Đây là ý kiến của các đại biểu tại Phiên chuyên đề của Hội thảo du lịch 2021 “Du lịch Việt Nam - phục hồi và phát triển” diễn ra vào sáng ngày 25/12 tại Nghệ An.
Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Hà Văn Siêu, có 3 vấn đề mấu chốt để du lịch phục hồi và phát triển, đó là: An toàn - Mở - Đồng bộ. Trong đó, yếu tố an toàn là tiên quyết quyết định đến yếu tố Mở. Với các doanh nghiệp du lịch đang chịu ảnh hưởng lớn từ dịch bệnh, việc mở cửa chính là giải pháp hỗ trợ tốt nhất cho các doanh nghiệp. Mở cửa ở đây chính là kết nối giao thông, thị trường khách…
Phó Tổng cục trưởng nhấn mạnh, vấn đề đảm bảo an toàn và mở cửa có thực hiện được hay không phụ thuộc lớn vào sự phối hợp đồng bộ giữa các Bộ, ban, ngành, các địa phương, điểm du lịch, doanh nghiệp.
Phó Tổng cục trưởng Hà Văn Siêu
Bên cạnh đó, để ngành du lịch phát triển bền vững trong bối cảnh bình thường mới, theo Phó Tổng cục trưởng Hà Văn Siêu, ngành Du lịch cần cơ cấu lại phát triển theo xu hướng mới về điểm đến, sản phẩm du lịch xanh, thiên nhiên. Xây dựng các sản phẩm du lịch đa dạng, trải nghiệm sâu cho du khách. Đặc biệt, cần khai thác các thế mạnh của Việt Nam về văn hóa, du lịch đêm, kinh tế chia sẻ…
Vượt qua nỗi sợ sẽ góp phần phục hồi du lịch là điều ông Phạm Trương Hoàng - Trưởng khoa Du lịch - Khách sạn Đại học Kinh tế quốc dân Hà Nội nhấn mạnh. Đẩy mạnh xây dựng các sản phẩm du lịch ngắn ngày, bong bóng du lịch, sản phẩm xanh hướng tới sức khỏe, đồng thời các doanh nghiệp du lịch tạo những gói khuyến mại để kích thích khách đi du lịch. Thông qua các phương tiện truyền thông để quảng bá, thu hút du lịch bằng những sản phẩm mới hấp dẫn, phù hợp.
Cần sự phối hợp, liên kết, đồng bộ giữa các địa phương
Phát biểu tham luận tại Hội thảo, ông Nguyễn Quốc Kỳ - Chủ tịch HĐQT Công ty Vietravel cho rằng, việc Chính phủ cho phép “mở cửa” theo Nghị quyết 128 là rất linh hoạt và đây là giải pháp mạnh mẽ, tạo điều kiện cho du lịch phục hồi và phát triển.
Ông Nguyễn Quốc Kỳ - Chủ tịch HĐQT Công ty Vietravel phát biểu tham luận theo hình thức trực tuyến
Tuy nhiên, ông Kỳ cho rằng, trong việc triển khai thực hiện Nghị quyết 128 vẫn còn tình trạng chưa đồng bộ giữa các địa phương. Vì vậy, ông Nguyễn Quốc Kỳ đề nghị các địa phương cần có sự thống nhất, đồng bộ trong việc thực hiện “mở cửa”; tạo hệ thống khai báo y tế đồng nhất với nhau giữa các địa phương; sớm phục hồi, mở cửa hàng không quốc tế; cần có chính sách với tầm nhìn xa, rõ ràng trong phục hồi và phát triển du lịch.
Theo ông Nguyễn Châu Á - Tổng Giám đốc Oxalis Adventure, để phục hồi du lịch cần xây dựng chiến lược quảng bá hình ảnh điểm đến Việt Nam ra thế giới; Xây dựng các quy chế liên quan đến hoạt động du lịch một cách đồng bộ; Cần có chính sách hỗ trợ, ưu đãi để huy động tổng hợp các nguồn lực phát triển du lịch; phát triển các sản phẩm độc đáo, riêng có của du lịch Việt Nam.
Tại hội thảo, các đại biểu cũng đã cho ý kiến, thảo luận về các vấn đề nguồn nhân lực, cơ chế chính sách, hạ tầng du lịch…
Năm nhóm giải pháp để phục hồi và phát triển du lịch
Tổng hợp các ý kiến tham luận, trao đổi tại phiên chuyên đề, Chuyên gia cao cấp Nguyễn Sỹ Dũng nhấn mạnh, du lịch là ngành kinh tế rất quan trọng của Việt Nam, thể hiện qua số lượng khách du lịch tăng lên hàng năm, mang lại nguồn thu lớn cho đất nước, tạo ra nhiều việc làm và quan trọng nhất là có tác động lan tỏa mạnh mẽ đến nhiều ngành, lĩnh vực khác trong nền kinh tế.
Bên cạnh đó, du lịch góp phần quan trọng bảo tồn các di sản văn hóa, thiên nhiên thông qua đầu tư nguồn lực thu được từ hoạt động du lịch. Đồng thời, du lịch là một kênh quan trọng quảng bá hình ảnh Việt Nam ra thế giới. Với những tiềm năng, giá trị đó, du lịch đã được Đảng, Nhà nước xác định mục tiêu phát triển trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Trong đại dịch Covid-19, du lịch là ngành bị ảnh hưởng nặng nề nhất, thể hiện qua số lượng các doanh nghiệp du lịch, lữ hành phải đóng cửa, công suất buồng phòng chạm đáy, phần lớn người lao động trong ngành bị mất việc làm…
Trong bối cảnh nước ta đã có độ phủ tiêm chủng tốt, chuyển sang trạng thái thích ứng an toàn, linh hoạt, cần phải nhanh chóng phục hồi du lịch để phục hồi nền kinh tế. Đồng thời, du lịch với vai trò là một ngành kinh tế tổng hợp cũng rất cần sự chung tay, hỗ trợ của các ngành, lĩnh vực khác để phục hồi.
Về những vấn đề cần quan tâm, ông Dũng nhấn mạnh cần chú ý tới sự thay đổi về xu hướng, nhu cầu của khách du lịch sau ảnh hưởng của dịch bệnh; phát triển những sản phẩm đặc thù riêng có của Việt Nam; nhân lực là yếu tố rất quan trọng, là nền tảng của ngành du lịch và cần có sự bồi đắp trong quá trình lâu dài; doanh nghiệp du lịch, lữ hành là trụ cột của ngành du lịch, cần có sự hỗ trợ thiết thực để phục hồi; chuyển đổi số, công nghệ 4.0 là xu hướng tất yếu, cần có nhận thức rất rõ về vấn đề này; cần có giải pháp bảo đảm sự an toàn, ổn định cho doanh nghiệp, người lao động trước những biến cố, khủng hoảng trong tương lai.
Phiên chuyên đề cũng đã đề cập đến 5 nhóm giải pháp để phục hồi và phát triển du lịch, gồm có: (1) Mở cửa hoạt động du lịch gắn với đảm bảo an toàn; (2) Hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động trong ngành du lịch; (3) Đổi mới chính sách, tăng cường nguồn lực đầu tư phát triển du lịch; (4) Đẩy mạnh phát triển hạ tầng du lịch, phát triển sản phẩm du lịch mới; (5) Xây dựng thể chế, cải cách hành chính, tạo môi trường thuận lợi cho du lịch phát triển.