Tiền Giang: Huyện Cai Lậy kỳ vọng du lịch sớm được phục hồi sau dịch

Cập nhật:17/01/2022 17:14:20
Du lịch miệt vườn được xem là “ngành công nghiệp không khói”, góp phần đáng kể vào sự phát triển kinh tế - xã hội của huyện Cai Lậy. Để thích ứng với giai đoạn bình thường mới, nhiều điểm du lịch trên địa bàn huyện đang chuẩn bị các điều kiện cố gắng phục hồi du lịch sau thời gian chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19.
 
Du khách tự tay hái và thưởng thức trái cây
 
Theo số liệu thống kê, huyện Cai Lậy hiện có 13 điểm du lịch, giảm 02 điểm so với năm 2020. Trong năm 2021, có hơn 540 lượt khách nội địa đến địa bàn huyện, giảm hơn 20.520 lượt so với cùng kỳ năm 2020, không có khách quốc tế.
 
Sau thời gian “đóng băng” vì dịch Covid-19, để chuẩn bị sẵn sàng đón du khách trở lại, các điểm du lịch ở cù lao Tân Phong đã triển khai hàng loạt sản phẩm, dịch vụ mới để hướng tới mục tiêu phục vụ du khách một cách tốt nhất. Điểm nhấn trong loạt sản phẩm này là khai thác các yếu tố văn hóa của người dân xứ Cồn và cùng trải nghiệm các hoạt động dân dã, tham quan, hái trái, thưởng thức trái cây tại chỗ… Cùng với mục tiêu thu hút du khách, tiêu chí an toàn, phòng, chống dịch luôn được các điểm du lịch đặt lên hàng đầu. Chủ cơ sở, điểm du lịch và nhân viên cũng như các du khách đều đã được tiêm 2 mũi vắc-xin phòng Covid-19; thực hiện yêu cầu 5K của Bộ Y tế; khử trùng, diệt khuẩn thường xuyên và chuẩn bị sẵn sàng phương án, kế hoạch phòng, chống dịch Covid-19…
 
Trong thời gian qua, huyện Cai Lậy đã tích cực triển khai các hoạt động tuyên truyền, vận động người dân áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào trong sản xuất, nhất là mạnh dạn chuyển đổi mô hình sản xuất theo hướng nâng cao giá trị trên cùng đơn vị diện tích.
 
Một trong những mô hình nổi bật được triển khai trên địa bàn huyện trong năm 2020 và năm 2021 chính là mô hình sản xuất ứng dụng công nghệ tưới nhỏ giọt kết hợp nhà màng trong canh tác trồng dưa lưới, được triển khai thực hiện thí điểm tại xã Thạnh Lộc với diện tích 800m2, sản lượng dưa lưới qua 03 vụ, đạt gần 07 tấn. Đây là mô hình sản xuất được thiết lập với hệ thống tưới nước tự động, tiết kiệm công lao động, nước tưới, các cây được trồng trong bầu, thuận lợi cho việc chăm sóc và tham quan học tập kinh nghiệm.
 
Ngoài hiệu quả kinh tế mang lại, mô hình trồng dưa lưới trong nhà màng với công nghệ tưới nhỏ giọt còn có hiệu quả về mặt xã hội vì sẽ khai thác được thế mạnh tiềm năng của địa phương, giải quyết việc làm, tạo ra sản phẩm an toàn có giá trị; hạn chế sử dụng hóa chất trong sản xuất nông nghiệp; bảo vệ môi trường và sức khỏe người tiêu dùng. Chính vì thế, trong thời gian tới, huyện Cai Lậy sẽ tích cực tìm kiếm thị trường, liên kết để tạo sự ổn định trong tiêu thụ sản phẩm để nhân rộng mô hình và tăng hiệu quả kinh tế cho người dân.
 
Hồng Linh
Nguồn: Cổng Thông tin điện tử tỉnh Tiền Giang