Công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống luôn được các cấp, ngành quan tâm thực hiện và đạt những kết quả tích cực. Thông qua đó góp phần làm phong phú sản phẩm du lịch, định vị hình ảnh và quảng bá thương hiệu du lịch của tỉnh Điện Biên; tạo cơ hội việc làm cho đồng bào các dân tộc; đẩy mạnh giao lưu văn hóa, văn nghệ, kinh tế giữa các dân tộc, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội địa phương...
Du khách hòa mình vào các nét văn hóa đặc trưng của đồng bào dân tộc Thái tại bản Phiêng Lơi, xã Thanh Minh (TP. Điện Biên Phủ)
Những năm gần đây, công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống được cấp ủy, chính quyền các cấp triển khai quyết liệt, có sự phối hợp chặt chẽ giữa các ban, ngành, đoàn thể, sự tham gia hưởng ứng mạnh mẽ của đông đảo các tầng lớp nhân dân. Nhờ đó, các hoạt động nghiên cứu, sưu tầm, kiểm kê, đánh giá, lập hồ sơ khoa học di sản văn hóa, xếp hạng di tích, danh lam thắng cảnh, khoanh vùng, cắm mốc, trùng tu, tôn tạo, phục hồi di tích, phục dựng lễ hội, điều tra khảo cổ, tuyên truyền, phố biến, quảng bá, giới thiệu các di sản văn hóa... được thực hiện theo kế hoạch. Trong đó nhiều lễ hội truyền thống được bảo tồn; các lớp truyền dạy dân ca, dân vũ, dân nhạc các dân tộc được quan tâm. Ông Nguyễn Hoàng Hiệp, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) cho biết: Việc bảo tồn, phát triển văn hóa các dân tộc bước đầu đã gắn với phát triển kinh tế - xã hội, tạo điều kiện thuận lợi cho du lịch phát triển. Hàng năm Sở tham mưu cho UBND tỉnh tổ chức thành công Lễ hội Hoa Ban, cùng với đó còn phối hợp, hướng dẫn huyện Điện Biên tổ chức thành công Lễ hội Đền Hoàng Công Chất. Mường Lay tổ chức Lễ hội Đua thuyền đuôi én. Sở còn tập trung phục dựng, bảo tồn Tết Té nước (Bun Huột Nặm) dân tộc Lào; Lễ Cúng bản (Tê hrôi cung) của dân tộc Khơ Mú; Lễ Cầu mùa của dân tộc Si La; Lễ Nhảy lửa của dân tộc Dao; Lễ Cầu mùa của người Khơ Mú; Lễ Cúng bản (Gạ ma thú) của người Hà Nhì... Đồng thời, chỉ đạo Trung tâm Văn hóa, Điện ảnh mở lớp truyền dạy nghệ thuật Xòe Thái; huyện Điện Biên mở lớp truyền dạy nghệ thuật Xòe Thái và múa lăm vông của dân tộc Lào; các huyện tổ chức hội diễn nghệ thuật quần chúng, ngày hội văn hóa các dân tộc, ngày hội đoàn kết các dân tộc…. Hiện nay, toàn tỉnh đã thành lập 1 câu lạc bộ bảo tồn âm nhạc, dân ca, dân vũ truyền thống các dân tộc tỉnh Điện Biên; 1 câu lạc bộ văn hóa dân gian dân tộc Thái tỉnh Điện Biên. Qua các buổi sinh hoạt của câu lạc bộ đã góp phần gìn giữ nghệ thuật trình diễn dân gian, văn hóa dân gian, đóng góp tích cực trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa các dân tộc. Không chỉ vậy, toàn tỉnh hiện có 1.273 đội văn nghệ quần chúng, việc duy trì sinh hoạt thường xuyên của các đội văn nghệ đã phát huy những giá trị về nghệ thuật trình diễn dân gian các dân tộc, đồng thời tạo ra những hạt nhân để thực hành, truyền dạy di sản cho thế hệ trẻ. Tỉnh hiện có 2 di sản nghệ thuật then Thái và nghệ thuật xòe Thái được UNESCO đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại; 14 di sản văn hóa phi vật thể được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Trên cơ sở đó, tạo ra động lực cho phát triển các loại hình du lịch lịch sử, du lịch văn hóa và du lịch tâm linh, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
“Phát huy những kết quả trên, ngày 29/7/2021, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh tiếp tục ban hành Nghị quyết số 11-NQ/TU về bảo tồn và phát triển văn hóa các dân tộc tỉnh Điện Biên, gắn với phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Ngày 31/12/2021, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 3414/QĐ-UBND phê duyệt Đề án bảo tồn và phát triển văn hóa các dân tộc tỉnh Điện Biên gắn với phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030. Hiện nay, Sở VHTTDL đang chủ động phối hợp với các sở, ngành tỉnh, UBND cấp huyện xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Đề án theo từng giai đoạn và hàng năm.” - ông Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết thêm.
TP. Điện Biên Phủ không chỉ gắn liền với quần thể di tích Chiến trường Điện Biên Phủ mà còn ẩn chứa kho tàng văn hóa truyền thống đặc trưng của cộng đồng các dân tộc. Vì thế, những năm qua, địa phương này tập trung khai thác tiềm năng, thế mạnh từng bước phát triển du lịch; đồng thời, góp phần bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống. Hiện nay, TP. Điện Biên Phủ có 14 dân tộc cùng sinh sống, mỗi dân tộc mang một phong tục, tập quán, nét văn hóa độc đáo riêng, tạo cho thành phố có nét văn hóa tổng thể đa sắc màu, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển du lịch văn hóa cộng đồng như: Các kiến trúc nhà ở, các ngành nghề thủ công truyền thống mây tre đan, thêu dệt thổ cẩm; lễ hội truyền thống; phong tục, tập quán... Phát huy những thế mạnh đó, TP. Điện Biên Phủ phối hợp với các cấp, ngành liên quan hỗ trợ đầu tư xây dựng và phát triển 6 bản du lịch cộng đồng: Bản Him Lam 2, phường Him Lam; bản Phiêng Lơi, xã Thanh Minh; bản Noong Chứn, phường Nam Thanh; bản Noong Bua, phường Noong Bua; bản Che Căn, xã Mường Phăng; bản Kéo, xã Pá Khoang. Đến với các bản văn hóa này, du khách sẽ được trải nghiệm cùng người dân thực hiện thêu, dệt thổ cẩm, đan mây tre, thưởng thức ẩm thực, giao lưu văn hóa văn nghệ với người dân bản địa, tìm hiểu văn hóa của từng dân tộc khác nhau… Thực tế cho thấy, những năm trở lại đây, lượng du khách đến tham quan, trải nghiệm các hoạt động ngày càng tăng, từ 700 - 800 nghìn lượt/năm, mở ra cơ hội để người dân TP. Điện Biên Phủ phát triển kinh tế từ du lịch.
Trong thời gian tới, để gắn bảo tồn văn hóa với phát triển du lịch, Ngành VHTTDL đang tiếp tục đẩy mạnh nâng cao nhận thức, đổi mới tư duy về bảo tồn, phát triển văn hóa gắn với phát triển kinh tế - xã hội, trọng tâm là bảo tồn và phát huy giá trị các loại hình di sản văn hóa. Đồng thời, phát triển các sản phẩm du lịch từ việc khai thác, phát huy hiệu quả giá trị di sản văn hóa các dân tộc; đẩy mạnh nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ công tác bảo tồn, phát triển văn hóa truyền thống; đầu tư và huy động các nguồn lực cho bảo tồn, phát triển văn hóa. Cùng với đó là nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu các di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch.
Diệp Chi