Bên cạnh Vườn quốc gia Ba Bể với “viên ngọc” hồ Ba Bể, Bắc Kạn còn có nhiều cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp, hấp dẫn với hệ thống sông, hồ, hang động phong phú cùng các di tích lịch sử, văn hóa... Phát huy lợi thế này, thời gian qua, tỉnh Bắc Kạn đã khởi động nhiều hoạt động nhằm khai thác lợi thế, phát triển du lịch địa phương.
Chưa có sản phẩm du lịch riêng biệt
Bắc Kạn vẫn là một tỉnh nghèo, kinh tế-xã hội còn nhiều khó khăn. Về địa lý, Vườn quốc gia Ba Bể cách Thủ đô Hà Nội 220km, nằm ở xa khu dân cư, điều kiện đi lại ít thuận lợi nên khó thu hút du khách, kết cấu hạ tầng giao thông không đồng bộ.
Về hệ thống cơ sở lưu trú, trên địa bàn tỉnh hầu hết là cơ sở lưu trú nhỏ, thiếu tiện nghi; chưa có khách sạn, khu nghỉ dưỡng 3-4 sao nhằm đáp ứng nhu cầu và thu hút đối tượng khách chi tiêu cao, khách quốc tế. Bắc Kạn nằm trong khu vực Việt Bắc với đặc điểm địa hình, địa lý của các tỉnh giống nhau, sản phẩm du lịch cũng có nhiều nét tương đồng. Bao năm qua, Bắc Kạn chưa có sản phẩm du lịch mới, riêng biệt nên du khách thường chọn các tỉnh lân cận có vị trí, giao thông thuận lợi hơn.
Du khách tham quan rừng trúc Phiêng Phàng, huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn.
Chính những yếu tố này khiến du lịch Bắc Kạn tụt hậu, du khách lưu trú thường chỉ 1-2 ngày, chi tiêu thấp. Dẫn chứng là thống kê năm 2019 (trước khi đại dịch Covid-19 xảy ra), chỉ có gần 530.000 lượt khách du lịch đến tham quan, nghỉ dưỡng tại các điểm du lịch trên địa bàn tỉnh, doanh thu du lịch đạt gần 350 tỷ đồng. Lượng khách đến với Bắc Kạn thấp hơn gần 4 lần so với các tỉnh trong khu vực. Trong số này, riêng lượng khách đến với khu du lịch hồ Ba Bể là hơn 85.000 lượt, doanh thu phí tham quan danh lam thắng cảnh đạt hơn 3,2 tỷ đồng.
Tiếp tục đầu tư, đa dạng hóa các sản phẩm du lịch
Xác định được tầm quan trọng của ngành du lịch, Đảng bộ tỉnh Bắc Kạn đã thông qua Nghị quyết chuyên đề về phát triển du lịch giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 với 6 nhóm giải pháp cụ thể. Trước hết, chú trọng công tác quảng bá, xúc tiến du lịch; quan tâm, đầu tư với nhiều hoạt động phong phú, đa dạng, có sức lan tỏa, góp phần tạo ấn tượng tốt đẹp, thu hút du khách đến địa bàn. Vừa qua, UBND tỉnh Bắc Kạn tổ chức Tuần văn hóa du lịch Bắc Kạn năm 2023 gắn với các hoạt động như trưng bày, giới thiệu, quảng bá ẩm thực dân tộc và các sản phẩm nông sản OCOP Bắc Kạn; trải nghiệm không gian văn hóa Tày, Nùng, Mông, Dao tỉnh Bắc Kạn...
Bắc Kạn cũng thay đổi cách thức tổ chức và các sản phẩm du lịch nhằm thu hút và níu chân du khách. Nếu như năm trước, Lễ hội bí xanh thơm ở huyện Ba Bể chỉ tổ chức từ 3 đến 4 ngày thu hoạch thì năm nay, huyện chỉ đạo người dân chuẩn bị tốt điều kiện để phục vụ du khách trải nghiệm từ giai đoạn làm đất, chăm sóc đến thu hoạch và thưởng thức các sản phẩm từ bí xanh như trà, kem, mứt... Bà Ma Thị Ninh, Giám đốc Hợp tác xã Yến Dương cho biết: “Để đáp ứng nhu cầu của đối tác và khách hàng tham quan, trải nghiệm, học tập cũng như thưởng thức bí xanh, chúng tôi sẽ nỗ lực cho ra đời thêm những sản phẩm chế biến từ quả bí thơm bản địa, sáng tạo thêm các mô hình du lịch trải nghiệm phong phú, đa dạng hơn”.
Du lịch Bắc Kạn đang có những cách làm mới để mang đến trải nghiệm thú vị và tạo kỷ niệm đẹp cho du khách, trong đó tiếp tục nâng cao chất lượng loại hình du lịch cộng đồng (homestay), kết hợp thành lập các câu lạc bộ hát then, hát lượn; giới thiệu ẩm thực truyền thống của địa phương đến với du khách; tổ chức các hoạt động đi xuồng ngắm cảnh ven hồ Ba Bể, chèo thuyền kayak; đi bộ ngắm cảnh, leo núi, tổ chức cắm trại, đốt lửa trại, trải nghiệm đời sống sinh hoạt, lao động cùng nông dân ven sông nước.
Bắc Kạn đã và đang triển khai các dự án đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông. Giai đoạn 2021-2025, dự kiến đầu tư công hơn 7.000 tỷ đồng cho lĩnh vực giao thông, trong đó trọng điểm là đường cao tốc từ Chợ Mới tới TP Bắc Kạn và đường du lịch từ TP Bắc Kạn đi hồ Ba Bể, kết nối sang Na Hang (Tuyên Quang). Khi hai tuyến đường này hoàn thành, lưu thông từ Hà Nội tới hồ Ba Bể sẽ chỉ còn khoảng 3 giờ đồng hồ.
Bài và ảnh: Hương Ly