Đợt dịch thứ 4 bùng phát ngay sau dịp nghỉ lễ 30/4-1/5 khiến hầu hết các ngành dịch vụ bị ảnh hưởng, trầm trọng nhất phải kể đến ngành du lịch. Trong bối cảnh dịch bệnh đang được kiểm soát tốt, các đại phương đang tiếp tục khởi động lại du lịch một cách linh hoạt, an toàn, thích ứng với tình hình dịch bệnh.
Đối với địa phương thuộc “vùng xanh” vẫn có tăng trưởng tốt như Tuyên Quang, cùng với công tác kiểm soát dịch hiệu quả kể từ khi đợt dịch thứ 4 bùng phát đến nay thì đây chính là thời cơ để đẩy nhanh tốc độ mở cửa trở lại của du lịch. Từ đó nhanh chóng thu hút du khách trong tỉnh và du khách thuộc nhóm vùng xanh, vùng vàng - nhóm du khách tiềm năng đến thăm quan, trải nghiệm, nghỉ dưỡng.
Tuyên Quang cũng đã có sự chuyển mình nhờ tư duy du lịch kiểu mới thông qua việc lồng ghép bản sắc văn hóa dân tộc vào các hoạt động du lịch, trải nghiệm hiện đại. Ngay tại thời điểm này, nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh đã nhanh chóng đề ra kế hoạch và triển khai các tổ chức hoạt động du lịch trở lại. Tại huyện Na Hang, tuyến phố đi bộ đêm bày bán nhiều sản phẩm nông sản đặc sản, sản phẩm OCOP, đồ lưu niệm được mở lại.
Điểm nhấn là chương trình biểu diễn nhảy lửa của người dân tộc Dao đỏ xã Đà Vị. Với lợi thế về cảnh quan thiên nhiên, Na Hang hiện đang tích cực quảng bá giới thiệu nét đẹp mùa vàng Hồng Thái, quảng bá tiềm năng, lợi thế phát triển thủy sản gắn với du lịch sinh thái tại Danh lam thắng cảnh Khu bảo tồn thiên nhiên Na Hang - Lâm Bình với chuỗi sự kiện độc đáo.
Ngoài những thế mạnh sẵn có, ngành du lịch Tuyên Quang cũng nhận được sự quan tâm của các cơ quan ban ngành. Mới đây, trong chuyến công tác của Đoàn công tác Quỹ sức khỏe là số 1 thăm và làm việc tại tỉnh, quỹ mong muốn được đóng góp vào chương trình phát triển kinh tế - xã hội của huyện Na Hang thông qua việc triển khai Dự án xây dựng Làng hạnh phúc và phát triển mô hình Du lịch phục hồi sức khỏe tại xã Hồng Thái, tiến tới nhân rộng tại các huyện trong tỉnh Tuyên Quang và các tỉnh miền núi phía Bắc.
Sự nở rộ của mạng xã hội đã giúp ngành du lịch có thêm kênh quảng bá sâu rộng. Các điểm check-in đẹp được chia sẻ rộng rãi, thu hút sự quan tâm và mong muốn trải nghiệm của nhiều du khách.
Trong những năm gần đây, dịch vụ lưu trú tại Tuyên Quang cũng có đã được đầu tư, chú trọng, điển hình nhất là các mô hình homestay nhà sàn đi kèm với thái độ, chất lượng dịch vụ tốt, được du khách đánh giá cao. Tuy nhiên nét văn hóa bản địa vẫn chưa được tận dụng tối đa. Lấy ví dụ trong cách bài trí homestay, từ bộ bàn ghế, các hoa văn trang trí, hay chăn gối đệm vẫn chưa toát lên được màu sắc của thổ cẩm, của hoa văn bản xứ. Du khách tìm đến các địa điểm du lịch ở đây thường mang trong mình sự tò mò, ham khám phá, điều cần tận dụng chính là tâm lý này, thứ đơn giản, gần gũi, thường ngày của người dân mới chính là nét đẹp với du khách.
Chị Nguyễn Thị Huyền, hiện đang sống tại quận Cầu Giấy, Hà Nội cho biết, chị đã từng đến tham quan tại xã Thượng Lâm (Lâm Bình), chị rất ấn tượng với cảnh sắc thiên nhiên ở đây tuy nhiên trước đó chị đã khá lăn tăn trong việc tìm thông tin chuyến đi, cũng như những đánh giá, hình ảnh tại nơi đây, phải nhờ bạn bè thân quen giới thiệu chị mới có thể liên hệ đặt phòng, tham quan. Đánh giá về chất lượng dịch vụ chị cho biết đồ ăn ngon nhưng bản sắc văn hóa chưa toát lên nhiều ở các homestay, chị thích những ngôi nhà nguyên bản của người bản địa với cách trang trí mộc mạc, đơn sơ.
