Gìn giữ Di sản Vịnh Hạ Long cho muôn đời sau

Cập nhật:16/06/2023 16:17:47
Công ước Di sản thế giới đã khẳng định Di sản văn hóa và thiên nhiên là những tài sản vô giá và không thể thay thế được, không chỉ của một dân tộc, mà còn của nhân loại nói chung. Vì vậy, đối với một Di sản thế giới, nhiệm vụ quan trọng, cốt lõi nhất là bảo vệ, giữ gìn giá trị nổi bật toàn cầu. Việc phát huy giá trị Di sản phục vụ phát triển kinh tế - xã hội phải đảm bảo mục tiêu phát triển bền vững theo Chính sách của UNESCO về “Di sản thế giới và Phát triển bền vững”, đó là việc phát triển không được làm mai một hay suy giảm các giá trị nổi bật toàn cầu của Khu di sản.
Ảnh minh họa: TITC
 
Di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long là khu vực có khí hậu ôn hòa, được thiên nhiên ưu đãi cảnh quan tráng lệ, đó là vẻ đẹp kỳ vĩ của gần 2000 hòn đảo lớn nhỏ với muôn hình vạn trạng, được thiên nhiên xếp đặt một cách thần kỳ, tựa như những viên ngọc bích lung linh trên mặt biển biếc xanh. Cảnh sắc của vịnh Hạ Long đẹp trong từng khoảnh khắc, biến đổi kỳ ảo theo không gian, theo thời gian, theo góc nhìn và theo tâm trạng của người ngoạn cảnh. Sự kỳ diệu trong những đường nét, chạm khắc của đảo núi, hòa quyện với nước biển, mây trời tạo nên một bức tranh thần tiên, sống động giữa chốn trần gian. Vịnh Hạ Long không chỉ là vùng biển trời “sơn thủy hữu tình” mà còn là một trang sử đá ghi dấu những biến cố vĩ đại của quá trình địa chất và tiến hóa của sự sống trên trái đất. Đây cũng là nơi chứa đựng những hệ sinh thái điển hình của vùng biển nhiệt đới, đồng thời là một kho tàng văn hóa phong phú với những nền văn hóa lâu đời, liên tục và từ thời tiền sử đến ngày nay.
 
Tại hội thảo quốc tế về “Bảo tồn và phát huy giá trị Di sản thế giới vịnh Hạ Long - Tầm nhìn mới” được tổ chức vào năm 2012, nguyên Phó Thủ Tưởng Vũ Khoan đã chia sẻ “Bảo tồn cần được coi là ưu tiên hàng đầu vì cảnh quan kỳ thú của vịnh Hạ Long có được như ngày nay phải trải qua nhiều triệu năm, làm hỏng nó thì không có cách gì khôi phục được. Hơn nữa, tâm lý tham quan là muốn được cảm nhận cái nguyên sơ, cổ kính chứ không phải những cái tân tạo. Cùng với đó, xu thế của thế giới và chủ trương của nước ta là phát triển bền vững hướng tới một nền kinh tế xanh”
 
Là cơ quan được UBND tỉnh Quảng Ninh giao trọng trách tham mưu cho Tỉnh thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị Di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long, kể từ khi vịnh Hạ Long được công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới, Ban quản lý vịnh Hạ Long luôn ý thức rõ: để được UNESCO công nhận là di sản thế giới đã khó, nhưng để giữ gìn danh hiệu đó càng khó hơn. Trong suốt gần 30 năm qua, Ban quản lý vịnh Hạ Long luôn bám sát định hướng của UNESCO và quy định của pháp luật Việt Nam liên quan đến công tác quản lý, bảo vệ di sản, nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp quyết liệt và tích cực để quản lý, bảo tồn và phát huy bền vững di sản vịnh Hạ Long: hoàn thiện và ban hành các Quy hoạch, Kế hoạch, Quy chế quản lý vịnh Hạ Long trên cơ sở xác định những yếu tố, nguy cơ có khả năng ảnh hưởng tiêu cực tới di sản, từ đó đưa ra các nhiệm vụ, giải pháp và các quy định cụ thể nhằm bảo vệ giá trị nổi bật toàn cầu của di sản và tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động kinh tế - xã hội trên vịnh Hạ Long. Ban quản lý vịnh Hạ Long cũng chú trọng nghiên cứu khoa học và điều tra, khảo sát về các giá trị của vịnh Hạ Long; triển khai giám sát định kỳ tình trạng bảo tồn di sản; khoanh vùng, bảo vệ các khu vực có giá trị đa dạng sinh học cao; triển khai các hoạt động bảo vệ cảnh quan, môi trường sinh thái; bảo tồn, lưu giữ và phục dựng giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể của cộng đồng ngư dân vạn chài Hạ Long...
 
