Vĩnh Linh (Quảng Trị): Phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn

Cập nhật:06/09/2022 10:23:13
Xác định du lịch là khâu đột phá trong phát triển KT - XH của huyện, những năm qua, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị đã chủ động xây dựng, ban hành các nghị quyết, chương trình, đề án; chú trọng xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông, đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến đầu tư… nhằm đưa du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tạo động lực thúc đẩy các ngành, lĩnh vực khác cùng phát triển.
 
Du khách đến tham quan, nghỉ dưỡng tại Khói Homestay, huyện Vĩnh Linh - Ảnh: L.A
 
Không chỉ nổi tiếng với các di tích lịch sử quốc gia đặc biệt như: Địa đạo Vịnh Mốc và hệ thống làng hầm Vĩnh Linh, Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải, huyện Vĩnh Linh còn có nhiều tiềm năng để phát triển các loại hình du lịch nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái với các điểm đến như: Bãi tắm Cửa Tùng, bãi tắm Vĩnh Thái, rừng nguyên sinh Rú Lịnh, mũi Trèo… thu hút đông đảo du khách trong và ngoài tỉnh đến tham quan, nghỉ dưỡng, trải nghiệm.
 
Theo thống kê, lượng khách tham quan tại các điểm du lịch trên địa bàn huyện bình quân hằng năm khoảng 20.000 lượt, trong đó có khoảng 3.000 lượt khách quốc tế (không tính lượng khách tham quan tại 2 điểm di tích cấp quốc gia đặc biệt là Địa đạo Vịnh Mốc và Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải do Trung tâm Quản lý di tích và Bảo tàng tỉnh quản lý, khai thác).
 
Trong đó, tại bãi tắm Cửa Tùng 5.000 lượt khách; bãi tắm Vĩnh Thái 5.000 lượt khách; 3 điểm du lịch sinh thái bến sông Phúc Lâm, bàu Trạng và bàu Thủy Ứ khoảng 3.000 lượt khách; du lịch phượt mũi Trèo khoảng 7.000 lượt.
 
Toàn huyện đã có 42 khách sạn và nhà nghỉ đạt chuẩn với hơn 300 phòng đã được Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng cơ sở lưu trú. Nhận thấy những điều kiện để du lịch phát triển thành ngành kinh tế mũi nhọn, trong những năm qua, huyện Vĩnh Linh đã đẩy mạnh công tác quy hoạch và đầu tư cơ sở hạ tầng du lịch theo hướng phát triển du lịch - dịch vụ kết hợp với nghỉ dưỡng, gắn liền với bảo vệ môi trường thiên nhiên và giữ gìn cân bằng sinh thái.
 
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Linh Nguyễn Thiên Tùng, hiện nay trên địa bàn huyện có một số điểm du lịch tiềm năng lớn đang được UBND tỉnh chỉ đạo quy hoạch thực hiện như: Quy hoạch phân khu xây dựng tỉ lệ 1/2.000 điểm du lịch Mũi Trèo - Rú Bàu do Công ty Cổ phần Tập đoàn Pacific Health Care báo cáo đề xuất; dự án Khu du lịch sinh thái Rú Lịnh do Công ty TNHH TMDV Du lịch Sông Hiền đầu tư đã được UBND tỉnh quyết định cấp phép đầu tư; dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng Eden Charm tại xã Vĩnh Thái đã được UBND tỉnh đồng ý chủ trương đầu tư; dự án phát triển du lịch tại khu vực ven biển Vịnh Mốc, xã Kim Thạch do Công ty TNHH MTV Chua Me Đất báo cáo kết quả khảo sát thực tế và đề xuất…
 
Bên cạnh đó, huyện Vĩnh Linh cũng đã tập trung đầu tư hạ tầng du lịch như xây dựng điều chỉnh quy hoạch chi tiết bãi tắm Cửa Tùng tỉ lệ 1/500; xây dựng khu bãi tắm cộng đồng xã Vĩnh Thái lộ trình 2022 - 2025 và khu vui chơi giải trí du lịch Cửa Tùng; xây dựng cơ sở hạ tầng khu dịch vụ tắm biển Thái Lai, xã Vĩnh Thái; xây dựng đường du lịch sinh thái Rú Lịnh...
 
Cùng với việc xây dựng môi trường du lịch an toàn, thân thiện, mến khách, cung cấp thông tin cho người dân và du khách về chất lượng dịch vụ du lịch, địa chỉ các dịch vụ có uy tín, thời gian qua, huyện Vĩnh Linh còn tăng cường phối hợp quảng bá du lịch trên các kênh thông tin đại chúng nhằm giới thiệu các tiềm năng, thế mạnh của huyện, các điểm, sản phẩm du lịch mới.
 
