Những sản phẩm du lịch của tỉnh Long An không chỉ đem đến nhiều trải nghiệm thú vị cho du khách mà còn góp phần quảng bá hình ảnh địa phương, thúc đẩy ngành Du lịch Long An phát triển.
Tỉnh Long An từng bước xây dựng, phát triển hệ thống sản phẩm du lịch, đặc biệt là những sản phẩm du lịch đặc thù, hấp dẫn, đủ sức cạnh tranh, thúc đẩy ngành Du lịch Long An phát triển, góp phần tích cực vào phát triển KT-XH địa phương.
Ngành Du lịch Long An đang ngày càng phát triển, hứa hẹn trở thành ngành kinh tế mũi nhọn trong tương lai. (Ảnh: Khu du lịch Cánh Đồng Bất Tận)
Tiềm năng lớn
Nằm trong vùng sông nước ĐBSCL, Long An có nhiều tiềm năng về tài nguyên du lịch, nhất là du lịch tự nhiên dựa trên các giá trị cảnh quan và sự đa dạng hệ sinh thái đặc trưng vùng Đồng Tháp Mười; hệ thống sông Vàm Cỏ… Long An còn có nhiều ngành nghề truyền thống nổi tiếng, các lễ hội văn hóa dân gian đặc sắc, đa dạng sinh học với các loài thực, động vật…
Long An hấp dẫn khách du lịch còn do giá trị nhân văn của nền văn hóa Óc Eo, một nền văn hóa đã hình thành và phát triển tại vùng châu thổ sông Cửu Long từ thế kỷ I đến thế kỷ VI sau Công nguyên. Long An cũng là địa phương giàu truyền thống cách mạng, văn hóa - lịch sử với 125 di tích lịch sử - văn hóa, kiến trúc, nghệ thuật, danh thắng, khảo cổ. Trong đó, có 21 di tích cấp quốc gia và 104 di tích cấp tỉnh.
Trong nguồn tài nguyên phát triển du lịch của Long An chính là những mặt hàng nông sản đã trở thành thương hiệu, gắn với từng địa danh của tỉnh như: gạo Nàng thơm chợ Đào ở huyện Cần Đước, dưa hấu đỏ Long Trì, thanh long ở huyện Châu Thành, dứa ở huyện Bến Lức...
Đặc biệt, do tiếp giáp TP.Hồ Chí Minh, Long An có điều kiện thuận lợi để trở thành điểm đến du lịch vệ tinh của trung tâm đầu mối du lịch lớn nhất cả nước, với các loại hình du lịch sinh thái, du lịch vui chơi giải trí, nghỉ dưỡng cuối tuần và du lịch nông thôn…
Trên địa bàn tỉnh tính hiện có 330 cơ sở lưu trú du lịch với 5.040 phòng, trong đó có 55 khách sạn gồm 06 khách sạn đạt tiêu chuẩn 2 sao với tổng số 169 phòng, 01 khách sạn đạt tiêu chuẩn 1 sao với 10 phòng và 252 cơ sở lưu trú du lịch đủ điều kiện tối thiểu về cơ sở vật chất kỹ thuật và dịch vụ phục vụ khách du lịch…
Thời gian qua, tỉnh đã không ngừng nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch nhằm tạo đà bứt phá. Tốc độ tăng trưởng bình quân ngành Du lịch tỉnh đạt trên 20%/năm. Năm 2022, Long An thu hút 650.000 lượt khách, tăng 88% so với cùng kỳ, tăng 54% so với kế hoạch. Trong 6 tháng đầu năm 2023, thu hút 362.300 lượt khách, tăng 54% so cùng kỳ 2022. Tỉnh phấn đấu đến năm 2025 thu hút 2,5 triệu lượt khách nội địa; 30.000 lượt khách du lịch quốc tế, tăng trưởng bình quân 30%/năm/tổng lượt khách, tổng thu du lịch đạt trên 2.000 tỷ đồng.
Phát triển các sản phẩm du lịch đặc thù
Với định hướng phát triển ngành Du lịch thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh, việc phát triển sản phẩm du lịch là con đường ngắn nhất để Long An tạo nên thương hiệu và tự khẳng định hình ảnh địa phương, thời gian qua, tỉnh Long An đã triển khai nhiều giải pháp, đặc biệt là huy động các nguồn lực xã hội đầu tư phát triển du lịch nói chung và sản phẩm du lịch nói riêng.
Ông Nguyễn Thành Thanh - Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Long An cho biết, Long An đã và đang từng bước định hình, xây dựng các sản phẩm du lịch trên cơ sở khai thác thế mạnh về tài nguyên du lịch, phát triển hệ thống sản phẩm du lịch có tính cạnh tranh, hạn chế sự trùng lặp với các địa phương trong Vùng ĐBSCL và đáp ứng được nhu cầu đa dạng của thị trường.
Hiện nay, tỉnh xây dựng, tập trung phát triển các nhóm sản phẩm du lịch đặc thù mang tính cạnh tranh cao, gồm: du lịch sinh thái điển hình vùng Đồng Tháp Mười; Du lịch cuối tuần, du lịch tham quan các di tích lịch sử văn hóa - lịch sử cách mạng, du lịch nông thôn, các sản phẩm du lịch bổ trợ du lịch quá cảnh, du lịch tham quan mùa nước nổi, du lịch tham quan nghiên cứu…; sản phẩm du lịch bổ trợ như xã hội hóa đầu tư các dịch vụ, sản phẩm hàng hóa, quà lưu niệm phục vụ du khách tại các khu di tích lịch sử, văn hóa... Bên cạnh đó, các địa phương trong tỉnh cũng đã xây dựng các chương trình du lịch đặc thù, dựa vào thế mạnh của địa phương, đưa các sản phẩm đặc sản địa phương, sản phẩm OCOP thành sản phẩm du lịch để tận dụng tối đa ưu thế xuất khẩu tại chỗ cho nông sản Long An.
Thời gian tới, để khai thác có hiệu quả những tiềm năng, phát triển du lịch, từng bước chuyên nghiệp hóa hoạt động du lịch, tỉnh tiếp tục đầu tư phát triển hệ thống sản phẩm du lịch gắn với xây dựng thương hiệu, xúc tiến quảng bá, đào tạo nguồn nhân lực… đáp ứng yêu cầu phát triển.
Đồng thời, tỉnh cũng đẩy mạnh liên kết phát triển sản phẩm du lịch, mở rộng hợp tác phát triển du lịch với các địa phương trên cả nước, các tỉnh Vùng ĐBSCL trong phát triển du lịch tiểu vùng sông Mêkông mở rộng với TP.Hồ Chí Minh và các địa phương trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Bên cạnh đó, tỉnh cũng đẩy mạnh công tác xúc tiến, quảng bá nhằm giới thiệu, tiềm năng, thế mạnh, thu hút đầu tư phát triển du lịch địa phương.
Mai Hằng