Để thúc đẩy du lịch phát triển bền vững, xứng đáng là ngành kinh tế động lực của tỉnh, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Lâm Đồng đã phối hợp với Trung tâm Xúc tiến đầu tư, Thương mại và Du lịch và Hiệp hội Du lịch tỉnh tổ chức nhiều hoạt động nhằm thúc đẩy ngành "công nghiệp không khói” phát triển. Trong đó, phải nhắc đến các hoạt động xúc tiến liên kết với các vùng nhằm quảng bá, giới thiệu và hỗ trợ các doanh nghiệp du lịch kết nối để cùng phát triển.
Với điều kiện đặc thù về khí hậu, cảnh quan, Lâm Đồng có lợi thế rất lớn để phát huy những thế mạnh, đặc trưng về sản phẩm du lịch khi liên kết với các tỉnh, thành khác để thu hút khách du lịch, đặc biệt là khách du lịch nội địa. Vì vậy, tỉnh Lâm Đồng mà cụ thể là Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thời gian qua đã phối hợp với Trung tâm Xúc tiến đầu tư, Thương mại và Du lịch và Hiệp hội Du lịch ký kết và triển khai nhiều chương trình liên kết phát triển du lịch với các địa phương có thị trường du lịch tiềm năng như: Kiên Giang, TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Thuận, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Quảng Nam, Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế, Quảng Bình, Quảng Trị, Nghệ An, Hà Nội. Thông qua các chương trình hợp tác này, Lâm Đồng cùng các tỉnh, thành khác không chỉ hỗ trợ nhau phát triển về tour tuyến, quảng bá hình ảnh du lịch của địa phương để thu hút du khách mà còn có những thoả thuận, định hướng trong phát triển hạ tầng du lịch, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh du lịch, các hoạt động phục vụ du lịch, hợp tác phát triển nguồn nhân lực du lịch… Có thể kể ra các chương trình liên kết đã tạo nên các tuyến du lịch độc đáo với các sản phẩm du lịch khác biệt, góp phần thu hút khách, đặc biệt là khách quốc tế đến các địa phương như: “Rừng và Biển” nối liền Đà Lạt với Nha Trang; “Chợ Bến Thành - Hoa Đà Lạt - Biển Mũi Né” kết nối TP Hồ Chí Minh với Đà Lạt và Bình Thuận; “Nắng Phan Rang, mưa Đà Lạt” kết nối TP Đà Lạt và tỉnh Ninh Thuận…
Có thể nói rằng, ở khu vực miền Trung thì tuyến du lịch Hoa và Di sản kết nối TP Đà Lạt với các tỉnh Quảng Nam, Thừa Thiên Huế, Quảng Bình, Quảng Trị và TP Đà Nẵng là tuyến có nhiều tiềm năng và lợi thế nhất. Theo số liệu thống kê của Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Lâm Đồng, trong giai đoạn 2016 - 2019, lượng khách du lịch từ các tỉnh miền Trung đến Đà Lạt - Lâm Đồng tăng mạnh, thị phần khách du lịch nội địa từ các tỉnh miền Trung đến Lâm Đồng chiếm 30% thị trường khách du lịch nội địa của tỉnh Lâm Đồng. Phát huy lợi thế so sánh trong phát triển du lịch của Lâm Đồng với “con đường di sản”, những danh lam, thắng cảnh, biển đảo, những di tích lịch sử, di sản thiên nhiên, văn hóa, lễ hội dân gian truyền thống đặc sắc cùng với những sản phẩm du lịch đặc trưng của Lâm Đồng như du lịch nghỉ dưỡng, du lịch chăm sóc sức khỏe, tham quan, nghỉ dưỡng, khám phá văn hóa núi rừng Cao nguyên… Với hệ thống giao thông đường bộ, đường hàng không và các loại hình dịch vụ vận chuyển hành khách ngày càng phát triển thì có thể thấy đây là khu vực có nhiều lợi thế để liên kết thành chuỗi sản phẩm du lịch phong phú, đặc trưng, trong đó Đà Lạt - Lâm Đồng sẽ có tiềm năng, lợi thế trở thành tâm điểm, là điểm đến thu hút sự quan tâm của du khách miền Trung và ngược lại.
Để tiếp tục đẩy mạnh kết nối khai thác phát triển thị trường này, Sở Văn hoá,Thể thao và Du lịch Lâm Đồng đã tổ chức chương trình xúc tiến và tổ chức ký kết “Bản ghi nhớ hợp tác, cùng nghiên cứu hợp tác phát triển du lịch” giữa Hiệp hội Du lịch Lâm Đồng và Hiệp hội Du lịch các tỉnh miền Trung nhằm đẩy mạnh hợp tác phát triển dịch vụ, sản phẩm du lịch, phát triển quan hệ hợp tác truyền thông quảng bá, xúc tiến phù hợp chiến lược phát triển du lịch giữa các địa phương, thúc đẩy gia tăng lượt khách tham quan, gia tăng số ngày lưu trú của khách.
Tuy nhiên, phát triển du lịch bền vững ngoài nỗ lực của ngành và các doanh nghiệp du lịch, còn đòi hỏi thực hiện đồng bộ, tổng thể nhóm giải pháp về phát triển kinh tế, xã hội, môi trường và cả các giải pháp đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông... Như ý kiến của giám đốc một hãng lữ hành cho rằng: “Du lịch muốn phát triển thì hệ thống giao thông cũng phải phát triển. Hiện các tỉnh miền Trung đều có sân bay đủ tiêu chuẩn nhưng các chuyến bay đến sân bay Liên Khương không phải tỉnh nào ở miền Trung cũng có, hiện chỉ có Huế và Nghệ An, Đà Nẵng là có chuyến bay đến Đà Lạt. Còn đường bộ thì có nhiều nhà xe, tuyến xe, tuy nhiên hạ tầng giao thông vẫn còn nhiều hạn chế, dẫn đến mất nhiều thời gian di chuyển. Hy vọng thời gian tới, các địa phương sẽ cùng liên kết, hợp tác để cải thiện các tuyến đường bộ, mở thêm các tuyến bay”.
Nguyễn Nghĩa