UBND TP.Hội An (Quảng Nam) vừa ban hành kế hoạch “Phát triển và quản lý mạng lưới cơ sở lưu trú du lịch trên địa bàn thành phố đến năm 2025”.
Hội An định hướng ưu tiên phát triển loại hình khách sạn tại xã đảo Tân Hiệp để phục vụ nhu cầu lưu trú của các đoàn khách có số lượng khách lớn. Ảnh: Mỹ Lệ
Thành phố định hướng tất cả các loại hình lưu trú được quy định tại Điều 48, Luật Du lịch 2017 đều được phép phát triển. Tuy nhiên, căn cứ định hướng phát triển, đặc điểm về điều kiện tự nhiên, địa lý, quy mô hành chính, văn hóa, sinh thái, TP.Hội An hạn chế phát triển loại hình dịch vụ lưu trú nhà nghỉ du lịch; khuyến khích phát triển các loại hình dịch vụ lưu trú: tàu thủy lưu trú du lịch và bãi cắm trại du lịch.
Riêng tại xã đảo Tân Hiệp, ngoài loại hình homestay, biệt thự du lịch đã khuyến khích phát triển từ trước, sẽ ưu tiên phát triển loại hình khách sạn để phục vụ nhu cầu lưu trú của các đoàn khách có số lượng khách lớn.
Các di tích nhà ở nằm trong kiệt, hẻm khu vực 1 và khu vực 2A trong khu vực phố cổ được tổ chức đón khách lưu trú du lịch thí điểm theo loại hình lưu trú homestay nhưng phải đảm bảo các yêu cầu, điều kiện về diện tích, kiến trúc, cảnh quan, không gian, nếp sống văn hóa, sinh hoạt gia đình.
TP.Hội An cũng chỉ cho phép phát triển loại hình homestay đối với khu vực trung tâm các làng nghề, bao gồm các tổ 1, 2, 3, 4, 5, 6 thôn Trà Quế (xã Cẩm Hà); khối Nam Diêu (phường Thanh Hà); khối An Mỹ (phường Cẩm Châu); các tổ 1, 2, 3, 4 thôn Vạn Lăng và các tổ 6, 7, 8, 9, 10 thôn Thanh Tam (xã Cẩm Thanh); tổ 9, thôn Trung Hà, xã Cẩm Kim. Các khu vực còn lại của xã Cẩm Kim chỉ cho phép phát triển loại hình biệt thự du lịch và homestay.
Theo thống kê, đến cuối năm 2022, toàn thành phố có 841 cơ sở lưu trú du lịch với 12.483 phòng, trong đó loại hình lưu trú homestay chiếm tỷ trọng cao nhất về số lượng với 408 cơ sở nhưng chỉ chiếm 12,88% về số lượng phòng. Chiếm tỷ trọng cao nhất (68,35%) về số lượng phòng là loại hình khách sạn với 165 cơ sở (8.567 phòng).
Mỹ Lệ