Song song với công tác quản lý, bảo tồn, bảo vệ các giá trị của Di sản, Ban Quản lý vịnh Hạ Long cũng chú trọng phát huy giá trị của Di sản góp phần thúc đẩy hoạt động du lịch nhằm tạo sự ổn định và làm giàu di sản. Trong quá trình phát triển các hoạt động dịch vụ du lịch trên vịnh Hạ Long, Ban quản lý vịnh Hạ Long luôn tuân thủ và bám sát Công ước Di sản thế giới, khuyến nghị của Ủy ban Di sản thế giới, chuyên gia UNESCO, IUCN, đó là: “Đảm bảo sự cân bằng thích hợp giữa bảo tồn và phát triển bền vững, để các giá trị của Di sản thế giới được bảo vệ thông qua các hoạt động thích hợp, đóng góp vào sự phát triển kinh tế, xã hội và chất lượng cuộc sống của cộng đồng” (Kỳ họp 26 của UNESCO, Budapest, 2002), “Khuyến khích quốc gia thành viên tăng cường hơn nữa những nỗ lực theo hướng đảm bảo rằng áp lực từ khách du lịch trong khu vực di sản tiếp tục được giảm đến một mức độ tương thích với mục tiêu bảo tồn lâu dài Di sản” (Kỳ họp lần thứ 38, 2014), “Nên đa dạng hóa các sản phẩm du lịch theo nguyên tắc phù hợp với các giá trị của di sản và không ảnh hưởng đến môi trường, hệ sinh thái của vịnh” (Chuyên gia tư vấn về quản lý du lịch bền vững của IUCN).
 
Theo đó, việc phát triển, đa dạng hóa sản phẩm du lịch trên vịnh Hạ Long luôn được Ban quản lý vịnh Hạ Long triển khai một cách thận trọng, theo quy hoạch, theo lộ trình, có kiểm soát về quy mô, số lượng và loại hình dịch vụ.
 
 Với quan điểm: công tác quản lý, bảo vệ, bảo tồn di sản dù có nỗ lực và đạt hiệu quả đến đâu, nhưng một khi hoạt động du lịch còn kém chất lượng và thiếu tính chuyên nghiệp, thiếu trách nhiệm với di sản thì vịnh Hạ Long không thể phát huy được các giá trị vốn có của nó. Chính vì vậy, để phát huy bền vững, hiệu quả các giá trị của Di sản vịnh Hạ Long, trong thời gian tới, Ban quản lý vịnh Hạ Long một mặt sẽ tiếp tục cải thiện, nâng cấp làm mới các sản phẩm du lịch truyền thống, như: tham quan hệ thống đảo núi, hang động, các hệ sinh thái; trải nghiệm chèo thuyền kayak; trải nghiệm giá trị văn hóa độc đáo của cộng đồng ngư dân làng chài…, mặt khác sẽ chú trọng phát triển các sản phẩm du lịch chất lượng cao gắn với bảo vệ cảnh quan và môi trường sinh thái như: du thuyền cao cấp, bãi tắm mini chân đảo… Các sản phẩm du lịch này đã được định hướng trong Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi danh lam thắng cảnh vịnh Hạ Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 do Ban quản lý vịnh Hạ Long đang triển khai xây dựng.
 
Vịnh Hạ Long là nguồn tài nguyên vô giá. Việc quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản phải được định hướng mang tính chất dài hạn và cân nhắc đến các yếu tố để tránh làm tổn hại đến các yếu tố gốc cấu thành di sản. Không phát triển thì không phát huy được giá trị của di sản và không làm giàu được nhờ có di sản, nhưng phát triển không đúng cách thì có thể triệt tiêu di sản. Ban Quản lý vịnh Hạ Long vẫn đang tiếp tục xem xét các biện pháp thích hợp để lồng ghép nguyên tắc phát triển bền vững trong các quy định, quy hoạch, kế hoạch về quản lý, bảo vệ di sản, nhằm đạt được sự cân bằng, kết hợp giữa việc bảo vệ giá trị nổi bật toàn cầu của di sản với phát triển du lịch theo mục tiêu Công ước Di sản thế giới đề ra, góp phần gìn giữ di sản cho muôn đời sau
 
Tin: Lê Thị Thìn Trưởng phòng nghiệp vụ nghiên cứu - Ban quản lý Vịnh Hạ Long