Vĩnh Phúc: Tam Đảo phát triển du lịch bền vững

Cập nhật:22/12/2023 15:39:08
Sau 20 năm thành lập, từ một huyện nghèo, xuất phát điểm thấp nhưng nhờ triển khai nhiều giải pháp; khai thác tốt các tiềm năng, thế mạnh về di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh, huyện Tam Đảo (Vĩnh Phúc) đã đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương. Năm 2022, giải thưởng “Tam Đảo - Thị trấn điểm đến hàng đầu thế giới” do tổ chức World Travel Awards vinh danh đã giúp huyện khẳng định chỗ đứng trên bản đồ du lịch thế giới, mở ra hướng phát triển mới cho du lịch Tam Đảo nói riêng và du lịch Vĩnh Phúc nói chung.
 
Cơ sở vật chất được đầu tư cùng với tiềm năng, lợi thế sẵn có, thị trấn Tam Đảo ngày càng thu hút du khách, xứng đáng là “Thị trấn điểm đến hàng đầu thế giới”. Ảnh: Dương Hà
 
Tam Đảo là huyện được thiên nhiên ưu đãi nhiều tiềm năng phát triển du lịch, dịch vụ nên ngay từ khi thành lập, huyện đã xác định ngành du lịch là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, có vai trò quan trọng liên kết với các ngành kinh tế khác trên địa bàn.
 
Huyện ủy, HĐND, UBND huyện chú trọng ban hành chỉ thị, nghị quyết lãnh đạo, chỉ đạo phát triển du lịch, dịch vụ bền vững và tham mưu Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh tạo cơ chế, chính sách, định hướng cho phát triển du lịch, dịch vụ của huyện.
 
Hằng năm, công tác tuyên truyền, quảng bá về du lịch Tam Đảo được đẩy mạnh trên các phương tiện thông tin đại chúng của Trung ương, tỉnh và huyện. Công tác quản lý quy hoạch phát triển du lịch và đầu tư trong lĩnh vực du lịch huyện Tam Đảo luôn được tỉnh, huyện quan tâm.
 
Sau 20 năm thành lập, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, cơ sở hạ tầng du lịch, nhất là ở các khu du lịch trọng điểm như thị trấn Tam Đảo, Khu di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh Tây Thiên tiếp tục được đầu tư, nâng cấp, phục vụ nhu cầu tham quan của du khách; thúc đẩy, kết nối phát triển du lịch, dịch vụ huyện Tam Đảo.
 
Huyện Tam Đảo hiện có 191 cơ sở lưu trú, trong đó, có 73 khách sạn, 79 nhà nghỉ, 39 cơ sở Homestay và Villa với tổng số hơn 3.500 phòng. Hệ thống giao thông kết nối các khu du lịch trọng điểm trên địa bàn huyện cơ bản được hoàn thiện, các tuyến đường thường xuyên được bảo trì, nâng cấp, tạo điều kiện thuận lợi để xây dựng các tour, tuyến du lịch và hạn chế tình trạng tắc nghẽn giao thông vào mùa lễ hội, du lịch.
 
Để phát triển du lịch, dịch vụ bền vững, huyện chú trọng xây dựng hình ảnh khu, điểm du lịch văn minh phục vụ du khách; xây dựng con người Tam Đảo văn minh, thân thiện. Hằng năm, tổ chức khai mạc du lịch hè Tam Đảo; tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ vào các buổi tối thứ 7, chủ nhật phục vụ khách du lịch; tham gia chương trình kích cầu du lịch; vận động các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch đầu tư nâng cấp trang thiết bị, cơ sở vật chất kỹ thuật, nhân lực, đảm bảo điều kiện nâng cao chất lượng dịch vụ.
 
Huyện tích cực chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, UBND các xã, thị trấn tăng cường công tác thu gom, xử lý rác thải, vệ sinh môi trường, nhất là trên một số tuyến đường chính chạy qua địa bàn, các khu, điểm du lịch.
 
Các sản phẩm du lịch ngày càng đa dạng, phong phú, thu hút được lượng lớn du khách và từng bước trở thành thế mạnh của huyện như du lịch lễ hội; du lịch tín ngưỡng, tâm linh; du lịch nghỉ dưỡng kết hợp với tìm hiểu lịch sử - văn hóa.
 
Việc kinh doanh dịch vụ du lịch kết hợp sản phẩm du lịch truyền thống và các loại hình dịch vụ mới, mô hình mới đã từng bước đáp ứng nhu cầu tìm hiểu, khám phá của du khách. Trung bình mỗi năm, huyện đón hơn 1 triệu lượt khách đến tham quan, hành hương, vãn cảnh, nghỉ dưỡng.
 
Bên cạnh đó, những năm gần đây, hoạt động nghiên cứu khoa học và công nghệ trong phát triển du lịch của huyện có bước đổi mới với nhiều đề tài, dự án được triển khai. Trong đó, chú trọng xây dựng thương hiệu cho một số sản phẩm từ cây dược liệu; xây dựng và triển khai mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành Nông nghiệp. Triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, điều hành và hoạt động dịch vụ.
 
Hằng năm, Hội đồng khoa học và công nghệ huyện triển khai, thực hiện nghiệm thu các đề tài nghiên cứu khoa học và đề tài thực nghiệm cấp huyện áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất tạo ra năng suất cao, sản phẩm sạch cho tiêu dùng của nhân dân và du khách.
 
Đến nay, huyện Tam Đảo đã có 21 sản phẩm (trong đó có 17 sản phẩm đạt 3 sao, 4 sản phẩm đạt 4 sao), trở thành thế mạnh trong sản xuất nông nghiệp của huyện, gồm: Trà hoa vàng, nấm sò Tam Đảo, nấm Đông trùng hạ thảo, trà đinh lăng đang được đánh giá cao, góp phần phát triển du lịch trên cơ sở xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm đặc trưng của huyện, hình thành các sản phẩm quà tặng lưu niệm phục vụ du lịch của huyện.
 
Quá trình xây dựng và phát triển hình ảnh du lịch Tam Đảo đã được các bộ, ngành ghi nhận. Tháng 1/2022, Tam Đảo được công nhận là Khu du lịch cấp quốc gia và tháng 11/2022, tại lễ trao Giải thưởng du lịch thế giới (World Travel Awards) lần thứ 29, thị trấn Tam Đảo được vinh danh là “Thị trấn điểm đến hàng đầu thế giới”. Đây là đòn bẩy giúp du lịch Tam Đảo “cất cánh” vươn xa.
 
Bình Duyên
Nguồn: Báo Vĩnh Phúc Online - baovinhphuc.com.vn