Diện mạo mới ở tháp Bánh Ít, Bình Định

Cập nhật:10/01/2023 17:11:57
Sau hơn một năm triển khai dự án xây dựng, tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị tháp Bánh Ít (xã Phước Hiệp, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định), không gian cảnh quan di tích nay khang trang hẳn, sẵn sàng đón khách đến tham quan trở lại.
Tháp Bánh Ít là 1 trong 8 cụm tháp Chăm còn lại ở Bình Định, là cụm có nhiều tháp nhất với 4 kiến trúc, gồm: Tháp Cổng, tháp Bia, tháp Hỏa, tháp Chính; là nét giao hòa giữa hai phong cách kiến trúc tháp Chăm - từ phong cách Mỹ Sơn A1 sang phong cách Bình Định, có niên đại khoảng cuối thế kỷ XI đầu thế kỷ XII.
 
Tháp Bánh Ít được xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia năm 1982 và được đưa vào giới thiệu trong cuốn sách “1.001 công trình kiến trúc phải đến trong cuộc đời” của một nhóm tác giả người Anh, do cây bút chuyên viết về kiến trúc Mark Irving làm Tổng Chủ biên, Quintessence (Anh) xuất bản. Đây là công trình kiến trúc cổ duy nhất của Việt Nam có mặt trong cuốn sách này.
 
 
Tháp Bánh Ít với diện mạo mới đã đón du khách nước ngoài đến tham quan. Ảnh: Sở Văn hóa và Thể thao
 
Những năm qua, tỉnh Bình Định rất quan tâm đến công tác trùng tu, tôn tạo hệ thống các di tích tháp Chăm. Riêng tháp Bánh Ít được đầu tư chống sập năm 1998; năm 2000 - 2003, tháp được tu bổ bằng gạch Chăm phục chế tại một số vị trí bị hư hỏng, mủn mục (tổng kinh phí khoảng 2,5 tỷ đồng).
 
Từ tháng 8/2014 - 6/2016, tháp Bánh Ít được đầu tư xây dựng thêm đường bậc cấp lên tháp, đường giao thông phía Tây lên tháp, bãi đậu xe, tường rào phía Đông, mương thoát nước, sửa chữa khu nhà bảo vệ, nhà vệ sinh, hệ thống điện chiếu sáng… với tổng kinh phí hơn 5,1 tỷ đồng.
 
Năm 2020, tháp Chính và tháp Hỏa của cụm tháp Bánh Ít được Công ty CP Du lịch Casa Marina Resort (TP Quy Nhơn) tài trợ lắp đặt hệ thống điện chiếu sáng mỹ thuật. Từ năm 2021 - 2022, tỉnh tiếp tục đầu tư kinh phí hơn 23,7 tỷ đồng thực hiện Dự án xây dựng, tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị di tích tháp Bánh Ít.
 
Ông Tạ Xuân Chánh, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao, cho biết: “Sau hơn một năm triển khai thực hiện dự án nói trên, với các hạng mục xây dựng, như đường nội bộ, khu chức năng; hạ tầng cảnh quan, vệ sinh; xếp đá ong ron cỏ tại các khu vực khuôn viên sân tháp Chính; di dời đường điện trung thế để tạo cảnh quan không gian, lắp đặt thêm đèn chiếu sáng…, di tích tháp Bánh Ít đã mang diện mạo mới, đáp ứng tốt hơn nhu cầu tham quan, nghiên cứu đối với du khách trong và ngoài nước; qua đó, góp phần phát huy giá trị di tích các tháp Chăm ở Bình Định trong việc phát triển du lịch văn hóa”.
 
Hiện, Sở Văn hóa và Thể thao tạm giao cho Bảo tàng tỉnh quản lý, tiếp tục đón khách đến tham quan di tích tháp Bánh Ít trong dịp tết Nguyên đán Quý Mão 2023. Ông Bùi Tĩnh, Giám đốc Bảo tàng tỉnh, cho biết: “Ngay khi tiếp nhận việc quản lý tháp Bánh Ít, đơn vị đã có kế hoạch phân công người trực bảo vệ, xử lý vệ sinh môi trường, thu phí tham quan; đồng thời, cho lắp đặt thêm các bảng có gắn mã QR để du khách quét mã, tìm hiểu, bố trí thuyết minh viên phục vụ du khách đến tham quan dịp Tết…”.
 
Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Tạ Xuân Chánh cho biết thêm: Với khu chức năng tại tháp Bánh Ít được xây dựng mới, chúng tôi sẽ tham mưu UBND tỉnh việc trưng bày các hiện vật Champa, sa bàn thể hiện 8 cụm tháp Chăm ở Bình Định, xây dựng không gian trưng bày hiện vật 3D theo mô hình bảo tàng ảo. Về lâu dài, ngành văn hóa sẽ xây dựng đề án tham mưu UBND tỉnh tổ chức các hoạt động văn hóa, nghệ thuật tại tháp Bánh Ít cũng như các tháp Chăm khác để phục vụ du khách. Ví dụ chúng tôi sẽ tham mưu UBND tỉnh tổ chức các chương trình biểu diễn múa Chăm… vào các đêm cuối tuần tại tháp Bánh Ít; phối hợp với ngành du lịch tỉnh kết nối với các DN du lịch thực hiện các tour du lịch văn hóa đến với các tháp Chăm, di tích lịch sử, văn hóa. Chúng tôi cũng sẽ phối hợp ngành văn hóa các tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận tổ chức giao lưu biểu diễn các chương trình nghệ thuật mang màu sắc văn hóa Chăm để chia sẻ kinh nghiệm, quảng bá giá trị văn hóa Champa trong phát triển du lịch giữa các địa phương…
 
Đoàn Ngọc Nhuận
Nguồn: Báo Bình Định - baobinhdinh.vn