Khởi sắc du lịch văn hóa, tâm linh ở Tây Ninh

Cập nhật:10/02/2023 13:52:13
Tây Ninh định hướng đến năm 2030, du lịch sẽ phát triển thành ngành kinh tế mũi nhọn, đóng góp hơn 10% GRDP. Tốc độ tăng trưởng doanh thu du lịch tăng bình quân hằng năm từ 25%/năm trở lên. Chi tiêu bình quân khách du lịch đến Tây Ninh đạt hơn 1,3 triệu đồng/người/ngày.
 
Du khách tham quan đỉnh Núi Bà Đen, Tây Ninh
 
Tăng cả lượng và chất
 
Báo cáo kinh tế-xã hội tháng 01/2023 của Ủy ban nhân dân tỉnh Tây Ninh ghi nhận, hoạt động du lịch khởi sắc ngay từ đầu năm, đặc biệt tăng nhiều dịp Tết.
 
Theo đó, lượng khách tham quan tại các điểm du lịch tăng 24,4% so cùng kỳ. Tổng doanh thu du lịch đạt 524 tỷ đồng, tăng 153,3% so cùng kỳ.
 
Riêng Khu Du lịch quốc gia núi Bà Đen có ngày đón gần 190 nghìn lượt khách tới tham quan. Từ đó, doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống, du lịch lữ hành và dịch vụ khác trên địa bàn ước đạt 1.834 tỷ đồng, tăng 15,74% so cùng kỳ năm trước.
 
Để lý giải “hiện tượng” này, chúng ta rất dễ thấy vào tháng Giêng hằng năm, có hàng triệu người hành hương về núi Bà Đen. Và chỉ tính riêng 15 ngày Tết năm nay, có đến 1,5 triệu người đi cáp treo lên đỉnh núi. Rất nhiều người xem đến núi Bà Đen là việc phải làm hằng năm.
 
Anh Lê Ngọc Thiện (Thành phố Hồ Chí Minh) cho biết, năm nào tôi cũng lên đỉnh núi Bà Đen cầu sức khỏe, tài lộc. Không chỉ tỏ lòng tôn kính với Linh Sơn Thánh Mẫu, tôi còn lên đỉnh núi để khấn cầu trước Phật Bà Tây Bổ Đà Sơn, cảm giác như đã đến miền đất Phật.
 
Cũng trong tháng Giêng, Tây Ninh có rất nhiều lễ hội văn hóa, tâm linh mang bản sắc độc đáo. Chính vì vậy, hàng trăm nghìn du khách các nơi cũng đổ về đây để tham gia như muốn gửi khát vọng tốt lành cho bản thân và gia đình.
 
Thí dụ như ngày mùng 4 Tết Nguyên đán, Tây Ninh đã khai mạc Hội Xuân núi Bà Đen với chủ đề “Hương sắc Tây Ninh”. Đây là hoạt động lễ hội thường niên nhân dịp đón năm mới, được tổ chức từ ngày mùng 4 đến ngày 16 tháng Giêng Âm lịch.
 
Riêng đối với đông đảo tín đồ Cao Đài ở miền nam, triển lãm mừng Đại lễ vía Đức Chí Tôn năm Quý Mão 2023 trong tháng Giêng mới là ngày trọng đại.
 
Năm nay, Hội thánh Cao Đài Tòa thánh Tây Ninh thực hiện chương trình Đại lễ vía Đức Chí Tôn với 32 mô hình triển lãm tuy mộc mạc nhưng hàm chứa những ý tưởng cao đẹp.
 
Sự kiện thu hút đông đảo các tín đồ khắp Nam Bộ và du khách, đã gợi lên trong lòng người thưởng ngoạn tinh thần đạo đức tốt đẹp của dân tộc, kêu gọi sự hoà hợp, thương yêu, phát huy giá trị nhân văn.
 
Và ngay dịp Tết Nguyên tiêu (rằm tháng Giêng), Chợ Lá (Hòa Thành) nổi tiếng khắp vùng Đông Nam Bộ đã họp chợ với sự độc đáo khi sử dụng lá cây thay cho tiền mặt.
 
Trước đây, Chợ Lá này chỉ có người dân địa phương tham gia, vài năm gần đây thì được nhiều du khách biết đến nên rất nổi tiếng. Chợ bày bán các món đặc sản Tây Ninh dân dã như chè đậu, cốm, xôi, sữa đậu nành, bắp, bánh ít, khoai...
 
