Đó là ý kiến, cũng là lời nhắc nhở của các chuyên gia tại diễn đàn kết nối du lịch (DL) TP. Hồ Chí Minh và Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) lần thứ II - năm 2022 vừa diễn ra tại Đồng Tháp. Diễn đàn là cơ hội để Bạc Liêu nhìn nhận lại sự quan tâm, tính hiệu quả của các giải pháp khai thác tài nguyên này để tạo cho mình những màu sắc riêng, không trùng lắp với các địa phương trong vùng.
Khai thác giá trị con Tôm, hạt muối
Ngoài bản “Dạ cổ hoài lang”, những trụ tua-bin điện gió khổng lồ trên biển…, Bạc Liêu trong mắt du khách còn là nơi sẽ trở thành “thủ phủ” tôm, nơi có những cánh đồng muối tuyệt đẹp. Tuy nhiên, lâu nay con tôm và hạt muối chỉ được chú trọng phát triển ở khía cạnh kinh tế chứ chưa khai thác những giá trị bên trong trở thành sản phẩm DL. Đã có những điểm tham quan DL được hình thành như: Nông trại Tôm Khỏe, Khu DL sinh thái Hương Rừng… nhưng sự hiện diện của con tôm, hạt muối chỉ đóng vai phụ, hình ảnh còn khá mờ nhạt. Điều này không khó hiểu khi những điểm tham quan trên đều do người dân tự phát làm DL, chưa nhận được nhiều sự định hướng và hỗ trợ từ các cấp, các ngành.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Cao Xuân Thu Vân cho biết: “Đã đến lúc, Bạc Liêu nghĩ đến sản phẩm DL nông nghiệp khác biệt nhưng phải mang tính chuyên nghiệp. Từ trải nghiệm lễ hội Sen lần thứ I - năm 2022 của Đồng Tháp, Bạc Liêu cũng có thể tổ chức lễ hội tôm, lễ hội muối. Khi đó, sẽ tính đến việc làm cánh đồng muối, bồn câu tôm trên đường cho du khách trải nghiệm để kích thích họ vào vuông tôm, đồng muối. Muốn phát triển DL nông nghiệp ĐBSCL, mỗi tỉnh cần rà soát lại quy hoạch để đóng góp những sản phẩm khác biệt chứ không chỉ chú trọng cạnh tranh như lâu nay. Ví dụ như về Bạc Liêu là để thăm đồng muối, xem cách nuôi tôm và ăn tôm, không câu cá mà là câu tôm”.
Làm rõ định hướng phát triển DL nông nghiệp với con tôm và hạt muối, Sở VHTTTT&DL cho hay, tỉnh sẽ giới thiệu 100 món ăn được chế biến từ nguyên liệu chính là con tôm và muối trong Tuần Văn hóa - DL Bạc Liêu diễn ra vào tháng 11/2022. Ngoài ra, Sở đang tiếp tục xây dựng các sản phẩm DL cho du khách trải nghiệm một ngày làm diêm dân.
Hội thi ẩm thực về tôm từng được Bạc Liêu tổ chức thành công tại tỉnh Quảng Ninh năm 2017. Ảnh: H.T
Tiếp sức cho nông dân
Tại diễn đàn kết nối DL TP. Hồ Chí Minh và ĐBSCL lần thứ II - năm 2022, các đại biểu đề xuất nhiều giải pháp khai thác chuỗi giá trị nông nghiệp để du khách trải nghiệm sự độc đáo của các khâu canh tác, chế biến và tiêu thụ nông sản. Để làm được điều này, nhiều ý kiến cho rằng phải chú trọng đào tạo bài bản cho người nông dân - chủ thể trực tiếp làm DL, bán dịch vụ cho du khách.
Đại diện Tổng Công ty DL Sài Gòn đề xuất: “Nông dân cần được hỗ trợ kiến thức, kỹ năng phục vụ du khách, kỹ thuật trang trí, chế biến món ăn sao cho đảm bảo đầy đủ các tiêu chí ngon, đẹp và an toàn vệ sinh thực phẩm. Trong thời đại công nghệ 4.0 bùng nổ, nông dân làm DL cũng phải biết cách chụp bức ảnh đẹp, viết bài giới thiệu trên các trang mạng xã hội hoặc chia sẻ cung đường lên Google Maps để du khách dễ dàng tìm đến và trở lại”.
Các đại biểu lưu ý, không chỉ chuẩn hóa nông dân, các địa phương cần giải quyết bài toán biến đổi khí hậu, hạn hán, xâm nhập mặn của ĐBSCL trong phát triển DL nông nghiệp. Muốn như thế, việc định hướng trồng cây, nuôi con gì có thể thích ứng với biến đổi khí hậu cần được tính toán cẩn trọng. Ngoài ra, mỗi địa phương phải định vị rõ thương hiệu DL nông nghiệp để tránh trùng lắp, như Bạc Liêu đã chọn phát triển với con tôm và hạt muối. Nếu Đồng Tháp đã xây dựng tốt thương hiệu “Bé Sen” thì Bạc Liêu có thể phát triển hình ảnh đặc trưng “Bé Tôm”.
Xem DL nông nghiệp là “mỏ vàng” vì tài nguyên chưa được khai thác còn rất lớn, đây cũng là xu thế phát triển bền vững trong tương lai khi du khách luôn muốn được hòa mình vào không gian thiên nhiên. Muốn không lãng phí “mỏ vàng” này, Bạc Liêu phải hành động ngay để tiếp sức với nông dân chuyển đổi sản xuất nông nghiệp thuần túy sang nông nghiệp DL. Làm được điều này sẽ giúp phát triển phong trào khởi nghiệp trong nông dân, mang đến cho du khách những trải nghiệm mới từ những giá trị đặc sắc mà nông nghiệp mang lại.
Hữu Thọ