Cụ thể, đã phối hợp với các đoàn làm phim của Đài Truyền hình Việt Nam, chương trình AmazingVietNam của Báo Thanh niên sản xuất các chương trình truyền thông quảng bá về mô hình sản xuất nông nghiệp, sản phẩm văn hóa, ẩm thực gắn với phát triển du lịch như: Kể chuyện trạng Vĩnh Hoàng; trồng dưa hấu; nghề đánh bắt tép ở bàu Trạng, xã Vĩnh Tú; món ăn gỏi nuốt thôn Gia Lâm, xã Vĩnh Long; nghề làm bánh đúc rau câu ở thị trấn Cửa Tùng…
 
Tăng cường tuyên truyền quảng bá các điểm du lịch đang hoạt động và phát triển như: Du lịch biển Cửa Tùng, biển Vĩnh Thái; du lịch sinh thái bàu Trạng, bàu Thủy Ứ tại xã Vĩnh Tú; các điểm du lịch tiềm năng như: Mũi Trèo - Rú Bàu, du lịch sinh thái rừng nguyên sinh Rú Lịnh... Tập trung xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm nông nghiệp gắn với du lịch, các sản phẩm chế biến từ thủy, hải sản có thương hiệu được người tiêu dùng ưa chuộng như: Ném Kim Thạch, hạt tiêu thương hiệu Vĩnh Linh; các loại thủy hải sản tươi sống, sản phẩm chế biến như: Nước mắm, khô thủy hải sản...
 
Phó Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Linh Nguyễn Thiên Tùng cho biết, nhằm khai thác, phát huy tốt các nguồn lực, tài nguyên du lịch, tận dụng các điều kiện sẵn có của địa phương, tạo bước phát triển mạnh mẽ KT - XH của huyện, thời gian tới, Vĩnh Linh phấn đấu thu hút khoảng 150.000 lượt khách, tổng doanh thu từ du lịch đạt trên 220 tỉ đồng. Hình thành 3 - 5 điểm du lịch sinh thái, cộng đồng kết hợp mô hình dịch vụ homestay ở các địa phương có thế mạnh về văn hóa truyền thống. Đến năm 2030 hoàn thành cơ bản việc đầu tư kết cấu hạ tầng du lịch; khai thác, phát huy hiệu quả thương hiệu du lịch của huyện, tạo bước phát triển cho giai đoạn tiếp theo.
 
Theo ông Tùng, để đạt được những mục tiêu đã đề ra, huyện Vĩnh Linh đang tích cực phối hợp với các cơ quan, ban, ngành liên quan và đơn vị tư vấn trong việc khảo sát lập quy hoạch chi tiết các điểm thương mại - du lịch theo hướng kết hợp hài hòa giữa phát triển kinh tế nông, lâm với việc bảo tồn bản sắc văn hóa địa phương, di tích lịch sử, bảo vệ môi trường sinh thái và bảo vệ lợi ích cộng đồng nhằm phát triển bền vững.
 
Hình thành, phát huy hiệu quả các tuyến du lịch nội tỉnh gắn với huyện Vĩnh Linh; liên kết các điểm tham quan trên địa bàn huyện với các điểm tham quan tại huyện Hướng Hóa, Hải Lăng, đảo Cồn Cỏ để hình thành tuyến du lịch từ các huyện đến Vĩnh Linh và ngược lại; liên kết các công ty lữ hành đón khách du lịch theo tuyến đường Hồ Chí Minh.
 
Đẩy mạnh quảng bá du lịch, tổ chức các sự kiện lễ hội văn hóa - du lịch nhằm tuyên truyền, quảng bá nét đẹp du lịch Vĩnh Linh. Huy động nguồn lực từ ngân sách của tỉnh, huyện và nguồn xã hội hóa để quy hoạch, bảo tồn, tôn tạo một số điểm du lịch trọng tâm của huyện.
 
Đồng thời, chú trọng đào tạo nguồn nhân lực du lịch để nâng cao chất lượng dịch vụ; bồi dưỡng kiến thức cho cộng đồng, hộ gia đình làm du lịch homestay, xây dựng phong cách văn minh trong du lịch. Tăng cường liên kết giữa hoạt động du lịch với các hoạt động sản xuất kinh doanh các mặt hàng truyền thống để tạo ra các sản phẩm du lịch hấp dẫn du khách.
 
 Lê An
Nguồn: Báo Quảng Trị điện tử - baoquangtri.vn