Bác Ái (Ninh Thuận) được thiên thiên ban tặng nhiều cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp cùng với bản sắc văn hóa của các dân tộc: Raglai, Chu Ru... Tận dụng những lợi thế đó, huyện đang từng bước đưa ngành Du lịch (DL) phát triển đúng tiềm năng, tạo động lực cho các ngành, lĩnh vực khác phát triển.
Tận dụng tiềm năng, lợi thế sẵn có
Bác Ái nằm ở phía Tây Bắc tỉnh, có khí hậu trong lành, mát mẻ, đặc biệt là hệ sinh thái phong phú đa dạng và có những địa danh, văn hóa nổi tiếng như: Vườn quốc gia Phước Bình; di tích lịch sử cách mạng cấp quốc gia bẫy đá Pi Năng Tắc; núi Tà Năng; thác Chapơr, Suối Lạnh... Tận dụng lợi thế đó, vài năm trở lại đây phong trào trồng cây ăn quả kết hợp phát triển DL cộng đồng được nhiều hộ dân ở xã Phước Bình mạnh dạn đầu tư. Đến nay, trên địa bàn xã đã xây dựng trên 60 nhà sàn truyền thống, gắn với vườn cây ăn quả để phát triển mô hình DL cộng đồng.
Đồng chí Phạm Phùng Bảo Châu, Chủ tịch UBND xã Phước Bình, cho biết: Những năm qua, địa phương được Đảng, Nhà nước quan tâm hỗ trợ đầu tư hạ tầng đường giao thông đi lại thuận tiện. Bên cạnh đó, ở Phước Bình có một nét đặc trưng riêng so với các xã khác về điều kiện tự nhiên, có di tích lịch sử bẫy đá Pi Năng Tắc và điều kiện phát triển nông nghiệp với những cây trồng có giá trị kinh tế cao. Từ lợi thế đó, xã xác định đầu tư phát triển DL cộng đồng góp phần đáng kể vào mục tiêu đẩy nhanh tiến độ giảm nghèo. Hiện nay mô hình này đang tạo được sự lan tỏa và phát triển mạnh ở các thôn, đây là tín hiệu rất đáng mừng, qua đó giúp người dân nâng cao thu nhập.
Khu du lịch Moon Campsite thôn Gia É, xã Phước Bình (Bác Ái). Ảnh: Hồng Nguyệt
Tận dụng đất đai màu mỡ, khí hậu mát mẻ quanh năm, gia đình anh Katơr Chinh ở thôn Hành Rạc 2 trồng gần 1 ha bưởi da xanh, sầu riêng để phát triển kinh tế. Vừa qua, gia đình anh được Hội DL cộng đồng Việt Nam hỗ trợ kinh phí hơn 100 triệu đồng xây dựng nhà sàn truyền thống của người Raglai để phát triển mô hình DL cộng đồng. Anh Chinh phấn khởi chia sẻ: Gia đình rất vui mừng khi được hỗ trợ tiền để làm nhà sàn, căn nhà sàn là nơi bảo tồn bản sắc văn hóa truyền thống của người đồng bào Raglai địa phương mình. Đến đây khách tham quan sẽ được trực tiếp hái và thưởng thức trái cây tại vườn, ngoài ra khách lưu trú nhà sàn sẽ được thưởng thức các sản vật của địa phương như gà đồi, cá suối, cơm lam...
Được trực tiếp tham quan và trải nghiệm tại vườn trái cây ở xã Phước Bình, anh Nguyễn Trọng Hoàng, ở TP. Hồ Chí Minh, chia sẻ: Đây là lần đầu tiên tôi đến xã Phước Bình, tôi thấy ở đây khí hậu rất mát mẻ, vào chiều tối se se lạnh giống như ở Đà Lạt, đặc biệt đến đây được trực tiếp tham quan vườn trái cây, được thưởng thức những quả sầu riêng, bưởi, chôm chôm hái tại vườn là một trải nghiệm rất thú vị, ngoài ra còn được thưởng thức sản vật của địa phương như heo đen, gà thả vườn rất tuyệt vời.
