Năm 2013: Du lịch Việt tiếp đà bay xa
Cập nhật:21/02/2013 08:17:00
Năm 2012, trong điều kiện tăng trưởng kinh tế nhiều nước bị suy giảm nhưng lượng khách quốc tế đến Việt Nam đã đạt kỷ lục với gần 7 triệu lượt người. Đây là thành quả của một năm hoạt động hết sức tích cực của ngành du lịch giúp quảng bá mạnh mẽ hình ảnh đất nước và con người Việt Nam đến khắp thế giới.
Bước sang năm 2013, ngành du lịch kỳ vọng sẽ tiếp đà bay cao, bay xa hơn nữa, góp phần đưa Việt Nam tiếp tục trở thành điểm đến thân thiện, hấp dẫn cho hàng triệu du khách trên thế giới.
Điểm đến hấp dẫn, chất lượng
Trong năm 2012, ngành du lịch đã triển khai hàng loạt hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch Việt Nam thông qua các sự kiện lớn tại nước ngoài; tuyên truyền trên truyền hình, truyền thông đa phương tiện và nghệ thuật biểu diễn; tổ chức các đoàn khảo sát thực tế (famtrip) chuyên ngành du lịch; tổ chức các chương trình phát động du lịch thị trường; thiết lập, cung cấp hệ thống cơ sở dữ liệu, thông tin du lịch Việt Nam phục vụ xúc tiến, quảng bá du lịch; tăng cường công tác nghiên cứu thị trường, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ làm công tác xúc tiến; đa dạng hóa các phương thức cung cấp thông tin, dịch vụ du lịch...
Theo kết quả điều tra nhân dịp hội nghị hàng năm của Hiệp hội Du lịch Mỹ (USTOA), Việt Nam đứng thứ 2 trong số các điểm đến mới nổi được du khách quốc tế lựa chọn cho năm 2013 (cùng với Myanmar và Ấn Độ.
Những hoạt động đó đã cơ bản tạo dựng hình ảnh mới mẻ hơn cho du lịch Việt Nam.
Bên cạnh đó, ẩm thực cũng là một nét đặc trưng riêng biệt góp phần tạo nên ấn tượng cho du lịch Việt Nam đối với du khách quốc tế. Đây cũng là một kênh hiệu quả mà ngành du lịch nước ta đã khai thác và phát huy trong việc góp phần làm mới hình ảnh du lịch văn hóa, ẩm thực đất nước. Ẩm thực Việt đang được các hãng du lịch lữ hành quảng bá mạnh mẽ.
Đã có 12 món ăn Việt Nam được công nhận là những món ăn mang giá trị ẩm thực châu Á gồm: phở Hà Nội, bún chả Hà Nội, cơm tấm Sài Gòn, bánh đa cua Hải Phòng, bún bò Huế, bánh khọt Vũng Tàu, phở khô Gia Lai... Đây cũng là sự khẳng định tinh hoa ẩm thực Việt và là một cách thu hút du khách đến với Việt Nam để không chỉ khám phá phong cảnh thiên nhiên, con người Việt Nam mà còn là một cách tận hưởng tinh hoa ẩm thực một cách chủ động.
Ngoài ra, du lịch Việt Nam đã từng bước làm mới mình bằng nhiều giải pháp khác nhau, như tập trung nâng cấp cơ sở hạ tầng du lịch, cư trú, tuyến điểm du lịch tại hầu hết cả địa phương trong cả nước. Bản thân doanh nghiệp lữ hành đã chủ động trong đào tạo và nâng cao trình độ và chất lượng cho đội ngũ hướng dẫn viên du lịch từ nghiệp vụ hướng dẫn đến khả năng giao tiếp ngoại ngữ.
Ngoài ra, chủ trương mỗi làng một sản phẩm du lịch và những quà tặng đặc trưng cho du lịch địa phương hiện đang được các địa phương trong cả nước từng bước xác định và tiến hành thực hiện. Điển hình là việc Văn phòng UNESCO Hà Nội phối hợp với UBND tỉnh Quảng Nam tổ chức khởi động dự án “Hỗ trợ phát triển sản phẩm thủ công dấu ấn tại điểm di sản thế giới”.
