Hà Giang: Khơi dậy tiềm năng du lịch

Cập nhật:10/03/2022 14:09:44
Bằng việc huy động, tập trung các nguồn lực để khơi dậy tiềm năng du lịch theo đặc điểm vùng miền; xây dựng, phát triển các các sản phẩm du lịch đặc thù phù hợp với bối cảnh tình hình và phân khúc thị trường khách trong từng thời điểm đang giúp ngành du lịch của tỉnh Hà Giang có nhiều khởi sắc, dần khẳng định vai trò ngành kinh tế mũi nhọn.
 
Làng Văn hóa du lịch cộng đồng thôn Pả Vi Hạ, xã Pả Vi (Mèo Vạc) được đầu tư xây dựng tạo điểm nhấn thu hút khách du lịch
 
Hà Giang được đánh giá có nhiều tiềm năng, tài nguyên du lịch đặc thù và lợi thế phát triển du lịch với 19 dân tộc sinh sống, các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể độc đáo; điều kiện tự nhiên, kiến tạo địa hình đa dạng hình thành nhiều vùng cảnh quan hấp dẫn. Toàn tỉnh có 61 di tích, danh thắng được xếp hạng; 15 làng văn hóa du lịch cộng đồng được UBND tỉnh công nhận và hoạt động hiệu quả. Bên cạnh đó, tỉnh còn có các sản phẩm du lịch địa chất, du lịch bổ trợ… thu hút đông đảo du khách đến tham quan, trải nghiệm. Nhằm khơi dậy tiềm năng, tỉnh triển khai đồng bộ nhiều giải pháp đột phá, có tính định hướng để du lịch phát triển bền vững. Theo đó, tỉnh đảm bảo phát triển sản phẩm du lịch tại 3 không gian; tập trung thu hút đầu tư phát triển các sản phẩm mới, đặc thù, có thế mạnh tại một số vùng trọng điểm phát triển du lịch phù hợp với các quy hoạch. Tăng cường đầu tư, hỗ trợ xây dựng các hạng mục công trình hạ tầng; thu hút nguồn xã hội hóa của các doanh nghiệp, cá nhân đầu tư vào các khu du lịch sinh thái, cơ sở lưu trú, kinh doanh dịch vụ…
 
Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Giang Nguyễn Hồng Hải, cho biết: Du lịch Hà Giang đang từng bước khẳng định là ngành kinh tế có vị trí quan trọng trong cơ cấu kinh tế của địa phương; đóng góp vào tăng trưởng kinh tế, giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội; bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa, bảo vệ môi trường và giữ vững QP - AN. Phấn đấu đến năm 2025, tỉnh đưa du lịch cơ bản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tạo động lực thúc đẩy KT - XH; có tính chuyên nghiệp; hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật tương đối đồng bộ, hiện đại; sản phẩm du lịch có chất lượng cao, đa dạng, có thương hiệu, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc. Phấn đấu thu hút 3 triệu lượt khách/năm; tổng thu từ khách du lịch ước đạt 7.800 tỷ đồng; tạo trên 28.000 việc làm cho người lao động…
 
Hiện thực hóa mục tiêu đó, tỉnh xác định tuyên truyền là nhiệm vụ hàng đầu, để cán bộ, đảng viên và nhân dân hiểu rõ vai trò của du lịch đối với phát triển KT - XH; hình thành lối ứng xử văn minh, thân thiện; bảo vệ môi trường, cảnh quan thiên nhiên; lồng ghép, đưa nội dung giới thiệu tài nguyên thiên nhiên, di tích lịch sử, văn hóa vào trường học. Đồng thời, phát triển sản phẩm du lịch phong phú, có tính cạnh tranh cao; phát triển các làng nghề truyền thống, sản phẩm hàng hóa đặc trưng OCOP; tăng cường liên kết phát triển du lịch trong và ngoài nước. Xây dựng cơ chế, chính sách thúc đẩy du lịch, nâng cao chất lượng hoạt động xúc tiến đầu tư, quảng bá du lịch; đặc biệt, hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực, phát triển du lịch cộng đồng, phát triển các sản phẩm du lịch độc đáo; thu hút đầu tư các dự án phát triển du lịch xanh, du lịch gắn với nông nghiệp. Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp các dân tộc; trùng tu các di tích lịch sử, di sản văn hóa; ứng dụng công nghệ số trong hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch.
 
Cùng với sự chuyển mình mạnh mẽ về phát triển KT - XH, ngành du lịch của tỉnh Hà Giang đang tiếp tục thực hiện đồng bộ, linh hoạt các giải pháp, đảm bảo thích ứng an toàn trước đại dịch Covid-19. Với việc xây dựng lộ trình, phương án phát triển du lịch sát tình hình thực tế, từng giai đoạn, chắc chắn sẽ giúp du lịch Hà Giang giữ mức tăng trưởng ổn định, xây dựng thành công thương hiệu điểm đến du lịch “an toàn, thân thiện và bản sắc”; góp phần tạo sinh kế, nâng cao đời sống đồng bào biên cương cực Bắc của Tổ quốc.
 
Bài, ảnh: Kim Tiến
Nguồn: Báo Hà Giang