Hòa cùng xu hướng du lịch xanh, bền vững đang lên ngôi của thị trường nội địa và quốc tế, ngành Du lịch Cần Thơ dần hình thành những chiến lược xây dựng sản phẩm đặc trưng, với mục tiêu vừa hội nhập, vừa tạo nét khác biệt.
Làng hoa kiểng Bà Bộ (quận Bình Thủy) được định hướng phát triển du lịch nông nghiệp
Trong dòng chảy du lịch xanh và bền vững, du lịch sông nước được xác định là một trong hai sản phẩm đặc thù, chủ lực của du lịch Cần Thơ. Trong đó, chợ nổi Cái Răng và chợ nổi Phong Ðiền là điểm đến nằm trong định hướng chiến lược phát triển du lịch đường sông của Cần Thơ. Ông Lê Thanh Phong, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch ÐBSCL, nhận định: “Sản phẩm du lịch đặc trưng là yếu tố quyết định trong việc thu hút du khách và phát triển du lịch. Do đó, các địa phương phải biết khai thác lợi thế tài nguyên bản địa để xây dựng những sản phẩm độc đáo riêng. Cần Thơ có một tài sản vô giá là chợ nổi Cái Răng. Nhiều khách quốc tế không biết Cần Thơ nhưng chợ nổi Cái Răng thì họ biết. Khi Tổng cục Du lịch chọn hình ảnh quảng bá Việt Nam trên kênh CNN thì chợ nổi Cái Răng là một trong những hình ảnh được lựa chọn xuất hiện, cho thấy sự đặc trưng của văn hóa sông nước vùng ÐBSCL. Do đó, Cần Thơ phải chú trọng việc gìn giữ văn hóa chợ nổi”.
Ngành Du lịch TP Cần Thơ có định hướng khai thác đô thị sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng đặc trưng vùng sông nước miệt vườn. Việc sử dụng thế mạnh sông nước và đầu tư phát triển các khu nghỉ dưỡng, kết hợp bảo tồn giá trị các di tích văn hóa lịch sử đang là hướng đi chính của ngành Du lịch thành phố. Các sản phẩm sông nước ở đây được chú trọng xây dựng theo hướng trải nghiệm nét sinh hoạt của bà con thương hồ trên chợ nổi, cuộc sống của người dân gắn với ruộng vườn trên các cù lao và vùng đất ven sông… Do đó, các sản phẩm sẽ được khai thác dựa trên lợi thế đường sông dọc sông Hậu, sông Cần Thơ và hệ thống cồn, cù lao của thành phố. Trong đó, cù lao Tân Lộc (quận Thốt Nốt), cồn Sơn (quận Bình Thủy) được chú trọng để phát triển du lịch sông nước.
Phát triển du lịch sông nước kết hợp du lịch nông nghiệp là định hướng xây dựng sản phẩm đặc thù cho du lịch Cần Thơ trong thời gian tới. Cần Thơ vẫn còn những vùng nông nghiệp với nhiều vườn cây ăn trái và hệ thống cồn, cù lao giàu phù sa, thích hợp để phát triển du lịch nông nghiệp. Hộ dân làm du lịch cũng định hướng phát triển du lịch theo hướng sạch, bền vững. Ông Huỳnh Công Thống, chủ vườn nho thân gỗ ở cù lao Tân Lộc, cho biết: “Tôi trồng cây theo phương pháp hữu cơ, với quan niệm phải giữ gìn môi trường xung quanh để không gian xanh, mát lành”. Ðồng quan điểm, cô Lê Hồng Ðiệp, chủ vườn ổi Cô Ðiệp ở cù lao Tân Lộc, cũng chia sẻ: “Vườn nhà tôi chú trọng chất lượng hơn sản lượng. Ổi trồng chăm sóc theo phương pháp truyền thống be bờ, bao từng trái ổi, không sử dụng phân thuốc hóa học vì thế sản lượng ổn định. Ổi ở vườn được ưa thích và hầu như không đủ bán. Tôi làm nông nghiệp sạch nên cũng muốn hướng đến du lịch xanh, bền vững”.
