Lễ đón Bằng công nhận của UNESCO ghi danh “Nghệ thuật làm gốm của người Chăm vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp” và Lễ hội Nho - Vang Ninh Thuận năm 2023 (gọi tắt là Lễ hội) dự kiến diễn ra từ ngày 13/6 đến 18/6/2023. Đến thời điểm hiện tại, các đơn vị, địa phương trong tỉnh đang “chạy nước rút” hoàn thành các hạng mục theo kế hoạch đề ra, sẵn sàng đón tiếp du khách mọi miền đất nước đến vui hội.
Nhiều điểm mới
Nằm trong chuỗi 12 hoạt động chính của Lễ hội, Cuộc thi “Giàn nho đẹp” lần đầu tiên được tổ chức, hứa hẹn mang đến nhiểu trải nghiệm thú vị cho người trồng nho và du khách. Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Thuận Đặng Kim Cương cho biết, qua khảo sát các vườn nho trên địa bàn tỉnh, dự kiến trong thời gian diễn ra Lễ hội có khoảng 25,6 ha nho chín, sản lượng ước 410 tấn. Sở đã phối hợp với các địa phương và nhà vườn, lựa chọn 9 điểm vườn có giàn nho đẹp tham gia cuộc thi, trong đó, ưu tiên các vườn có giống nho mới, ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao.
Điểm mới lạ của cuộc thi chính là sự trải nghiệm và đánh giá khách quan từ du khách. Theo đó, các nhà vườn tham gia dự thi sẽ thực hiện 1 video, giới thiệu chi tiết địa chỉ, diện tích, giống nho và các hình ảnh về vườn nho đăng tải trên trang điện tử do Ban Tổ chức cuộc thi thành lập, kêu gọi bình chọn và chia sẻ từ cộng đồng mạng và du khách, kết quả sẽ được cộng vào tổng điểm chung cuộc. Qua đó, quảng bá rộng rãi hình ảnh nho Ninh Thuận cũng như chia sẻ chính xác các điểm đến có giàn nho chín đẹp dịp Lễ hội để du khách thưởng lãm.
Du khách tham quan Giàn nho ở Nhơn Sơn (Ninh Sơn). Ảnh: Văn Nỷ
Tương tự, Lễ hội ẩm thực “Hương vị ẩm thực Ninh Thuận” và Cuộc thi “Đầu bếp ngôi sao tài năng tỉnh Ninh Thuận lần 1 năm 2023”, chủ đề các món ăn đặc sản Ninh Thuận do Hoàn Mỹ Resort phụ trách, đã bắt đầu vòng thi online, hiện đã có hơn 10 đầu bếp tham gia; dự kiến vòng online sẽ kết thúc vào ngày 31/5, vòng chung kết trình diễn trực tiếp sẽ diễn ra vào ngày 18/6. Đại diện Hoàn Mỹ Resort cho biết, cuộc thi lần này có sự góp mặt các chuyên gia văn hóa, ẩm thực nổi tiếng cả nước trong cả hai vai trò là thí sinh và Ban Giám khảo, hứa hẹn đưa du khách đến với sắc màu dân gian truyền thống thông qua văn hóa ẩm thực, đồng thời gửi gắm câu chuyện về bản sắc, sự giao thoa hương vị của cuộc sống, làm nổi bật nét riêng vùng đất Ninh Thuận.
Cùng với đó, Chương trình Famtrip “lên rừng, xuống biển” 4 ngày 3 đêm kết hợp với Tọa đàm “Xây dựng sản phẩm du lịch cộng đồng: Trở về giấc mơ Chapi - xã Phước Bình, Bác Ái” diễn ra từ ngày 12 đến 15/6 đã thu hút gần 100 đại biểu đến từ các hiệp hội du lịch tỉnh bạn, các đơn vị lữ hành, báo chí, truyền thông trong nước đăng ký tham gia; hứa hẹn mở ra các giải pháp tăng cường liên kết tour, tuyến du lịch, tạo ra các sản phẩm mới, hoàn thiện chất lượng, định hướng sản phẩm du lịch đặc trưng, có lợi thế của tỉnh, tiếp cận với những nguồn khách du lịch mới, các cơ hội đầu tư và phát triển mới.
Bảo đảm Lễ hội diễn ra an toàn, chất lượng
Là nơi diễn ra nhiều hoạt động chính của Lễ hội, TP. Phan Rang - Tháp Chàm đang đẩy nhanh tiến độ thi công, hoàn thiện nhiều hạng mục, đảm bảo Lễ hội diễn ra an toàn và chất lượng. Theo Phó Chủ tịch UBND TP. Phan Rang - Tháp Chàm Trần Ngọc Quang, địa phương đang tích cực chỉnh trang đô thị, xúc tiến phong trào “xanh, sạch, đẹp” tại các cơ quan, đơn vị, khu dân cư, nhà dân để đảm bảo mỹ quan đô thị, tuyên truyền trực quan... nhằm thu hút du khách; sẵn sàng hệ thống ánh sáng phục vụ nhu cầu tham quan của người dân và du khách về đêm.
Đối với công trình Tiểu dự án môi trường bền vững đang thực hiện dở dang trên toàn TP. Phan Rang - Tháp Chàm, UBND thành phố đã có văn bản tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công, trong đó phải tăng cường thi công vào ban đêm; triển khai thi công dứt điểm từng đoạn, tuyến đường và thu dọn vật liệu vương vãi ở khu vực trung tâm thành phố và các trục đường phục vụ du lịch. Đến trước ngày diễn ra Lễ hội, nếu các tuyến đường trung tâm vẫn chưa hoàn thành, yêu cầu các nhà thầu dừng thi công, lấp lại toàn bộ hố móng, thu dọn toàn bộ vật tư, thiết bị ra khỏi công trường và tiến hành vệ sinh, sau Lễ hội các nhà thầu mới được phép triển khai thi công.
Cùng với chính quyền địa phương, đồng loạt các cơ sở dịch vụ du lịch như nhà hàng, khách sạn, khu điểm tham quan du lịch... tất bật chuẩn bị các điều kiện thiết yếu để đảm bảo phục vụ tốt nhu cầu của du khách. Trong đó, chú trọng nâng cao chất lượng dịch vụ, thực hiện tốt quy tắc ứng xử văn minh trong du lịch; đảm bảo vệ sinh môi trường, vệ sinh thực phẩm... tạo sự thoải mái, an toàn, thân thiện cho du khách khi đến tham dự Lễ hội.
Xuân Nguyên