Cùng với những chiến lược phát triển sản phẩm du lịch theo thế mạnh địa phương như: du lịch sinh thái rừng, thác, hồ; du lịch nông nghiệp, nông thôn; du lịch cộng đồng…, Đồng Nai còn thường xuyên tổ chức các buổi tập huấn, bổ sung kiến thức pháp luật về du lịch cũng như kỹ năng giao tiếp, nấu ăn cho đội ngũ làm du lịch.
Những lớp học ngắn hạn góp phần giải quyết tình trạng thiếu nhân sự cho ngành Du lịch, đặc biệt từ sau đại dịch Covid-19, nhiều người từng làm du lịch đã chuyển sang lĩnh vực kinh doanh, dịch vụ khác.
Nông dân (thứ 3 từ phải sang) làm hướng dẫn viên đưa du khách tham quan đồng lúa. Đây là mô hình du lịch nông thôn đang hút khách tại xã Phú Điền, H.Tân Phú. Ảnh: N.Liên
* Giải bài toán thiếu nguồn nhân lực tại chỗ
Cuối năm 2021, Ban TVTU đã ban hành Nghị quyết 04-NQ/TU về phát triển du lịch thành ngành kinh tế quan trọng, trong đó nêu rõ Đồng Nai tuy có nhiều tiềm năng, lợi thế phát triển du lịch nhưng nguồn nhân lực du lịch còn thiếu và yếu về chuyên môn, nghiệp vụ, thái độ phục vụ. Do đó, để khắc phục tình trạng trên, trong kế hoạch thực hiện nghị quyết của Tỉnh ủy, UBND tỉnh cũng đã xác định việc đào tạo, phát triển nguồn nhân lực du lịch là nhiệm vụ quan trọng cần thực hiện. Đặc biệt, tại các khu vực nông thôn đang phát triển mạnh lĩnh vực du lịch nông thôn, sinh thái vườn, cộng đồng… Vấn đề này đang được cơ quan quản lý du lịch quan tâm đào tạo, bổ sung từ nhiều năm nay
Phó trưởng phòng Quản lý VHTTDL (Sở VHTTDL Đồng Nai) Nguyễn Văn Hậu cho biết, ngay từ khi Nghị quyết 04 được ban hành, Sở đã đề nghị các địa phương chủ động phối hợp tổ chức các lớp tập huấn. Mục tiêu của các lớp tập huấn nhằm trang bị các kỹ năng cơ bản về đón tiếp và phục vụ du khách, qua đó nâng cao chất lượng phục vụ tại cơ sở; giúp các hộ nông dân có thêm sự tự tin khi đón tiếp khách du lịch, từng bước nâng cao hình ảnh du lịch địa phương, hướng tới sự chuyên nghiệp cho đội ngũ lao động hoạt động trong lĩnh vực du lịch.
Bênh cạnh đó, ông Hậu cho biết, Đồng Nai đang hỗ trợ các cơ sở đào tạo tăng cường hợp tác với doanh nghiệp để xây dựng các chương trình đào tạo, bồi dưỡng phù hợp với nhu cầu, tăng thời gian thực hành của sinh viên tại các doanh nghiệp. Cùng với đào tạo, Đồng Nai cũng đưa ra các chính sách thu hút nguồn nhân lực du lịch có chuyên môn, nghiệp vụ du lịch từ các địa phương khác về lao động, làm việc tại các doanh nghiệp du lịch Đồng Nai.
* “Cầm tay chỉ việc” cho nhân sự du lịch
Đến nay, Sở VHTTDL đã nhiều lần kết hợp với các điểm tham quan, du lịch, các điểm đến, cơ sở lưu trú… để tổ chức tập huấn, truyền đạt các kỹ năng trong giao tiếp, nấu ăn… Các buổi tập huấn đã thu hút nhiều đối tượng tham gia là hướng dẫn viên, nhân viên của các đơn vị có hoạt động du lịch.
Chị Trần Thị Lan Hương, nhân viên một khu du lịch nghỉ dưỡng ở H.Tân Phú chia sẻ, tham gia khóa tập huấn kỹ năng giao tiếp, ứng xử và đón tiếp khách du lịch, ngoài các bài học giúp các học viên được mở rộng kiến thức, hiểu hơn cách giao tiếp trong du lịch, các tình huống, trải nghiệm thực tế trong quá trình học tập là dịp để các học viên thực hành kỹ năng hướng dẫn du lịch. “Sau buổi tập huấn, tôi đã tự tin hơn trong đón tiếp khách du lịch, nhất là những kỹ năng xử lý tình huống nhanh trong quá trình làm việc cũng được chia sẻ để chúng tôi có thêm kinh nghiệm và cách xử lý vấn đề phát sinh” - chị Hương cho hay.
Phó giám đốc Sở VHTTDL Nguyễn Thị Mộng Bình đánh giá, việc đào tạo, tập huấn nguồn nhân lực cho ngành Du lịch là nhiệm vụ trọng yếu để nâng chất cho ngành Du lịch Đồng Nai. Lâu nay, Đồng Nai tuy có nhiều lợi thế về du lịch nhưng khâu phục vụ, chăm sóc khách hàng cũng như quảng bá còn nhiều hạn chế, chưa thu hút được đông đảo du khách. Thời gian tới, Sở VHTTDL sẽ tiếp tục duy trì những hoạt động tập huấn, đào tạo nhằm tạo môi trường hoạt động du lịch chuyên nghiệp cho Đồng Nai.
Theo kế hoạch thực hiện Nghị quyết 04 về phát triển du lịch của UBND tỉnh, đến năm 2025, Đồng Nai phấn đấu có 100% người lao động làm việc tại các cơ sở du lịch và cán bộ quản lý nhà nước về du lịch được đào tạo, bồi dưỡng nghề, bồi dưỡng kiến thức. Cũng trong giai đoạn này, Đồng Nai phấn đấu đón 4,2 triệu lượt khách, trong đó khách lưu trú đạt 840 ngàn lượt. Lượng khách quốc tế tăng bình quân khoảng 39%/năm (khoảng 110 ngàn lượt khách). Doanh thu dịch vụ du lịch đạt 3,4 ngàn tỷ đồng (tăng gần 58%/năm). Chi tiêu bình quân lượt khách đạt 800 ngàn đồng/ngày/người.
Ngọc Liên