Gia Lai: Huyện Phú Thiện - Du lịch nông nghiệp trên "thung lũng vàng"

Cập nhật:09/11/2021 10:15:23
Huyện Phú Thiện (tỉnh Gia Lai) sở hữu không gian nông nghiệp đặc thù, được ví như một “tiểu đồng bằng” của Tây Nguyên. Cùng với lợi thế về di sản văn hóa, thiên nhiên đặc trưng, huyện đang hướng đến xây dựng sản phẩm du lịch nông nghiệp, nông thôn.
 
Không gian nông thôn đặc trưng của huyện Phú Thiện là một lợi thế để phát triển du lịch nông nghiệp
 
Màu mới cho bức tranh nông thôn 
 
Từ đỉnh đèo Chư Sê nhìn xuống, thung lũng Ayun Hạ hiện ra như bức tranh Mùa thu vàng của họa sĩ Levitan. Đây là không gian nông nghiệp làm nên đặc trưng riêng của “thung lũng vàng”. Xã Ayun Hạ nằm ngay dưới chân đèo còn sở hữu nhiều danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử - văn hóa, công trình nổi bật như: hồ Ayun Hạ có diện tích mặt nước rộng 37 km2, Khu di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia Plei Ơi - vùng đất của những huyền tích về các vị Vua Lửa (Pơtao Apuih) có quyền năng hô mưa gọi gió... Những lợi thế rất riêng giúp xã Ayun Hạ xây dựng mô hình du lịch cộng đồng, quảng bá di sản văn hóa, thiên nhiên và không gian thanh bình của vùng nông thôn, giúp người dân địa phương có thêm thu nhập từ dịch vụ - du lịch.
 
Ông Trịnh Thuyết - Bí thư Đảng ủy xã Ayun Hạ - cho biết: “Kinh tế nông nghiệp vẫn là nguồn thu nhập chính của người dân. Với định hướng phát triển du lịch nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới, chúng tôi định hướng để người dân chuyển đổi từ mô hình sản xuất nông nghiệp truyền thống kết hợp với dịch vụ. Bên cạnh tài nguyên thiên nhiên và di sản văn hóa sẵn có, các mô hình sản xuất nông nghiệp của người dân cũng dần hướng đến sự đa dạng, hiệu quả. Ngoài lúa nước còn có vườn cây ăn quả, trang trại chăn nuôi, một số mô hình nuôi trồng thủy sản. Hiện có 3 hợp tác xã (HTX) nông nghiệp được thành lập, trong đó có 2 HTX vừa được bổ sung thêm lĩnh vực hoạt động du lịch”.
 
Để sớm hiện thực hóa định hướng phát triển nông nghiệp gắn với du lịch, bà Bùi Thị Vui - Phó Giám đốc HTX Đoàn Kết (xã Ayun Hạ) cho hay: “Hợp tác xã định hướng phát triển theo mô hình sản xuất nông nghiệp gắn với du lịch - dịch vụ để phát huy tối đa chuỗi giá trị. Sau khi được tạo điều kiện đi tham quan một số mô hình điểm của cả nước về du lịch nông nghiệp, tôi nhận thấy HTX Đoàn Kết rất phù hợp với du lịch nhà vườn, cho du khách trải nghiệm hoạt động sản xuất nông nghiệp, thu hoạch tại chỗ. Các xã viên cũng đã được tập huấn kỹ năng, quy trình hướng dẫn du khách trải nghiệm, lựa chọn mô hình phù hợp để phát huy tài nguyên du lịch nông thôn, tạo ra những sản phẩm đặc trưng. Chúng tôi phân theo từng nhóm: cộng đồng dân tộc thiểu số thì làm thổ cẩm, làm lúa theo mô hình ruộng bậc thang; bà con người Kinh thì làm nông - lâm kết hợp; cộng đồng người Thái thì làm rượu, xây dựng mô hình nhà vườn…”. 
 
