộm màu đến dệt vải, đòi hỏi sự kỳ công. Máy móc chỉ hỗ trợ ở công đoạn hoàn thiện sản phẩm.
Mong muốn phát triển, đưa tên tuổi thổ cẩm của huyện nói chung và của HTX nói riêng vươn ra nhiều thị trường mới, nhất là thị trường nước ngoài, từ năm 2020, HTX đăng ký tham gia Chương trình OCOP (đợt 2), với 2 dòng sản phẩm may mặc và quà lưu niệm. Bà Vì Thị Oanh, Phó Giám đốc HTX cho biết: Luôn hy vọng thổ cẩm sản xuất tại quê hương đứng vững trên thị trường với những mẫu mã, sản phẩm ngày càng phong phú, bắt mắt, tính ứng dụng cao. Do đó, HTX không ngừng sáng tạo, thiết kế ra những sản phẩm mới, phù hợp thị hiếu của nhiều đối tượng khách hàng hiện đại. Trong dòng sản phẩm may mặc, HTX tạo ra bộ trang phục dân tộc Thái cách tân của cả nam và nữ. Dòng sản phẩm quà lưu niệm cũng được chia thành 2 bộ dành cho nam và nữ, mỗi bộ đều gồm 4 chi tiết (túi xách hoặc túi đựng laptop, ví, túi đựng điện thoại hoặc bọc quyển sổ).
Đồng chí Trần Mạnh Tân, Phó trưởng phòng NN&PTNT huyện cho biết: Trong năm 2020, các sản phẩm thổ cẩm dệt tay của HTX dệt thổ cẩm và dịch vụ du lịch bản Lác, xã Chiềng Châu được chứng nhận sản phẩm OCOP 4 sao. Đây là cơ hội để HTX tiếp tục phát triển thương hiệu, mở rộng thị trường và cũng là cơ hội để các HTX, đơn vị dệt thổ cẩm khác trên địa bàn có hướng đi đúng đắn, đưa thổ cẩm trở thành sản phẩm du lịch. Do đó, huyện đặt kỳ vọng vào các sản phẩm HTX dệt thổ cẩm và dịch vụ Chiềng Châu đăng ký tham gia Chương trình OCOP. Bởi từ khi thành lập đến nay, các sản phẩm thổ cẩm của HTX luôn đi đầu về chất lượng cũng như số lượng đơn đặt hàng vì có kỹ thuật cao. Để hỗ trợ HTX chuẩn bị, xây dựng sản phẩm tốt nhất tham gia Chương trình OCOP, năm 2020, huyện đã hỗ trợ HTX 150 triệu đồng. Hai dòng sản phẩm đa dạng về mẫu mã, chủng loại, nhiều màu sắc được làm từ vải sợi bông và nhuộm màu từ nguyên liệu tự nhiên đã được đánh giá và chấm điểm ở cấp huyện. Tin tưởng rằng trong năm nay, các sản phẩm do HTX sáng tạo ra sẽ được thẩm định, chấm điểm xứng đáng trong Chương trình OCOP cấp tỉnh.
Thu Hằng