Ngoài cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, con người hiền hòa, Bác Ái còn lưu giữ nhiều nét văn hóa đặc sắc văn hóa dân tộc độc đáo của dân tộc Raglai và Chu Ru, nổi bật là một số lễ hội, văn hóa dân gian cùng một số nhạc cụ độc đáo như: Mã la, khèn bầu, đàn Chapi... Nơi đây có những sản phẩm thủ công truyền thống như: Đàn Chapi, rượu cần, đan lát và một số sản phẩm nông nghiệp đặc thù như: Chuối hột mồ côi, rượu cần... Tất cả những nét truyền thống đó chính là tiềm năng để phát triển sản phẩm DL cộng đồng tại đây.
Khai thác, bảo tồn văn hóa gắn với phát triển du lịch
Ngày hội văn hóa Raglai năm 2023 trên địa bàn huyện Bác Ái diễn ra vào trung tuần tháng 6vừa qua, đây là điểm nhấn trong phát triển DL của huyện Bác Ái. Nằm trong chuỗi các sự kiện của ngày hội, nhân dân địa phương và du khách được hòa nhịp và cổ vũ cho các phần thi: Chế tác đàn Chapi; Hội thi ẩm thực Raglai; Hội thi giã gạo... Ông Chamaléa Siết, nghệ nhân chế tác đàn Chapi ở xã Phước Hòa cho biết: Đàn Chapi là một loại nhạc cụ dân gian truyền thống độc đáo của người Raglai, do đó chúng tôi muốn con cháu sau này phải giữ nghề và giữ gìn truyền thống của cha ông. Đồng thời cho du khách biết về nét văn hóa đặc trưng của người Raglai.
Trong thời gian qua, để nâng cao chất lượng dịch vụ, nhiều ý tưởng DL dựa trên bản sắc văn hóa, ẩm thực bản địa đã được các cơ sở làm DL triển khai. Du khách đi theo đoàn khi nghỉ chân ở Phước Bình vào ban đêm sẽ được phục vụ ẩm thực, văn nghệ, lửa trại, xem đánh Mã la... Đây là dịch vụ mới, hứa hẹn tạo nên sự hấp dẫn cho du khách khi đến Phước Bình. Ngoài ra, trong những năm qua, địa phương đã chủ động phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và DL, Trung tâm thông tin xúc tiến DL, Vườn quốc gia Phước Bình tổ chức khảo sát hình thành một số tour để giới thiệu đến du khách như: Thuyền tham quan trải nghiệm sinh thái suối Gia Nhông - thác Đá Bàn - thác Đá Rồng - bẫy đá Pi Năng Tắc; trải nghiệm chèo bè qua sông, leo núi, tham quan thác Chapơr...
Đồng chí Cấn Thị Hà, Phó Chủ tịch UBND huyện Bác Ái cho biết: Cấp ủy, chính quyền các xã và người dân trên địa bàn huyện đã nhận thức được tầm quan trọng của DL nên đã đầu tư phát triển DL theo hướng ngày càng có chất lượng cao và bước đầu đã tạo diện mạo mới trong hoạt động DL trên địa bàn huyện. Thời gian tới địa phương tiếp tục phối hợp với các sở, ngành của tỉnh đẩy mạnh công tác xúc tiến quảng bá kêu gọi đầu tư đối với các điểm DL sinh thái đã được quy hoạch và được tỉnh phê duyệt đề án; tổ chức sự kiện quảng bá, giới thiệu các tour cho các công ty, lữ hành DL trong và ngoài tỉnh; đẩy mạnh truyền thông mô hình DL cộng đồng tại Phước Bình; làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân triển khai thực hiện đề án phát triển DL, đặc biệt là DL cộng đồng, sớm hình thành các chuỗi giá trị sản phẩm DL để DL Phước Bình nói riêng và các địa phương khác của huyện Bác Ái nói chung kết nối tuyến DL của tỉnh có tính hấp dẫn và sức cạnh tranh cao.
Kha Hân