Những làng nghề, những ngôi nhà mái ngói âm dương, những nét đẹp trang phục dân tộc truyền thống cần được phục hồi, bảo tồn tạo thành nét đẹp văn hóa cộng đồng hòa hợp với cảnh sắc thiên nhiên. Đi kèm với yếu tố giữ gìn bản sắc là gắn với phát triển kinh tế, tránh tâm lý giữ cái cũ kìm hãm phát triển.
Ngoài ra theo phản ánh của một số du khách, nhiều địa điểm du lịch chưa chú trọng đến công tác vệ sinh, tạo thẩm mỹ sạch đẹp cho cảnh quan, các công trình vệ sinh đã xuống cấp đây cũng là một trong những điểm trừ lớn, khiến du khách không đạt được trải nghiệm tốt nhất.
Hiện nay qua khảo sát mạng xã hội Facebook, hầu hết các cơ sở kinh doanh đều chưa có cách quảng bá bài bản, thông tin mơ hồ, hình ảnh kém thu hút, chưa có các chính sách thu hút khách hàng tiềm năng, đây chính là điểm yếu chung của các cơ sở lưu trú, các đơn vị quản lý du lịch nhỏ. Nhìn các điểm du lịch tại Mộc Châu, Sapa có thể thấy rõ sự tương phản, họ tập trung xây dựng hình ảnh mạnh và đó là điểm sáng đầu tiên để thu hút khách du lịch.
Cũng không thể phủ nhận tư duy đổi mới trong cách làm du lịch đã thấy rõ. Các lợi thế tự nhiên được tận dụng tốt hơn để thực hiện các hoạt động du lịch trải nghiệm đa dạng như nhảy dù, cắm trại, chèo thuyền kayak, leo núi,...phù hợp với địa hình, lợi thế của mỗi địa phương. Ngoài việc tận dụng ưu thế ngành du lịch cần phải có sự đầu tư bài bản, có chiều sâu và tránh đầu tư dàn trải. Đi từ việc phân tích đối tượng khách du lịch tiềm năng theo các tiêu chí như độ tuổi, giới tính, nghề nghiệp để xây dựng được những chiến dịch quảng bá, hoạt động phù hợp. Trong quá trình quảng bá hình ảnh du lịch, mỗi đơn vị phải là một kênh thông tin riêng, chú trọng quảng bá văn hóa, con người liên tục để phủ sóng hình ảnh rộng rãi và nhận được sự ghi nhớ đối với người tiếp cận hơn.
Bàn Thị Điệp, cô sinh viên năm 4 trường Đại học Điều dưỡng Nam Định trong thời gian học online tại nhà đã có những sáng kiến giúp quảng bá hình ảnh homestay của gia đình tại thôn Khâu Tràng, xã Hồng Thái, Na Hang. Điệp cho rằng sự bùng nổ cuộc cách mạng 4.0 khiến hầu hết mọi người đều sử dụng mạng xã hội nhất là thế hệ các bạn trẻ nên phương án truyền thông tốt nhất để tiếp cận đến du khách đưa hình ảnh của Hồng Thái đến gần hơn với mọi người chính là sử dụng mạng xã hội như Facebook, Zalo, Instagram, TikTok, thậm trí là trang web hay vlog trên Youtube sẽ giúp du khách biết và muốn được trải nghiệm du lịch tại Hồng Thái hơn. Trước đây homestay gia đình chị chỉ chú trọng đến dịch vụ ăn uống, chỗ nghỉ cho khách, còn hiện tại thì homestay đã có cái nhìn khác hơn chú trọng hơn đến vấn đề trang trí, thiết kế các góc view để khách check-in, thiết lập google map, lập fanpage chia sẻ các hình ảnh tại homestay tại địa phương.
Các homestay ở Hồng Thái đang dần được hoàn thiện trước sự góp ý tiếp thu ý kiến của du khách, về đặc sản dịch vụ ăn uống tại Hồng Thái được đánh giá rất cao thực phẩm sạch ngon chất lượng, mọi du khách khi đã đến nơi đây đều mong muốn được quay lại để thưởng thức đặc sản chiêm ngưỡng cảnh sắc thiên nhiên các mùa trong năm. Song song với việc nhanh chóng khôi phục hoạt động trở lại, ngành du lịch cũng cần chú trọng đảm bảo công tác phòng chống dịch theo chỉ thị mới nhất của Ban Chỉ đạo Quốc gia và Chính phủ về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch bệnh. Không thể vội vàng, thiếu kiểm soát làm mất đi mức độ an toàn mà toàn tỉnh đã giữ vững trong thời gian vừa qua./.
Hạ Vũ