Đa văn hóa cũng là một trong những lợi thế của vùng đất Ayun Hạ để tạo ra nhiều trải nghiệm cho khách du lịch. Cùng với người Jrai là dân tộc bản địa lâu đời, vùng đất này còn có các dân tộc phía Bắc vào định cư. Họ mang theo những tri thức bản địa quý giá trong sản xuất nông nghiệp, làm phong phú thêm bức tranh nông thôn ở thung lũng Ayun Hạ. Ông Trần Văn Vân (thôn Đoàn Kết, xã Ayun Hạ) chia sẻ: Nhiều năm nay, gia đình ông đã chuyển sang trồng các loại cây ăn quả. Cây trái sum suê, trĩu quả thu hút rất đông người dân và du khách đến tham quan, tự tay thu hoạch và mua tại vườn. Ông hào hứng: “Trồng cây ăn trái cho hiệu quả cao gấp 3 - 4 lần so với trồng lúa nước. Hơn nữa, mô hình nông nghiệp này lại thu hút người dân đến trải nghiệm. Tôi rất mong địa phương quảng bá rộng rãi để thu hút du khách tham quan, trải nghiệm, kinh doanh trái cây tại vườn, tham gia vào sản phẩm OCOP của địa phương để tăng giá trị cho sản phẩm nông nghiệp”. 
 
Bước đi vững chắc
 
Theo đánh giá của các doanh nghiệp lữ hành, cơ hội phát triển du lịch nông nghiệp ở vùng đất Phú Thiện rất rộng mở khi hội tụ không gian nông nghiệp đặc thù. Và thực tế, huyện Phú Thiện đã hướng tới loại hình du lịch nông nghiệp nhằm đổi mới bộ mặt nông nghiệp, nông thôn. Huyện đã chủ động lên phương án mời các chuyên gia, doanh nghiệp du lịch của tỉnh hiến kế giúp hiện thực hóa giấc mơ du lịch nông nghiệp. Tuy vậy, cả hai lần kế hoạch đều phải tạm hoãn do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Ông Hà Trọng Hải - Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh, Giám đốc Công ty du lịch Cao Nguyên Việt - cho rằng: Hướng đi này cho thấy địa phương đã xác định rõ thế mạnh tài nguyên. Tuy vậy, huyện chỉ nên chọn yếu tố đặc trưng nhất để xây dựng thành sản phẩm du lịch, tạo nên thương hiệu riêng, tránh dàn trải. Theo ông Hải: “Gạo Phú Thiện là sản phẩm OCOP tiêu biểu, cũng là chỉ dẫn địa lý riêng cho vùng đất này. Lễ cầu mưa của Yang Pơtao Apuih cũng gắn liền với đời sống nông nghiệp cư dân bản địa. Dựa vào những yếu tố nền tảng này, huyện nên xem xét đưa vào một số dịch vụ mới gắn với nhu cầu của du khách. Các doanh nghiệp du lịch luôn sẵn sàng đồng hành, đưa khách đến nếu địa phương thực sự có những sản phẩm du lịch nông nghiệp hấp dẫn”.
 
Mục tiêu kết nối phát triển nông nghiệp với du lịch của huyện Phú Thiện đã được xác định, vấn đề còn lại là rút ngắn thời gian, lộ trình thực hiện, đồng thời thu hút thêm dự án đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp lẫn du lịch. Ông Nguyễn Anh Tuấn - Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Thiện - thông tin: “Chúng tôi đang xây dựng đề án phát triển nông nghiệp gắn với du lịch nông thôn, trong đó, đẩy mạnh thành lập các HTX nông nghiệp, du lịch-dịch vụ. Huyện tạo mọi điều kiện thuận lợi để thu hút, mời gọi đầu tư trên cả hai lĩnh vực. Ngoài ra, chúng tôi liên kết với huyện Chư Sê để kết nối du lịch giữa 2 địa phương, khai thác tối đa lợi thế, đặc trưng của không gian nông nghiệp ở vùng đất trên và dưới đèo Chư Sê tạo thành tour du lịch hấp dẫn”. 
 
Du lịch nông nghiệp đang trở thành xu hướng của ngành “công nghiệp không khói”, đem lại hiệu quả kinh tế-xã hội cho nhiều địa phương. Trong đó, sự tham gia trực tiếp của nông dân tạo nên bức tranh phong phú, hấp dẫn cho các sản phẩm du lịch. Huyện Phú Thiện đang quyết tâm hiện thực hóa hướng đi này, mở ra triển vọng mới đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương./.
 
Minh Châu
Nguồn: Báo Gia Lai