Hiện nay, kinh tế ban đêm (KTBĐ) được xác định là xu thế phát triển. Tuy nhiên, đối với tỉnh Kon Tum thì đây là khái niệm khá mới mẻ. Vì vậy, việc nghiên cứu và xây dựng Đề án “Phát triển KTBĐ tỉnh Kon Tum giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050” là cần thiết để có những định hướng, chính sách phát triển phù hợp, góp phần khai thác tối đa tiềm năng, thế mạnh của tỉnh.
Kinh tế ban đêm được xác định là xu thế phát triển. Ảnh: HN
Những năm gần đây, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Kon Tum tích cực phấn đấu, khai thác những tiềm năng, lợi thế và huy động tối đa mọi nguồn lực cho đầu tư xây dựng, phát triển đô thị, phát triển KTXH và đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Hệ thống siêu thị, chợ, trung tâm thương mại phát triển mạnh, một số siêu thị, trung tâm thương mại lớn đã có mặt ở thành phố Kon Tum như: Trung tâm thương mại Vincom Plaza Kon Tum, Siêu thị Co.opmart Kon Tum, Vinmart Kon Tum... Dịch vụ tài chính, ngân hàng phát triển nhanh, nhiều chi nhánh được thành lập, mở rộng, chất lượng phục vụ ngày càng được nâng lên. Thành phố Kon Tum ngày càng được đầu tư khang trang; thị trấn Măng Đen, huyện Kon Plông được thành lập; đô thị huyện Ngọc Hồi được tích cực đầu tư, nâng cấp và đủ điều kiện trở thành thị xã...
Tuy nhiên, hiện nay các hoạt động của nền kinh tế về đêm trên địa bàn tỉnh hầu hết chỉ phục vụ cho nhu cầu mua sắm, ẩm thực cơ bản và đều đóng cửa trước 10-11 giờ tối và tập trung chủ yếu ở thành phố Kon Tum. Trên địa tỉnh hiện chưa có các cửa hàng tiện lợi phục vụ 24/24h. Nhiều sản phẩm có thể thu được lợi nhuận cao được giao dịch từ 18 giờ tối trở đi tại các địa phương vẫn chưa được khai thác và phát triển vì nhiều nguyên nhân, chủ yếu đến từ mức sống của người dân còn thấp; cơ cấu dân số; phong tục tập quán; các hoạt động KTBĐ còn hạn chế và việc lo ngại các vấn đề về an ninh, trật tự xã hội. Việc phát triển KTBĐ tại tỉnh Kon Tum chưa được quy hoạch, triển khai một cách bài bản, tổng thể, đồng bộ; chưa có các mô hình phát triển KTBĐ đủ sức hấp dẫn để thúc đẩy tiêu dùng và thu hút du khách trong và ngoài tỉnh.
Để thúc đẩy kinh tế của tỉnh phát triển và triển khai thực hiện cụ thể Đề án phát triển KTBĐ ở Việt Nam do Thủ tướng Chính phủ ban hành phù hợp với tiềm năng, điều kiện của tỉnh Kon Tum thì việc mở hướng xây dựng định hướng, thiết lập mục tiêu và giải pháp phát triển KTBĐ cho tỉnh Kon Tum trong giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 là hết sức quan trọng. Qua đó, khai thác lợi thế tiềm năng để hình thành các mô hình, sản phẩm độc đáo, khác biệt vào ban đêm; góp phần làm tăng thời gian lưu trú, tăng chi tiêu của du khách; phát triển KTBĐ để bổ trợ cho các hoạt động ban ngày.
Ngày 12/8/2022, UBND tỉnh có Quyết định về việc ban hành Đề án “Phát triển KTBĐ tỉnh Kon Tum giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050” nhằm triển khai cụ thể Đề án phát triển KTBĐ ở Việt Nam do Thủ tướng Chính phủ ban hành phù hợp với tiềm năng, điều kiện của tỉnh Kon Tum; xây dựng định hướng, thiết lập mục tiêu và giải pháp phát triển KTBĐ cho tỉnh Kon Tum trong giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. |
Việc phát triển KTBĐ sẽ tập trung vào các hoạt động thương mại và dịch vụ chính trong lĩnh vực dịch vụ văn hóa, vui chơi, giải trí, thể thao, dịch vụ ăn uống, dịch vụ mua sắm và du lịch phục vụ nhu cầu tiêu dùng và khách du lịch diễn ra từ 6 giờ tối hôm trước đến 6 giờ sáng hôm sau. Trong đó, tập trung nghiên cứu, định hướng phát triển ở hai vùng kinh tế động lực là thành phố Kon Tum và huyện Kon Plông. Đây là những điểm đến hấp dẫn nhất đối với khách du lịch khi đến tỉnh Kon Tum. Trong những năm gần đây, tổng lượng khách đến 2 địa phương này đã chiếm khoảng 90% tổng lượng khách toàn tỉnh.
Bên cạnh đó, tỉnh Kon Tum có cơ cấu dân số trẻ, thích hợp để phát triển KTBĐ. Theo kết quả tổng điều tra dân số và nhà ở tỉnh Kon Tum năm 2019 thì dân số trong độ tuổi từ 18 đến 59 là khoảng 295.060 người, chiếm khoảng 54,6% tổng dân số toàn tỉnh (trong đó khu vực thành thị khoảng 100.565 người, chiếm 34%), đây được xem là thành phần chính tham gia vào KTBĐ; trong đó, dân số ở độ tuổi từ 18 đến 59 tại thành phố Kon Tum và huyện Kon Plông cũng chiếm tỷ lệ khá cao so với dân số tại mỗi địa phương, với trên 56%. Do đó, bên cạnh khách du lịch ngoại tỉnh thì việc phát triển KTBĐ hướng đến nhóm dân số độ tuổi từ 18 đến 59; đây là đối tượng khách hàng tiềm năng và xuyên suốt của địa phương, nhất là sau những tác động của đại dịch Covid-19.
Mặc dù sẽ có những khó khăn trong quá trình triển khai, tuy nhiên, định hướng hình thành và đầu tư phát triển kinh tế ban đêm trên địa bàn có tiềm năng, thế mạnh để thúc đẩy phát triển mạnh mẽ ngành du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, qua đó lan tỏa phát triển các ngành kinh tế khác; đẩy mạnh hơn tốc độ tăng trưởng và phát triển của ngành thương mại dịch vụ nói chung, góp phần tích cực vào quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, hướng đến nền kinh tế 24h; nâng cao thu nhập và đời sống của người dân; đồng thời hạn chế những rủi ro, tác động tiêu cực đối với công tác bảo tồn các giá trị văn hóa, bảo vệ an ninh trật tự và tài nguyên môi trường trên địa bàn.
Hà Nam