Những năm gần đây, liên kết phát triển du lịch giữa các địa phương, vùng, miền đã được chú trọng và được coi là “cái bắt tay” đáng mong đợi trong phát triển du lịch. Bên cạnh việc bắt tay cùng nhau vượt khó, các mối liên kết còn đang tạo ra sự đa dạng, phong phú trong các sản phẩm du lịch.
Năm 2022 là năm thứ hai thực hiện thỏa thuận về hoạt động liên kết phát triển du lịch giữa Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh Đông Bắc gồm Bắc Kạn, Bắc Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Vĩnh Phúc và Quảng Ninh giai đoạn 2020 - 2025. Tuy nhiên, đây cũng là năm cả nước vẫn đang chịu ảnh hưởng bất lợi do tình hình dịch bệnh Covid-19, dẫn đến hoạt động du lịch của cả nước nói chung và hoạt động liên kết hợp tác phát triển du lịch giữa 8 tỉnh Đông Bắc và Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng gặp nhiều khó khăn, trở ngại.
Tỉnh Bắc Kạn giới thiệu các sản phẩm quà tặng du lịch tại Hội nghị tổng kết hoạt động liên kết phát triển du lịch
giữa Thành phố Hồ Chí Minh và 8 tỉnh Đông Bắc
Tỉnh Bắc Kạn với vai trò là đơn vị Trưởng nhóm liên kết đã chủ động phối hợp với các địa phương để ban hành kế hoạch triển khai các hoạt động liên kết hợp tác phát triển du lịch một cách phù hợp với tình hình dịch bệnh Covid-19, trong đó lựa chọn một số nhiệm vụ trọng tâm để ưu tiên thực hiện, đổi mới về hình thức hợp tác nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả liên kết; một số địa phương ngay sau khi cơ bản kiểm soát được tình hình dịch bệnh đã mở cửa đón khách du lịch trở lại và bước đầu có sự phục hồi tích cực. Qua thống kê, năm 2022, tổng lượt khách tham quan và lưu trú du lịch của 9 tỉnh, thành trong chương trình liên kết đạt 52.712 triệu lượt (trong đó có 2.358 triệu lượt khách du lịch quốc tế), thu nhập xã hội từ du lịch ước đạt 141.388 tỷ đồng. Kết quả này thể hiện rõ sự quyết tâm, cố gắng, nỗ lực của 9 tỉnh, thành phố tham gia chương trình liên kết trong việc chung tay xây dựng, phục hồi du lịch Việt Nam.
Thông qua chương trình liên kết, dưới sự giúp đỡ, quan tâm, tạo điều kiện của UBND Thành phố Hồ Chí Minh, hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch tại các tỉnh vùng Đông Bắc đã có những chuyển biến tích cực và thu được kết quả đáng mừng, công tác phát triển du lịch có nhiều đổi mới và phát triển; các dịch vụ, sản phẩm du lịch ngày càng phong phú, đa dạng, từng bước đưa thương hiệu du lịch vùng Đông Bắc đến với đông đảo du khách trong nước và quốc tế.
Là trung tâm du lịch hàng đầu Việt Nam, Thành phố Hồ Chí Minh có tầm ảnh hưởng lớn trong công tác quảng bá, phát triển du lịch ở tỉnh thành khác. Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh đã phối hợp với Sở Du lịch/Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch 8 tỉnh Đông Bắc thường xuyên đăng thông tin về du lịch của các địa phương trên các kênh thông tin do đơn vị quản lý; cung cấp hình ảnh điểm đến du lịch 8 tỉnh để Đài Truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh sử dụng và xây dựng phim giới thiệu du lịch 8 tỉnh. Đồng thời đề xuất Đài truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh tham gia các đoàn khảo sát chương trình tour, tuyến du lịch mới tại 8 tỉnh Đông Bắc mở rộng trên kênh của Đài truyền hình thành phố.
Cùng với đó, Thành phố Hồ Chí Minh đã hỗ trợ Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch các tỉnh Đông Bắc tham gia và quảng bá du lịch của các địa phương trong Ngày hội du lịch Thành phố Hồ Chí Minh lần thứ 18 năm 2022 (từ ngày 14 đến ngày 17/5/2022) với chủ đề “Sống động từng trải nghiệm”. Sự kiện đã thu hút sự tham gia của 48 tỉnh, thành trong cả nước trong đó có 5 tỉnh Đông Bắc (Bắc Kạn, Bắc Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Ninh) với 160 gian hàng dịch vụ du lịch và ẩm thực với hàng ngàn sản phẩm du lịch hấp dẫn của các doanh nghiệp lữ hành, khách sạn, hàng không, điểm tham quan khắp cả nước, doanh thu bán hàng qua 4 ngày hoạt động ước đạt được gần 60 tỷ đồng, tăng 50% so với năm 2020. Tổng số khách đến tham quan hội chợ ước đạt hơn 150.000 người.
