Có nhiều tiềm năng, thế mạnh để phát triển du lịch cộng đồng, thời gian qua thị xã Sa Pa (Lào Cai) đã có nhiều giải pháp, cơ chế đặc thù nhằm hỗ trợ phát triển loại hình du lịch này theo hướng bền vững. Người dân được tiếp cận nguồn vốn để đầu tư phát triển, chú trọng gìn giữ, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hoá truyền thống các dân tộc để tạo ra các sản phẩm du lịch đặc trưng hấp dẫn du khách.
Nhờ nguồn vốn vay của Ngân hàng Chính sách xã hội, homestay của chị Lý Lở Mẩy được nâng cấp khang trang hơn
Sau hơn 2 năm gặp khó vì dịch Covid-19, cuối năm 2021 chị Lý Lở Mẩy được Ngân hàng Chính sách xã hội hỗ trợ cho vay 100 triệu đồng theo Nghị quyết 06 của HĐND tỉnh. Có vốn, gia đình chị Mẩy đã đầu tư xây thêm 1 nhà sàn với 5 phòng nghỉ và nâng cấp lại khu lưu trú cũ để đón khách lưu trú homestay. "Tôi làm du lịch từ năm 2016. Hồi mới làm cũng được tạo điều kiện cho vay 50 triệu đồng, làm ăn tốt 1 năm sau tôi cũng trả xong ngân hàng. Giờ tiếp tục được hỗ trợ cho vay thì tôi thấy rất phấn khởi, hi vọng dịch ổn định, khách đến đông để có thêm nguồn thu", chị Lý Lở Mẩy, thôn Sả Séng, xã Tả Phìn, thị xã Sa Pa chia sẻ.
Thời gian qua, ngoài được hỗ trợ tiếp cận các nguồn vốn vay theo các chương trình, chính sách ưu đãi thì người dân Tả Phìn cũng đã được tập huấn, nâng cao kiến thức, kỹ năng làm du lịch. Đặc biệt là gìn giữ, phát huy tri thức văn hoá bản địa để hình thành các sản phẩm du lịch trải nghiệm thu hút du khách.
"Được tiếp cận nguồn vốn thì các hộ triển khai theo đúng dự án phục vụ đón khách, góp 1 phần về thu nhập cho người dân. Trong các hộ này các lao động không phải làm công việc khác, ở nhà đón khách, giảm thiểu tình trạng phụ nữ, trẻ em chèo kéo khách. Thu nhập bình quân cuối năm 2021 xã đạt hơn 40 triệu đồng/người", ông Lý Láo Lở, Chủ tịch UBND xã Tả Phìn, thị xã Sa Pa cho biết.
Để bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa bản địa trong điều kiện khai thác phục vụ du lịch, thị xã Sa Pa đang hỗ trợ xây dựng 5 điểm du lịch cộng đồng các dân tộc Mông, Dao, Tày, Giáy, Xa Phó nhằm tạo ra các sản phẩm đặc trưng, hấp dẫn phục vụ du lịch. Nhưng để du lịch cộng đồng phát triển bền vững thì vẫn cần thêm các cơ chế, chính sách cụ thể về chiến lược, quy hoạch du lịch cộng đồng. Đồng thời có các giải pháp đào tạo nguồn nhân lực gắn với giữ gìn, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa, qua đó, tạo sức bật cho du lịch cộng đồng ngày càng phát triển.
Vân Anh - Quang Ánh