Các mặt hàng tại chợ không được định giá, người mua chỉ cần đưa lá cho người bán là sẽ “mua” được quà. Phiên chợ này muốn nhắn nhủ rằng tiền bạc chỉ là phương tiện, vật chất phù du như lá. Vì thế, cần giữ tấm lòng thiện lương, không để đồng tiền chi phối mà đánh mất chính mình.
 
Nếu cần an yên hơn, chùa Tây Pháp (Trảng Bàng) là lựa chọn hợp lý. Chùa còn được gọi là chùa Hàn Quốc bởi các công trình được xây dựng đan xen lẫn nhau với cỏ, cây, hoa lá. Một vườn hoa anh đào rực rỡ sắc hồng xen với những ngôi nhà gỗ mang lối kiến trúc của cổ trang Hàn Quốc.
 
Là một điểm du lịch tâm linh nên chùa Tây Pháp không thu vé vào cổng và thường xuyên tổ chức các buổi thiền trà, giảng pháp và khóa tu dã ngoại, truyền bá những giáo lý tốt đẹp của nhà Phật đến mọi người. Ngoài loài hoa anh đào làm chủ đạo thì ở đây còn có trồng nhiều loại hoa khác như sen, súng, cúc vàng, hướng dương, hoa ngũ sắc, bất tử…
 
Lấy du lịch làm ngành mũi nhọn
 
Theo định hướng của tỉnh Tây Ninh, đến năm 2030 du lịch sẽ phát triển thành ngành kinh tế mũi nhọn, đóng góp hơn 10% GRDP. Tốc độ tăng trưởng doanh thu du lịch tăng bình quân hằng năm từ 25%/năm trở lên. Chi tiêu bình quân khách du lịch đến Tây Ninh đạt hơn 1,3 triệu đồng/người/ngày.
 
Tuy nhiên, với cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch chưa đồng bộ, hệ thống các dịch vụ bổ trợ, các cơ sở vui chơi giải trí còn thiếu (tỉnh chỉ có 1 khách sạn 5 sao, 1 khách sạn 3 sao và 11 khách sạn 2 sao), Tây Ninh cần những điểm nhấn quan trọng để thu hút du khách lưu lại nhiều hơn, chi tiêu nhiều hơn.
 
Mới nhất, Ủy ban nhân dân tỉnh đã chỉ đạo tổ chức lễ hội “Nghệ thuật chế biến món ăn chay tỉnh Tây Ninh lần I năm 2023” nhằm phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể quốc gia và quảng bá hình ảnh của tỉnh đến với du khách. Lễ hội diễn ra trong 3 ngày, từ ngày 27-29 tháng Giêng dự kiến sẽ thu hút hàng trăm nghìn người theo đạo Phật và Cao Đài (ăn chay ít nhất 10 ngày/tháng) và du khách thập phương.
 
Ủy ban nhân dân tỉnh Tây Ninh xác định, trong kế hoạch phát triển du lịch tỉnh Tây Ninh đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030, tỉnh tập trung triển khai phát triển sản phẩm du lịch gắn với lễ hội và tín ngưỡng như Hội yến Diêu Trì cung, Hội xuân Núi Bà Đen, lễ vía Bà Linh Sơn Thánh Mẫu, lễ hội Kỳ yên đình Gia Lộc, lễ hội Quan lớn Trà Vong.
 
Vì vậy, cần đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông nhằm kết nối nhanh, đồng bộ du lịch Tây Ninh và các tỉnh, thành phố phụ cận qua các tuyến cao tốc và đầu tư các tuyến giao thông thủy, đường bộ nội tỉnh nhằm kết nối vùng Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ.
 
Đối với cơ sở lưu trú, tỉnh Tây Ninh khuyến khích phát triển cơ sở lưu trú đạt tiêu chuẩn từ 3 sao trở lên; phát triển và nâng cao chất lượng dịch vụ ăn uống; phát triển hệ thống các cơ sở thương mại-dịch vụ; phát triển và xây dựng thương hiệu ẩm thực truyền thống đặc sắc của địa phương.
 
Bên cạnh đó, ngành Du lịch Tây Ninh đang tăng cường công tác xúc tiến, quảng bá du lịch, thu hút du khách; đồng thời phát triển các tuyến du lịch quốc tế bằng đường bộ từ Campuchia qua các cửa khẩu quốc tế Mộc Bài và Xa Mát.
 
Dương Minh Anh
Nguồn: Báo Nhân Dân - nhandan.vn