Với nhiều giải pháp mang tính đột phá, trong đó đổi mới tư duy để phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của địa phương, nhất là lĩnh vực du lịch, dịch vụ đã tạo môi trường thuận lợi thu hút đầu tư, góp phần thúc đẩy kinh tế của huyện Tam Đảo (Vĩnh Phúc) ngày càng phát triển.
Thị trấn Tam Đảo - Điểm đến yêu thích của nhiều du khách
Theo báo cáo của UBND huyện Tam Đảo (Vĩnh Phúc), quý I/2023, vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, kinh tế của địa phương đã đạt được kết quả khả quan. Tổng diện tích gieo trồng cây hàng năm đạt 2.678 ha, đạt 36% kế hoạch năm và bằng 112,5% so với cùng kỳ. Các xã, thị trấn, các cơ quan, đơn vị đã trồng được hơn 34 nghìn cây xanh, đạt hơn 34% kế hoach giao.
Hoạt động quản lý nhà nước về du lịch được đặc biệt quan tâm, UBND huyện đã tập trung chỉ đạo UBND các xã, thị trấn tổ chức tuyên truyền, quảng bá hình ảnh Khu du lịch Tam Đảo và Khu danh thắng Tây thiên.
Tăng cường hướng dẫn các nhà hàng, khách sạn, các cơ sở kinh doanh lưu trú thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn cho du khách đến tham quan, nghỉ dưỡng; hướng dẫn các tổ chức, cá nhân kinh doanh du lịch nâng cao chất lượng dịch vụ, niêm yết công khai giá các dịch vụ, sản phẩm phục vụ khách du lịch.
Quý I/2023, toàn huyện đón hơn 811 nghìn lượt du khách, bằng 881% so với cùng kỳ, trong đó khu danh thắng Tây Thiên đón hơn 705 nghìn lượt khách.
Với quyết tâm giải phóng nguồn lực về đất đai để phát triển kinh tế, chuẩn bị mặt bằng xây dựng các khu, cụm công nghiệp, các trung tâm du lịch, dịch vụ, trong quý I/ 2023 UBND, huyện tập trung chỉ đạo các đơn vị phối hợp giải quyết những vướng mắc còn tồn tại trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng (GPMB) đối với các dự án chuyển tiếp và triển khai các thủ tục để thực hiện công tác GPMB đối với các dự án triển khai mới.
Đến nay, đã thực hiện được 11,44/77,85 ha đạt 14,7% so với kế hoạch giao. Công tác giải quyết việc làm cho người dân được tập trung triển khai, từ đầu năm đến nay đã giải quyết việc làm mới cho 718 lao động trên các lĩnh vực…
Ông Trần Anh Tú, Phó Chủ tịch UBND huyện Tam Đảo cho biết: Để có những chuyển biến nêu trên, thời gian qua, UBND huyện Tam Đảo đã đề ra nhiều giải pháp đồng bộ để phát triển du lịch, bố trí nguồn vốn để thực hiện các dự án cải tạo, nâng cấp hệ thống đường giao thông và hạ tầng các khu du lịch.
Cùng với đó, có cơ chế, chính sách thu hút nguồn lực đầu tư, trọng tâm là đầu tư cơ sở hạ tầng, các dự án lớn, tạo đà phát triển bứt phá cho kinh tế địa phương.
Khuyến khích các doanh nghiệp (DN), người dân đầu tư đưa ra nhiều sản phẩm du lịch mới để thu hút du khách.
Việc đổi mới tư duy lãnh đạo, quản lý để tạo đà cho phát triển kinh tế luôn được xác định là yếu tố then chốt quyết định cho sự phát triển.
Vì vậy, huyện Tam Đảo tăng cường sự đoàn kết, thống nhất trong toàn Đảng bộ. Thực hiện tốt việc công khai, minh bạch, nguyên tắc tập trung dân chủ; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức dám nghĩ, nhiệt huyết, sẵn sàng nhận nhiệm vụ khó, nhất là trong lĩnh vực du lịch, dịch vụ.
Để tạo ấn tượng tốt với mỗi du khách, huyện đang tập trung xử lý vấn đề ô nhiễm môi trường, cảnh quan, đặt biệt là ở môi trường các khu du lịch; xử lý nghiêm những cơ sở, hộ gia đình xả thải gây ô nhiễm môi trường các khu du lịch.
Là địa phương có nhiều di tích tâm linh, nhiều đồng bào dân tộc sinh sống, vì vậy huyện đang tiếp tục xây dựng kế hoạch gìn giữ, phát huy những giá trị văn hóa, lễ hội độc đáo, đặc sắc của người dân nơi đây để tạo sức hút đối với du khách trong và người nước.
Bên cạnh việc tập trung nguồn lực cho phát triển du lịch, huyện Tam Đảo cũng đề ra nhiều giải pháp phát triển nông nghiệp sạch, tạo ra nhiều sản phẩm nông nghiệp đặc trưng, chất lượng cao như trà hoa vàng, rau su su và các loại cây dược liệu…
Trong đó, thường xuyên tổ chức chuyển giao ứng dụng khoa học kỹ thuật cho nông dân để triển khai sản xuất theo hướng hàng hóa. Thường xuyên bổ sung quy hoạch các vùng sản xuất tâp trung, chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp phù hợp với điều kiện thực tế của từng địa phương. Khi các mô hình nông nghiệp sạch cho hiệu quả cao sẽ góp phần đắc lực vào việc tạo ra sản phẩm đặc trưng phục vụ du lịch, dịch vụ.
Hiện nay, UBND huyện Tam Đảo đang tập trung chỉ đạo ngành chức năng, các địa phương thực hiện Đề án phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp trên địa bàn huyện, giai đoạn 2022-2026; Đề án khôi phục, bảo tồn và phát triển cây dược liệu trên địa bàn huyện giai đoạn 2022-2026 và Đề án phát triển kinh tế tập thể gắn với sản phẩm OCOP huyện Tam Đảo giai đoạn 2021-2025.
Nhờ đổi mới tư duy để phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế phát triển kinh tế, với bước đi đúng hướng, huyện Tam Đảo sẽ thu hút được nhiều nhà đầu tư lớn trong thời gian tới; đặc biệt là đầu tư vào ngành du lịch, dịch vụ sẽ tạo động lực cho sự phát triển ngày càng bền vững của địa phương.
Thành An