Các cơ quan chức năng, đơn vị, doanh nghiệp trong ngành đã chủ động liên kết để cùng nhau hỗ trợ phát triển du lịch một cách đồng bộ và hiệu quả với nhiều chương trình cụ thể, điển hình như tam giác phát triển du lịch TP.HCM - Bình Thuận - Lâm Đồng hay tứ giác du lịch vùng ĐBSCL gồm Cần Thơ - An Giang - Kiên Giang - Cà Mau hay Đà Nẵng - Quảng Nam - Huế,... Đồng thời, ngành du lịch cũng chủ động liên kết hợp tác phát triển du lịch với nhiều quốc gia trên thế giới, đặc biệt là tại các thị trường trọng điểm như Hàn Quốc, Nhật Bản, Nga, Đức,... đã mang lại những thành công nhất định trong việc gia tăng hình ảnh sống động, phong phú, hấp dẫn, mới mẻ cho du lịch Việt Nam, đồng thời mang lại hiệu quả cao trong việc gia tăng giá trị và vị thế cho du lịch Việt Nam trở thành điểm đến không thể bỏ qua của du khách quốc tế trong lựa chọn điểm đến du lịch.
3 mục tiêu trong năm mới
Để đạt mục tiêu năm 2013 là đón 7,2 triệu lượt khách quốc tế, phục vụ 35 triệu lượt khách nội địa, tổng thu từ du lịch đạt 190 ngàn tỷ đồng, trong năm 2013, ngành du lịch tiếp tục coi trọng việc hợp tác quốc tế trên cả phương diện song phương và đa phương với mục tiêu tranh thủ hợp tác, kinh nghiệm, hỗ trợ của các nước và các tổ chức quốc tế nhằm đẩy mạnh giới thiệu, quảng bá hình ảnh du lịch Việt Nam.
Theo kết quả bình chọn thường niên của Tạp chí du lịch danh tiếng thế giới Conde Nast Traveler vừa công bố tại New York (Mỹ), trong số “20 khách sạn hàng đầu Đông Nam Á”, khách sạn 111 tuổi Sofitel Legend Metropole Hanoi thuộc TOP 3, ngoài ra còn có Park Hyatt Saigon và Sheraton Saigon. Trong số “15 khu nghỉ dưỡng hàng đầu châu Á”, Life Heritage Resort Hội An và The Nam Hải xếp thứ 10 và 14. Đặc biệt, lần đầu tiên, Hội An được lọt vào danh sách “10 thành phố du lịch hàng đầu châu Á”.
Tại cuộc gặp gỡ với các doanh nghiệp trong lĩnh vực du lịch ở TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam cuối năm 2012, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hồ Anh Tuấn cho biết Chương trình kích cầu du lịch 2013 nhắm đến 3 mục tiêu cụ thể gồm: thúc đẩy tăng trưởng khách du lịch nội địa và khách du lịch từ các thị trường trọng điểm nhằm đạt kết quả 7,2 triệu lượt khách quốc tế và 35 triệu lượt khách nội địa; tạo dựng Việt Nam trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn và chất lượng đối với khách du lịch; thu hút sự quan tâm và làm tăng nhận thức của các ngành, các cấp, các nhà cung ứng dịch vụ và người dân về du lịch.
Để thu hút du khách nước ngoài, Bộ VHTTDL sẽ tổ chức các chuyến famtrip cho các hãng lữ hành và báo chí nước ngoài, với sự tham dự của các khách sạn từ 2 - 5 sao, các nhà hàng, doanh nghiệp lữ hành, hãng vận chuyển, hãng hàng không, các điểm du lịch, mua sắm…; tổ chức tour mẫu, thông tin về chất lượng dịch vụ, giá cả; khuyến khích tổ chức các chương trình giới thiệu quảng bá điểm đến Việt Nam thông qua khẩu hiệu “Việt Nam - Vẻ đẹp bất tận” tại các thị trường trọng điểm và tiềm năng ở nước ngoài và tại các sự kiện nhân Năm du lịch quốc gia đồng bằng sông Hồng - Hải Phòng 2013.
Công Trí
Nguồn: Chinhphu.vn