Bắc Kạn lưu giữ và phát huy trang phục truyền thống

Cập nhật:12/12/2022 16:55:19
Tỉnh Bắc Kạn có 34 dân tộc thiểu số sinh sống nhưng chiếm tỷ trọng lớn nhất là các dân tộc Tày, Nùng, Dao, Mông, Sán Chay, Hoa. Sau 2 năm triển khai, Đề án “Bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số Việt Nam trong giai đoạn hiện nay” trên địa bàn tỉnh đã góp phần tôn vinh, nâng cao lòng tự hào, ý thức bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống phổ biến trong đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số, đồng thời lan tỏa những giá trị tốt đẹp tới cộng đồng, xã hội.
 
Người Dao xã Quảng Khê (Ba Bể) bảo tồn, lưu giữ trang phục truyền thống. Ảnh: Đăng Hải
 
Triển khai Đề án này, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tiến hành khảo sát, kiểm kê, đánh giá trang phục truyền thống của các dân tộc Tày, Nùng, Sán Chay, Mông, Dao tại 63 xã, phường, thị trấn thuộc 8 huyện, thành phố còn lưu giữ được trang phục truyền thống để nhận diện về trang phục.
 
Theo đó, trang phục truyền thống của dân tộc Tày tại các địa phương đến thời điểm hiện tại vẫn được bảo tồn khá tốt so với các dân tộc khác. Hiện nay, ở một số địa phương còn duy trì và thường xuyên mặc trang phục truyền thống như các xã: Bình Văn (Chợ Mới); Cường Lợi, Xuân Dương, Trần Phú (Na Rì); Nam Mẫu, Khang Ninh (Ba Bể); Bằng Vân, Đức Vân (Ngân Sơn).
 
Trang phục của dân tộc Nùng qua khảo sát, kiểm kê tại một số huyện chỉ có xã Cao Sơn (Bạch Thông) người dân ở đây sử dụng trong sinh hoạt thường ngày, học sinh tiểu học và trung học mặc trang phục truyền thống làm đồng phục, còn ở các địa phương khác như Xuân Dương, Dương Sơn (Na Rì), Thượng giáo (Ba Bể) và Đức Vân (Ngân Sơn) mặc vào những dịp lễ tễt, ngày hội văn hóa các dân tộc, ngày hội đại đoàn kết...
 
Đối với trang phục truyền thống của người Sán Chay (Sán Chỉ) ở xã Bộc Bố (Pác Nặm) còn được sử dụng và bảo tồn khá nguyên vẹn, trang phục được sử dụng khá thường xuyên trong sinh hoạt hằng ngày, các sự kiện quan trọng như lễ, tết, các dịp sinh hoạt văn hóa, lễ hội truyền thống của địa phương, thậm chí cả khi đi chợ phiên.
 
Trang phục dân tộc Mông, hiện nay được một số địa phương sử dụng trong đám cưới. Còn việc duy trì và thường xuyên mặc trang phục truyền thống hằn ngày thì hiện đã bị mai một, thay vào đó người dân tộc Mông mặc trang phục giống người Kinh để thuận tiện cho sinh hoạt hằng ngày.
 
Trang phục truyền thống của dân tộc Dao tại các địa phương đến thời điểm hiện tại vẫn được bảo tồn khá tốt so với các dân tộc khác. Tuy nhiên, do sự phát triển của xã hội, thói quen sử dụng trang phục truyền thống của người dân dần thay đổi, trang phục truyền thống dường như không được sử dụng trong sinh hoạt thường ngày vì đặc điểm của trang phục khá bất tiện trong sinh hoạt và lao động sản xuất, cho nên bà con chỉ sử dụng vào các dịp lễ, tết, ngày hội của dân tộc và một số địa phương vẫn sử dụng trang phục trong đám cưới. Ở một số địa phương còn duy trì và thường xuyên mặc trang phục truyền thống như các xã Bình Trung, Ngọc Phái, Xuân Lạc (Chợ Đồn); Đổng xá (Na Rì).
 
Trong 2 năm triển khai Đề án, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phối hợp với các huyện Ba Bể, Pác Nặm và thành phố Bắc Kạn xây dựng được 3 cụm pa nô tuyên truyền về trang phục truyền thống dân tộc thiểu số; phối hợp với Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh lựa chọn 8 thôn thuộc 8 huyện, thành phố để tổ chức tập luyện, trình diễn trang phục truyền thống lồng ghép trong chương trình văn nghệ chào mừng của Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc năm 2022, qua đó tạo thêm động lực, góp phần bảo tồn các giá trị văn hóa của mỗi địa phương.
 
Tuy nhiên, công tác bảo tồn lưu giữ trang phục truyền thống dân tộc thiểu số còn gặp nhiều khó khăn do nguồn kinh phí được cấp cho công tác khảo sát, kiểm kê, bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống còn hạn chế. Chi phí để tự dệt, may một bộ trang phục truyền thống có giá thành cao, mất nhiều thời gian trong khi một bộ trang phục thông thường giá thành rẻ và phù hợp với xu thế và giới trẻ hiện nay.
 
Theo Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Chương, để tiếp tục bảo tồn và phát huy trang phục truyền thống tại các địa phương, trong thời gian tới cần tiếp tục tuyên truyền các chủ trương của Đảng và Nhà nước về giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc để người dân trên địa bàn tỉnh luôn nhận thức được việc bảo tồn phát huy trang phục truyền thống của dân tộc mình là việc làm cần thiết. Cần có chính sách, biện pháp khôi phục và bảo tồn nghề dệt, may trang phục truyền thống của đồng bào các dân tộc mà hiện nay đang ngày càng mất đi vị trí, vai trò trong cộng đồng các dân tộc thiểu số, mất đi những giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc, bản sắc văn hóa của tộc người. Đồng thời gắn việc khôi phục các làng nghề truyền thống với phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đặc biệt là phát triển du lịch tại địa phương.
 
Cùng với đó ban hành các quy định, khuyến khích học sinh các trường tiểu học, trung học cơ sở trên địa bàn mặc trang phục truyền thống vào các ngày đầu tuần, ngày lễ... nhằm từng bước bảo tồn, phát huy tốt giá trị của trang phục truyền thống trong đời sống của đồng bào các dân tộc trên địa bàn tỉnh. Đồng thời tuyên truyền, giáo dục, tổ chức các buổi sinh hoạt ngoại khóa, dạy nghề cắt, may trang phục truyền thống cho học sinh.
 
Tăng cường tổ chức các hoạt động sinh hoạt văn hóa cộng đồng như biểu diễn văn nghệ dân gian, trình diễn trang phục dân tộc, hoạt động lễ hội... nhằm khuyến khích, tạo môi trường thuận lợi để đồng bào có điều kiện, cơ hội phát huy nét đẹp trong trang phục truyền thống của dân tộc mình. Khuyến khích địa phương mở quầy bán trang phục truyền thống của các dân tộc thiểu số để phục vụ nhu cầu của bà con Nhân dân cũng như khách du lịch./.
 
Thu Trang
Nguồn: Cổng TTĐT tỉnh Bắc Kạn - backan.gov.vn