Vĩnh Phúc: Bảo tồn và phát huy giá trị cây di sản

Cập nhật:17/10/2023 15:31:12
Trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc hiện có khoảng 20 cây cổ thụ hàng trăm năm tuổi được Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam công nhận là cây di sản. Cây di sản mang giá trị to lớn về lịch sử, văn hóa của mỗi vùng đất, là niềm tự hào của nhân dân địa phương. Những năm qua, công tác bảo tồn và phát huy giá trị của cây di sản được các cấp, ngành, địa phương triển khai bằng những biện pháp cụ thể.
Để được công nhận là cây di sản, cây cổ thụ phải đạt các tiêu chí: Là cây thân gỗ lớn đang sống, có tuổi đời từ 100 năm tuổi trở lên đối với cây trồng và 200 năm tuổi trở lên đối với cây tự nhiên. Cây có giá trị về cảnh quan môi trường, khoa học, văn hóa, lịch sử…; được cộng đồng đề xuất, chủ sở hữu cây đăng ký và được Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam công nhận.
 
Là vùng đất có bề dày truyền thống lịch sử, văn hóa, Vĩnh Phúc có nhiều cây cổ thụ hàng trăm năm tuổi gắn liền với các di tích đền, chùa, đình, miếu… tạo nên khung cảnh làng quê Bắc Bộ xưa vừa cổ kính, vừa yên bình, trầm mặc.
 
Trong dòng chảy của cuộc sống hiện đại, cây di sản mang ý nghĩa biểu trưng về sự trường tồn của văn hóa cổ truyền dân tộc đã thấm đẫm, in sâu trong ký ức của biết bao thế hệ người Việt. Trên cơ sở nhận thức rõ giá trị, vai trò của cây di sản đối với việc bảo vệ môi trường, giáo dục truyền thống yêu nước, bảo vệ di sản văn hóa, các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh quan tâm thực hiện tốt công tác bảo tồn, khai thác giá trị của cây di sản để phát triển du lịch, nâng cao đời sống nhân dân.
 
Xã Sơn Đông, huyện Lập Thạch là một trong số ít địa phương trong tỉnh có tới 3 cây cổ thụ được công nhận là cây di sản. Cây lộc vừng hơn 600 năm tuổi tại đền thờ Tả Tướng quốc Trần Nguyên Hãn có chiều cao khoảng 10 m, tán lá vươn rộng gần 20 m. Không chỉ có giá trị sinh học, cây lộc vừng gắn với di tích đền thờ Tả Tướng quốc còn mang ý nghĩa lịch sử, là nhân chứng sống ghi lại dấu ấn vàng son lịch sử oai hùng của dân tộc, tôn vinh và tưởng nhớ công lao to lớn của danh tướng Trần Nguyên Hãn giúp Lê Lợi đánh tan quân Minh xâm lược, giành thắng lợi trong cuộc khởi nghĩa Lam Sơn.
 
Cây bồ đề hơn 300 năm tuổi có phần rễ ôm trọn cổng đình Phú Hậu, xã Sơn Đông, huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc tạo nên vẻ đẹp uy nghi, kỳ vĩ. Ảnh: Kim Ly
 
Hình ảnh cây bồ đề ở đình làng Phú Hậu đã xuất hiện trên nhiều trang báo với vẻ đẹp độc lạ hiếm có. Không ít du khách ở xa đã cất công tìm về địa phương để được tận mắt chiêm ngưỡng vẻ đẹp của cây bồ đề hơn 300 năm tuổi. Cây cao hơn 30 m, cành lá xum xuê, phần rễ cây ôm trọn cổng đình, tạo nên vẻ đẹp uy nghi, kỳ vĩ.
 
Thời kháng chiến chống Pháp, đình làng Phú Hậu là nơi du kích bàn việc đánh giặc. Cây bồ đề cao lớn như một “đài quan sát” giúp quân ta nắm rõ tình hình quân địch, các hốc cây trên cao là nơi đặt những bức thư mật trao đổi quân cơ của du kích. Ngoài ra, ở thôn Phú Hậu còn có cây bồ đề 300 năm tuổi nằm trong khuôn viên đền Mẫu quanh năm soi bóng xuống dòng sông Phó Đáy. Đây từng là nơi Vua Hùng thứ 18 dừng chân khi đi vi hành, là nơi danh tướng Trần Nguyên Hãn bày binh bố trận đánh bại giặc Minh.
 
Phó Chủ tịch UBND xã Sơn Đông Chu Văn Thanh cho biết: "3 cây di sản gắn liền với lịch sử, văn hóa của địa phương, là niềm tự hào của nhân dân trong xã. Những năm qua, chính quyền và nhân dân địa phương luôn quan tâm đến công tác bảo tồn và phát huy giá trị cây di sản gắn với di tích; thường xuyên cắt tỉa cành; khoan bê tông dưới gốc cây lộc vừng tạo lỗ thoát nước để cây phát triển tốt; tuyên truyền, vận động người dân tham gia bảo vệ, gìn giữ cây di sản.
 
Cây lộc vừng và cây bồ đề ở cổng đình Phú Hậu hiện vẫn sinh trưởng tốt, chỉ có cây bồ đề ở đền Mẫu bị ảnh hưởng nghiêm trọng do sụt lún ở bờ sông Phó Đáy. Cuối năm 2022, UBND tỉnh quyết định xây dựng công trình khẩn cấp xử lý sạt trượt sông Phó Đáy khu vực đền Mẫu và trạm bơm Phú Bình II, xã Sơn Đông, huyện Lập Thạch do Ban Quản lý Dự án NN&PTNT tỉnh làm chủ đầu tư.
 
Đơn vị thi công đã cắt toàn bộ cành và chằng chống để cây bồ đề không bị nghiêng. Tuy nhiên, ngày 28/6/2023, toàn bộ các hạng mục công trình kè xây dựng mới ở khu vực đền Mẫu bị sụt lún nghiêm trọng, cây bồ đề bị nghiêng hẳn. Hiện nhà thầu đang tiếp tục thi công khắc phục sự cố, bảo vệ di tích đền Mẫu và cây di sản".
 
Hiện nay, tỉnh chưa có quy chế cụ thể, thống nhất trong việc chăm sóc, bảo tồn cây di sản, việc bảo tồn chủ yếu do chính quyền địa phương và cộng đồng dân cư nơi có cây đảm nhiệm. Cây di sản có tuổi thọ cao, dễ bị xâm hại bởi sâu bệnh và thiên tai, do đó, việc chăm sóc đòi hỏi phải có kỹ thuật và kinh phí lớn.
 
Để thực hiện tốt việc bảo tồn, phát huy giá trị cây di sản, các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân chung tay chăm sóc và bảo vệ cây di sản; theo dõi quá trình sinh trưởng, phát triển của cây, tham vấn ý kiến của các chuyên gia để có biện pháp chăm sóc phù hợp; đẩy mạnh phát triển du lịch gắn với việc bảo tồn các di tích và cây di sản.
 
Bạch Nga
Nguồn: Báo Vĩnh Phúc Online - baovinhphuc.com.vn