Trong năm, các tỉnh phối hợp nghiên cứu xây dựng thêm sản phẩm tour du lịch mới. Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục phối hợp Hiệp hội Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh và 9 doanh nghiệp trong Nhóm liên kết đẩy mạnh truyền thông quảng bá và khai thác 2 chương trình du lịch liên vùng đặc sắc đã xây dựng từ năm 2020, bao gồm: "Hành trình gió núi - Mây ngàn Đông Bắc" của các tỉnh Quảng Ninh - Bắc Giang - Thái Nguyên - Tuyên Quang - Vĩnh Phúc; "Tinh hoa Đông Bắc" của các tỉnh Thái Nguyên - Bắc Kạn - Cao Bằng - Lạng Sơn - Quảng Ninh.
Ngoài ra, các tỉnh Đông Bắc cũng thường xuyên trao đổi về kinh nghiệm phát triển sản phẩm du lịch gắn với đặc trưng của địa phương phù hợp với nhu cầu của thị trường, thu hút sự quan tâm của các doanh nghiệp lữ hành Thành phố Hồ Chí Minh như du lịch biên giới, văn hóa, tâm linh, du lịch cộng đồng. Hỗ trợ liên kết trưng bày giới thiệu các sản phẩm hàng hóa đặc trưng, sản phẩm OCOP 8 tỉnh Đông Bắc đến thị trường Thành phố Hồ Chí Minh thông qua các chuỗi cung ứng bán lẻ, hệ thống các siêu thị, khu, điểm du lịch.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Duy Hưng, liên kết là một yêu cầu bắt buộc trong hoạt động du lịch, rất cần thiết, có ý nghĩa thúc đẩy các cơ quan quản lý cũng như các doanh nghiệp trao đổi kinh nghiệm hỗ trợ lẫn nhau trong quá trình phát triển, giúp cho các địa phương trong vùng có thể bổ sung các sản phẩm dịch vụ cho nhau để hình thành các sản phẩm du lịch đa dạng, hấp dẫn, tạo lợi thế cạnh tranh thu hút khách du lịch, tạo sức mạnh cho việc quảng bá chung điểm đến du lịch, đào tạo nguồn nhân lực, thu hút đầu tư phát triển du lịch…
Tuy nhiên, hiệu quả hoạt động Nhóm liên kết vẫn chưa tương xứng với tiềm năng sẵn có, chưa tạo ra bước đột phá trong liên kết phát triển du lịch. Việc xây dựng sản phẩm du lịch chưa có tính đặc thù, trùng lặp về mô hình sản phẩm nhất là về sản phẩm du lịch cộng đồng. Để liên kết đi vào thực chất, hỗ trợ thúc đẩy lẫn nhau phát triển, năm 2023, các địa phương trong Nhóm liên kết cần tiếp tục nghiên cứu xây dựng, làm mới các sản phẩm du lịch độc đáo, tiêu biểu của khu vực. Tập trung nghiên cứu mở rộng thị trường khách du lịch và xây dựng chiến lược xúc tiến riêng cho từng sản phẩm, tour, tuyến liên kết. Ưu tiên các hoạt động xúc tiến quảng bá nhằm thu hút, khôi phục lại thị trường sau ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, chú trọng trong phối hợp tổ chức và tham gia các sự kiện thường niên, có uy tín như Ngày hội du lịch Thành phố Hồ Chí Minh, các chương trình khảo sát xây dựng sản phẩm du lịch trên địa bàn 8 tỉnh Đông Bắc, các hoạt động của Năm Du lịch quốc gia. Tranh thủ, kêu gọi nguồn hỗ trợ từ các tổ chúc phi chính phủ thông qua các dự án, hợp phần đầu tư cho phát triển du lịch vùng Đông Bắc với Thành phố Hồ Chí Minh. Tăng cường các hình thức hợp tác, trao đổi cung cấp thông tin thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về du lịch; kịp thời hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp du lịch đến tìm hiểu cơ hội đầu tư khai thác du lịch tại địa phương./.
Thu Trang