Từng bước ứng dụng công nghệ thông tin để tiếp cận khách tham quan về cả chiều rộng và chiều sâu, mở thêm không gian trưng bày mới tăng sức hút đang là những nỗ lực của các bảo tàng trên địa bàn thành phố Đà Nẵng để thu hút du khách, đặc biệt là du khách quốc tế.
Du khách quốc tế thích thú tìm hiểu không gian văn hóa Chăm tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng
Nhằm giúp du khách quốc tế có cái nhìn toàn diện hơn về đời sống văn hóa cộng đồng người Chăm, sắp tới Bảo tàng điêu khắc Chăm Đà Nẵng sẽ khánh thành và đưa vào hoạt động không gian văn hóa Chăm mới, trong đó chứa đựng nhiều hiện vật về đời sống tinh thần, tôn giáo, tín ngưỡng của dân tộc Chăm nước ta từ xưa đến nay.
Theo dự kiến, không gian văn hóa Chăm mới này ở bảo tàng có khoảng 150 hiện vật được trưng bày theo 6 chuyên đề, gồm đời sống sinh hoạt tôn giáo, tín ngưỡng, chữ viết, trang phục, nhạc cụ, lễ hội và làng nghề truyền thống, thể hiện ở mô hình nhà ở, đền tháp, không gian tín ngưỡng theo phong cách của người Chăm, cụ thể là tập trung trưng bày, giới thiệu các hiện vật cơ bản nhất của 3 nhóm người Chăm nước ta là Chăm Bàlamôn, Chăm Bàni và Chăm Islam. Mỗi khu vực trưng bày hiện vật, bảo tàng đều bố trí pano giới thiệu bằng tiếng Việt và tiếng Anh, đồng thời có hình ảnh minh họa người Chăm sử dụng các hiện vật để khách tham quan dễ hình dung. Anh Võ Hoài Nam, cán bộ phòng Sưu tầm, Bảo quản và Trưng bày (Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng) cho biết, các hiện vật được bảo tàng sưu tầm từ nhiều năm nay ở các địa phương như Ninh Thuận, Bình Thuận, An Giang.
Điều đặc biệt là tại không gian văn hóa Chăm mới chứa đựng nhiều hiện vật có tuổi đời gần 100 năm và vẫn được người Chăm ngày nay sử dụng. Với sự mới mẻ và thu hút, chỉ mới vài ngày mở cửa, không gian văn hóa Chăm đã thu hút đông đảo hàng trăm du khách quốc tế tới tham quan. Phó Giám đốc Bảo tàng Điêu khắc Chăm, ông Trần Đình Hà cho biết: “Lâu nay, người dân, du khách đến với bảo tàng đa phần chiêm ngưỡng những tác phẩm điêu khắc, kiến trúc Chăm, tìm hiểu về niên đại, lịch sử cũng như sự quý giá của các bức tượng, hiện vật. Tuy nhiên, với một số người có thể điều này còn khá đơn điệu, một màu. Vì vậy, bảo tàng mở ra không gian này nhằm tạo thêm sự đa dạng, sinh động, thu hút khách tham quan đến với bảo tàng. Đặc biệt, qua không gian giúp công chúng có cái nhìn đầy đủ, bao quát hơn về các tộc người, đời sống, văn hóa Chăm”.
Dù đã mở cửa phục vụ khách, song không gian văn hóa Chăm chỉ mới hoàn thiện trên 90%, bảo tàng vẫn còn đang hoàn thiện một số hạng mục phụ trợ. Dự kiến, tất cả sẽ được hoàn tất trước ngày 23/11 để bảo tàng tổ chức lễ khánh thành nhân kỷ niệm ngày Di sản văn hóa Việt Nam (23/11). Xác định chuyển đổi số đóng góp phần quan trọng trong việc giữ gìn, quảng bá di sản, các bảo tàng ở Đà Nẵng đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, đưa công nghệ làm chiếc cầu nối hữu hiệu giữa bảo tàng và công chúng. Đà Nẵng hiện có bốn bảo tàng công lập gồm Bảo tàng Đà Nẵng, Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng, Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng, Bảo tàng Quân khu 5. Ngoài ra còn có ba bảo tàng ngoài công lập và hai nhà trưng bày. Hiện nay các bảo tàng đều đang tập trung đẩy mạnh ứng dụng CNTT, phục vụ du khách trên cả hai hình thức trực tiếp và trực tuyến, hiệu quả trước mắt là có hàng nghìn hiện vật, tư liệu, di tích di sản tại Đà Nẵng đã được số hóa.
Bảo tàng Điêu khắc Chăm đang thực hiện công tác đưa hệ thống thuyết minh tự động bằng tiếng Việt và tiếng Anh qua mã QR vào không gian văn hóa Chăm để phục vụ nhu cầu tìm hiểu thông tin của người dân, du khách. Trong thời gian tới, bảo tàng tiếp tục sưu tầm, bổ sung các hiện vật cho không văn hóa Chăm. Qua đó, góp phần nâng cao chất lượng phục vụ, lan tỏa hiểu biết về văn hóa Chăm đến đông đảo công chúng trong và ngoài thành phố. Bảo tàng Điêu khắc Chăm cũng là bảo tàng đầu tiên tại Đà Nẵng có ứng dụng tham quan bảo tàng thực tế ảo được tích hợp, đồng bộ trên nền tảng VR360-Một chạm đến Đà Nẵng, ứng dụng quảng bá các điểm du lịch của thành phố năm 2023.
Tại Bảo tàng Đà Nẵng đã tiên phong xây dựng và đưa vào sử dụng ứng dụng Công nghệ thông tin bản đồ số phục vụ công tác bảo tồn và quảng bá các điểm di tích trên địa bàn thành phố. Nhờ bản đồ số, người dân có thể tìm hiểu, khai thác nguồn dữ liệu phong phú, chính xác về hệ thống di tích lịch sử của Đà Nẵng. Bên cạnh đó, Bảo tàng Đà Nẵng đã triển khai số hóa hiện vật, tư liệu hiện đang được lưu giữ, trưng bày...
Minh Châu