Tam Đường (Lai Châu) - mảnh đất giàu tiềm năng, lợi thế về danh lam, thắng cảnh và thế mạnh sản xuất nông nghiệp hàng hóa. Hiện nay, huyện đang tập trung phát triển du lịch gắn với quảng bá các sản phẩm nông nghiệp (OCOP), qua đó góp phần gia tăng giá trị nông sản, thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển.
Đến thăm các điểm du lịch trên địa bàn huyện Tam Đường (Lai Châu) những ngày giữa tháng 9, chúng tôi được khám phá núi rừng trùng điệp, xanh thẳm gắn với trải nghiệm, mua sắm sản phẩm OCOP mang đậm nét đặc trưng của địa phương. Toàn huyện có 12 sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh với 8 chủ thể (miến dong; cá tầm cắt khúc, cá hồi phi lê; mật ong hoa tự nhiên; chè; ghế mây; chẩm chéo; chuối; chanh leo). Huyện khuyến khích chủ các cơ sở bày bán, quảng bá sản phẩm OCOP cho du khách tại chợ thị xã Sa Pa (tỉnh Lào Cai), Khu du lịch cầu kính Rồng Mây, Nhà hàng Đèo ô Quý Hồ (xã Sơn Bình)… Việc quảng bá sản phẩm OCOP gắn với du lịch của huyện mở ra cơ hội mới cho người dân phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hóa bền vững và thúc đẩy ngành Du lịch địa phương phát triển.
Ông Nguyễn Ngọc Ánh - Chủ tịch Hội đồng Quản trị, kiêm Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp và Dịch vụ Bình Lư cho biết: Hiện nay, HTX trưng bày, quảng bá sản phẩm miến dong đạt chứng nhận OCOP 3 sao ở nhiều điểm du lịch trong và ngoài tỉnh. Trên bao bì sản phẩm miến dong của HTX có mã vạch trích xuất nguồn gốc, xuất xứ nguyên liệu, quy trình sản xuất, chế biến và đóng gói. Thành viên HTX đăng thông tin sản phẩm miến dong vào nhóm Zalo, Facebook của các công ty, doanh nghiệp du lịch trong nước. Nhờ quảng bá sản phẩm miến dong tại các điểm du lịch, HTX thu hút hàng nghìn du khách trong nước đặt mua miến dong. Mỗi năm, HTX cung cấp ra thị trường hơn 200 tấn miến dong, góp phần duy trì thu nhập từ 10-15 triệu đồng/thành viên/tháng.
Gian hàng trưng bày sản phẩm OCOP miến dong đạt tiêu chuẩn 3 sao của Hợp tác xã Nông nghiệp và Dịch vụ Bình Lư tại Bản Km2, xã Bình Lư (huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu) thu hút đông đảo du khách đến mua
Hiện nay, hoạt động dịch vụ, du lịch trên địa bàn huyện Tam Đường (Lai Châu) có bước phát triển khá. Toàn huyện có 10 điểm du lịch được công nhận. Huyện kêu gọi các công ty, doanh nghiệp đầu tư 5 dự án về du lịch với tổng kinh phí 247,4 tỷ đồng. Hàng năm, huyện tổ chức Lễ hội động Tiên Sơn, Tuần Văn hóa - Du lịch, Ngày hội Văn hóa dân tộc Mông… phục vụ nhu cầu thăm quan, ngắm cảnh, tín ngưỡng của Nhân dân, góp phần trưng bày, quảng bá sản phẩm OCOP thu hút khách du lịch. Giai đoạn 2002-2022, huyện đón tiếp trên 800 nghìn lượt khách đến tham quan, du lịch với doanh thu trên 256 tỷ đồng. Các loại hình du lịch, thể thao mạo hiểm của huyện ngày càng phát triển, như: dù lượn, leo núi, chinh phục đỉnh Pu Ta Leng, Tả Liên Sơn và Chu Va 12 ngày càng thu hút du khách. Với lợi thế trên, huyện tích cực quảng bá sản phẩm OCOP gắn với du lịch, góp phần gia tăng giá trị nông sản, thúc đẩy ngành “công nghiệp không khói” phát triển.
Đối với điểm du lịch cộng đồng bản Sì Thâu Chải (xã Hồ Thầu) những năm gần đây, bà con đã thành lập gian hàng bày bán đặc sản địa phương, trong đó có sản phẩm OCOP. Đến Sì Thâu Chải, du khách không chỉ khám phá thiên nhiên, trải nghiệm cuộc sống của đồng bào dân tộc Dao mà còn được trải nghiệm, mua sắm những sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh mang đậm nét đặc trưng của núi rừng Tây Bắc. Đây là hoạt động có ý nghĩa góp phần hình thành điểm tham quan, mua sắm phục vụ du khách đến bản nghỉ dưỡng, góp phần đa dạng hóa sản phẩm dịch vụ du lịch, nâng cao thu nhập cho người dân.
Chị Nguyễn Thị Hương - du khách đến từ thành phố Lào Cai (tỉnh Lào Cai) chia sẻ: 2 năm gần đây, gia đình tôi đã đến tham quan, vãn cảnh một số điểm du lịch cộng đồng trên địa bàn huyện Tam Đường. Tại các điểm du lịch, tôi chọn mua một số sản phẩm OCOP của địa phương đem về làm quà cho người thân, như: miến dong, mật ong hoa tự nhiên, chè và chẩm chéo.
Với lượng du khách và doanh thu từ dịch vụ, du lịch tăng cao, cho thấy huyện Tam Đường đang đi đúng hướng, khai thác hiệu quả việc phát triển du lịch gắn với quảng bá sản phẩm OCOP. Thời gian tới, huyện tiếp tục khai thác lợi thế sẵn có, xây dựng thành công những sản phẩm OCOP trong nhóm dịch vụ du lịch nông thôn, đưa sản phẩm đặc trưng tới du khách thập phương, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương khởi sắc.
Thu Minh