Trong đề án “Phát triển du lịch nông nghiệp thành phố Cần Thơ từ 2021-2025, tầm nhìn 2030”, có xác định bên cạnh loại hình du lịch nông nghiệp truyền thống, Cần Thơ đang phát triển thêm loại hình du lịch nông nghiệp đô thị và du lịch nông nghiệp công nghệ cao, nhằm kéo dài chuyến đi của du khách. Theo đó, du lịch nông nghiệp tại Cần Thơ có thể phát triển dựa trên các điểm nhà vườn, các cơ sở kinh doanh đã hình thành, như Can Tho Farm, Xà No Farm, Làng hoa kiểng Bà Bộ (quận Bình Thủy), Bảo Gia Trang Viên (quận Cái Răng) và điểm vườn ở Phong Ðiền… Từng bước hình thành nông trại quy mô lớn ở các vùng ven như xã Trường Long, xã Tân Thới (Phong Ðiền) và các huyện xa nội thành như: Thới Lai, Cờ Ðỏ, Vĩnh Thạnh. Song song đó cũng hình thành các farmstay bên cạnh loại hình lưu trú homestay vốn đã rất quen thuộc với khách du lịch. Hai mô hình du lịch nông nghiệp được chọn triển khai theo đề án là: mô hình du lịch nông nghiệp dành cho khách tham quan và mô hình du lịch nông nghiệp dành cho khách tham quan và lưu trú. Trong đó, Can Tho Farm được chọn thí điểm dành cho khách tham quan trong ngày: du khách vừa dễ dàng lựa chọn các loại rau, củ sạch tại quầy vừa có thể tự tay thu hoạch rau quả tại vườn. Còn Bảo Gia Trang Viên được chọn thí điểm dành cho khách tham quan và lưu trú: nghỉ dưỡng kết hợp nhiều hoạt động trải nghiệm như workshop, tham quan làng nghề, đi chợ truyền thống, trải nghiệm nông trại…
Bà Ðào Thị Thanh Thúy, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thành phố, cho biết: “Ngành Du lịch thành phố đang rà soát những điểm đến hoạt động du lịch nông nghiệp trên địa bàn, cũng như khảo sát những điểm đến vệ tinh xung quanh khu vực chợ nổi. Qua đó sẽ nắm lại thực trạng để có những đề xuất, kiến nghị tháo gỡ khó khăn cho du lịch nông nghiệp và du lịch đường sông trong thời gian tới”.
Trên cơ sở xác định và xây dựng các sản phẩm chính, Cần Thơ dần hình thành nên những sản phẩm đặc trưng hướng đến các thị trường khách phù hợp. Ðối với khách nội địa, du lịch nông nghiệp, sông nước phù hợp với du khách đến từ các thị trường TP Hồ Chí Minh, Hà Nội và các tỉnh miền Trung. Các sản phẩm du lịch sông nước của Cần Thơ cũng hướng đến các thị trường khách quốc tế: Mỹ, Pháp, Anh, Úc, Nhật Bản và Hàn Quốc. Ông Nguyễn Hoàng Ơn, Giám đốc Trung tâm Phát triển Du lịch thành phố, cho biết: “Từ thực tế, chúng tôi xây dựng kế hoạch xúc tiến quảng bá năm 2023, trong đó xác định các thị trường trọng điểm. Với thị trường nội địa, Cần Thơ sẽ tham gia các sự kiện lễ hội của các tỉnh bạn có liên kết, đồng thời tổ chức quảng bá ở một số tỉnh, thành như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, một số tỉnh ở khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên. Ðối với thị trường quốc tế, chúng tôi sẽ tổ chức quảng bá tại Ðài Loan, Nhật Bản. Trong năm 2023, Cần Thơ cũng sẽ tổ chức các sự kiện lớn về du lịch như: Lễ hội bánh dân gian Nam Bộ, Hội chợ du lịch quốc tế VITM Cần Thơ, Những ngày văn hóa du lịch Cần Thơ tại Hà Nội…”.
Với việc đẩy mạnh loại hình du lịch đường sông và du lịch nông nghiệp, du lịch Cần Thơ đang có những hướng đi cụ thể để phát triển các sản phẩm đặc trưng của du lịch địa phương trong bối cảnh xu hướng du lịch xanh và bền vững đang được du khách trong và ngoài nước ưa chuộng.
Ái Lam