Đến năm 2025, TP. Hồ Chí Minh sẽ có khoảng 10 chương trình du lịch, kết nối từ cảng biển với các tuyến đường sông. Mục tiêu này được Sở Du lịch TP. Hồ Chí Minh đặt ra trong dự thảo Kế hoạch phát triển sản phẩm du lịch đường thủy TP. Hồ Chí Minh giai đoạn 2023-2025, vừa trình UBND TP. Hồ Chí Minh.
Theo đó, giai đoạn 2023-2024 sẽ cải thiện và nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch đường thủy hiện có như tuyến du lịch đi Bình Quới (bán đảo Thanh Đa, quận Bình Thạnh), tuyến đi Củ Chi, tuyến đi Cần Giờ. Sở Du lịch cũng sẽ “làm mới” tuyến du lịch nội đô Nhiêu Lộc - Thị Nghè, hướng tuyến từ bến du thuyền quận 1 đến bến du thuyền quận 3.
Khách du ngoạn sông Sài Gòn
Giai đoạn 2024-2025, thành phố sẽ tăng cường các dịch vụ du lịch trên sông. Trong đó tái hiện chợ nổi trên sông tại khu vực chân cầu Tân Thuận (quận 4 và quận 7) định kỳ thứ bảy, chủ nhật hàng tuần; xây dựng các mô hình phát triển du lịch đường sông trên sông Sài Gòn như loại hình tàu nghỉ cao cấp qua đêm trải nghiệm trên sông Sài Gòn, Cần Giờ; tàu gỗ nhỏ chở khách vào các khu vực rạch nhỏ, kết hợp với việc tham quan các di tích lịch sử, đình, chùa, làng nghề trên tuyến.
Giai đoạn này cũng sẽ đầu tư các tuyến mới như tuyến đi quận 7 (hướng tuyến: bến Cầu Mống/bến Bạch Đằng - sông Sài Gòn - kênh Tẻ - rạch Ông Lớn - rạch Đỉa) với chương trình trải nghiệm dịch vụ vui chơi, giải trí dưới nước như chèo thuyền kayak, ca nô kéo…; hoặc tuyến du lịch liên quận 1, 4, 5, 6 và 8, hướng tuyến bến Cầu Mống/bến Bạch Đằng - sông Sài Gòn - kênh Tẻ - kênh Tàu Hủ đến bến Bình Đông hoặc tiếp tục theo kênh Đôi đến đình Bình Đông. Trên địa bàn TP Thủ Đức cũng nghiên cứu sản phẩm du lịch đường sông mới, hướng tuyến: bến Bạch Đằng - sông Sài Gòn - rạch Chiếc - rạch Ông Nhiêu - sông Tắc - sông Đồng Nai - chùa Hội Sơn.
TP. Hồ Chí Minh đã lên kế hoạch cho nhóm các sản phẩm du lịch thủy tầm xa, từ TP. Hồ Chí Minh đi các tỉnh lân cận với chiều dài lớn hơn 60km. Cụ thể, sẽ có tuyến đường thủy xuất phát từ cảng Sài Gòn, bến Bạch Đằng, bến Cầu Mống... đi các tỉnh như Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Đồng Nai, Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, Cần Thơ và tuyến Châu Đốc (An Giang) để kết nối qua Campuchia. Các tuyến xa thường phục vụ khách có nhu cầu giải trí, thể thao, đánh golf, nghỉ dưỡng, du lịch tâm linh…
Hướng đến các hoạt động trải nghiệm, đa dịch vụ cho du khách, ông Lê Trương Hiền Hòa, Phó Giám đốc Sở Du lịch TP. Hồ Chí Minh, cho hay, ngành du lịch sẽ có các dịch vụ thưởng ngoạn trên sông kết hợp thưởng thức ẩm thực trên tàu nhà hàng, du thuyền, hoạt động trải nghiệm gắn với thể thao như chèo SUP; tour ngắm du thuyền cho khách tầm trung và cao cấp, sản phẩm liên kết bằng tàu cao tốc từ TP. Hồ Chí Minh đến Vũng Tàu, Bến Tre, Tiền Giang… Đây là một trong những sản phẩm du lịch có sức hấp dẫn và tiềm năng lớn, có điểm nhấn đặc trưng, đủ sức thu hút khách trong nước và quốc tế.
Kế hoạch này của Sở Du lịch TP. Hồ Chí Minh nhận được nhiều ý kiến đồng thuận từ doanh nghiệp du lịch. Tuy nhiên, để phát huy hiệu quả và có sức hút, theo đại diện các doanh nghiệp, rất cần sự chăm chút, liên tục làm mới những sản phẩm hiện có. Ví dụ, có thể thả hoa đăng, tổ chức ngày hội đua thuyền, sân khấu dưới nước, gắn đèn dạ cầu tạo ánh sáng lung linh về đêm… Thêm nữa, cần có kế hoạch đảm bảo vệ sinh môi trường, ngăn chặn tình trạng vứt rác ra sông, kênh rạch. Môi trường trong lành, xanh sạch với nhiều sự kiện, lễ hội… sẽ hấp dẫn được du khách gần xa.
Khắc phục điểm nghẽn giao thông thủy
Thành phố có mạng lưới sông, kênh dày đặc với 913km đường thủy, chia thành 101 tuyến, tương đương 50% mạng lưới giao thông đường bộ. Lợi thế này chưa được khai thác hiệu quả khi có tới 102/218 cầu có tĩnh không và khẩu độ thông thuyền không đảm bảo cho tàu bè đi lại.
Nhìn từ bán đảo Thanh Đa, cầu Bình Triệu 1 (nối quận Bình Thạnh và TP Thủ Đức) hiện rất thấp so với cầu Bình Triệu 2, thành “vật cản” với tàu lớn lưu thông qua lại. Cũng vì tĩnh không thấp mà đường Tầm Vu chạy dưới dạ cầu Bình Triệu 1 chỉ đáp ứng lưu thông của ô tô con. Đây là vấn đề của… lịch sử, vì cầu Bình Triệu 1 đã được xây từ khá lâu. Tương tự, cầu Bình Phước 1 (nối quận 12 với TP Thủ Đức) cũng có tĩnh không chỉ khoảng 6m, nên tàu lớn không qua được.
Đây là 2 cây cầu nằm trên tuyến đường thủy huyết mạch từ TP. Hồ Chí Minh đi các tỉnh Đông Nam bộ và ngược lại. Do vậy mới đây, TP. Hồ Chí Minh đã quyết định chi 245 tỷ để nâng tĩnh không của 2 cầu lên khoảng 7m. Theo ông Bùi Hòa An, Phó Giám đốc Sở GTVT TP. Hồ Chí Minh, dự kiến nguồn vốn đầu tư sẽ từ ngân sách TP. Hồ Chí Minh và quý 1/2024 sẽ khởi công công trình, phấn đấu hoàn thành trong năm 2025. Trong dài hạn, ông Bùi Hòa An cho biết, Sở GTVT sẽ lựa chọn những cây cầu khác nằm trên các tuyến đường thủy quan trọng nhưng có tĩnh không thấp để có kế hoạch nâng tĩnh không.
Thanh Hải - Thi Hồng