Là tỉnh đông dân nhất Tây Nam Bộ, cách TP Hồ Chí Minh hơn 200km về phía nam, An Giang có truyền thống văn hóa đặc trưng của một thành phố vùng đồng bằng sông Cửu Long với chợ nổi, lễ hội đua ghe, những ngôi chùa Khmer rực rỡ và mùa hoa súng nở rợp mặt sông.
Ở An Giang, trời lúc nào cũng cao, xanh và trong vắt, những đám mây trắng bồng bềnh như kẹo bông trôi thảnh thơi. Cảnh vật đẹp đẽ, con người cũng hiền hòa và mỗi người dân địa phương là một hướng dẫn viên du lịch chất phác, gần gũi, đem lại cho du khách cảm giác vui vẻ, dễ chịu.
Con nước lớn về với vùng đất Bảy Núi mang theo cơ man là cá. Cá được đánh bắt thủ công rồi ủ mắm hoặc xẻ thịt phơi khô. Về chợ Châu Đốc, bạn sẽ thấy một cảnh tượng tấp nập và vui mắt với những sạp cá khô, những vựa mắm thơm nức đủ loại như mắm cá nóc, mắm còng, mắm cá linh rồi khô sặc, khô cá tra, khô cá đuối…, ngó thấy mà thèm. Chợ Châu Đốc còn là nơi bán các sản phẩm từ trái thốt nốt, đặc sản của An Giang. Thốt nốt tươi pha với chút đường và đá ăn vừa mát, vừa bổ, còn các sản phẩm khác như đường thốt nốt, bánh bò thốt nốt, bánh tai yến cũng ngon không kém.
Nhưng có lẽ, hình ảnh đáng nhớ nhất khi đến với An Giang mùa nước nổi vẫn là những cô gái áo bà ba duyên dáng chèo xuồng ba lá, những chàng trai ngạo nghễ trên những dòng sông đỏ nặng phù sa. Hình ảnh đã làm say đắm bao trái tim và đi vào thơ ca. Mùa nước nổi, cũng là mùa của bông điên điển, của những đọt súng dài, hai loại rau ngon đặc sắc khi nhúng sổi với lẩu cá linh. Nếu yêu thích trải nghiệm văn hóa, chỉ cần tìm hiểu trước một chút về lịch trình, bạn sẽ có cơ hội tham gia những hoạt động đặc sắc như lễ hội Bà chúa Xứ, đua ghe trên sông Hậu, đua bò chùa Rô, hay lễ hội của người Chăm... diễn ra cùng với mùa nước nổi. Những trải nghiệm ấn tượng này sẽ mang đến cho bạn nhiều cảm xúc thú vị và những bức ảnh đẹp.
Kết thúc một ngày với hành trình sông nước và những món ăn đặc sản, An Giang còn ưu ái dành cho du khách ánh hoàng hôn bên bờ Tha La lãng mạn và bình yên như một phần thưởng cho những ai đặt chân đến vùng đất xinh đẹp này.
Bài và ảnh: Khánh Phan